Kết bạn nhờ Facebook
Khi tôi hỏi cô gái bên nồi cháo nghi ngút khói: “Em và các bạn đây học cùng nhau à?”. “Không ạ. Chúng biết nhau qua “Quán Cơm Tương Trợ Kết Nối Yêu Thương” trên facebook. Biết bạn ấy có ý định đi nấu cháo để giúp những bệnh nhân nghèo nên chúng em kết bạn ngay. Mọi người làm việc ở đây cũng thế- cô gái trả lời.
“Ban đầu các bạn ấy muốn đi nấu và phát cháo ở Bệnh viện Việt Tiệp hoặc Bệnh viện Kiến An nhưng ở hai bệnh viện đó đã có nhiều nhóm làm rồi, nên em gợi ý đi xa hơn, đến những bệnh viện ở những huyện khó khăn chưa có nhóm nào làm”- Cô gái vừa múc bát cháo nóng đưa cho bà cụ, vừa kể về sự gặp gỡ kết bạn “đồng nghiệp”.
Các cô chọn An Lão, vì An Lão là một huyện nhỏ điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhưng muốn đến bệnh viện các cô phải đi khoảng 15 km. Nếu như ở những bệnh viện lớn có thể mua cháo dễ dàng ở căng tin hay các hàng ăn quanh bệnh viện, ở đây bệnh nhân phải đi tương đối xa mới mua được cháo nên rất vất vả cho bệnh nhân.
Khi phát cháo ở đây, hồi đầu các bệnh nhân còn e dè không biết nên nhận hay không vì nhiều lý do nhưng rồi khi hiểu rõ về việc làm từ thiện bệnh nhân không chỉ vui vẻ đón nhận mà còn thấy rất ấm lòng.
“Có lần một bác đến chăm bệnh nhân lấy cháo về cho vợ cứ đòi trả tiền bằng được. Mọi người phải nói mãi bác mới thôi. Người dân ở đây thật thà, chất phác lắm, với nhiều người có lẽ là lần đầu tiên họ được nhận một thứ miễn phí từ người lạ nên họ không quen” - Cô gái nói.
Ngày 14/5/2017 nồi cháo đầu tiên được các cô nấu với 30lít cháo đem đến bệnh viện vào sáng Chủ nhật giúp các bệnh nhân nghèo.
Rồi nhiều người thấy dù rất trẻ đã làm việc thiện giúp đỡ người khác nên chung tay giúp sức, quyên góp. Vì vậy nồi cháo bây giờ đã “thổi bùng” thành 80 lít giúp được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Hơi ấm của những bát cháo thơm thảo ấy lan tỏa đến rất nhiều người và họ đã xúc động sẻ chia. Giờ đây các cô trong một tháng có thêm một tuần đi phát bánh mì giò, phát 100 suất cơm và hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn hàng tháng.
Dịp Trung thu các cô cậu còn phát tặng bánh nướng cho tất cả bệnh nhân, quà cho trẻ em vui tết đón trăng để các bé ngắm chị Hằng mà không buồn tủi. Và nhất là những ngày giáp Tết các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các cháu nhỏ vui mừng vì những món quà mà nhóm các bạn mang tới trao tặng…
Cứ Chủ nhật mọi người chung tay nấu 100 suất cơm và cùng nhau đem đến bệnh viện cho những bệnh nhân nghèo. Cô gái bảo, kiểu gì cũng phải bố trí công việc để đảm bảo phát đều đặn lúc 10h sáng Chủ Nhật hàng tuần để những bệnh nhân khó khăn có một bữa ăn cải thiện.
“Con người ơi! Hãy thương lấy con người”
Ngoài phát cơm, phát cháo tại bệnh viện, các cô cậu còn cùng nhau vận động quyên góp để hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho các bé cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn từ 200.000 đ - 500.000 đ/tháng.
Số tiền không phải là nhiều nhưng cái tình của nó đã chạm vào trái tim những đứa trẻ khó khăn bất hạnh.
Vẫn biết sống ở trên đời người ta có thể chọn được bạn bè, người yêu, vợ hoặc chồng nhưng không ai chọn được bố mẹ. Nhưng người nào biết hoàn cảnh mấy cháu trong hơn chục cháu vừa được sự giúp đỡ của các bạn ấy thế nào, chắc chắn người nhạy cảm khó có thể cầm nổi nước mắt.
Cháu Phạm Thị Kim Ngân học lớp 8A Trường THCS Trường Thọ, cháu ở với bà ngoại và mẹ. Nhưng mẹ cháu bị tâm thần, thỉnh thoảng bà lại bỏ nhà đi ít là vài ba ngày, có khi vài tuần mới về.
Cháu Phạm Thị Hằng học lớp 7B Trường THCS Trường Thọ cũng bơ vơ không kém. Bố cháu mất do bị ung thư xương, mẹ đi bước nữa. Bà ngoại già thương chau nên mang về nuôi. Cháu không những bị bỏ rơi lại còn bị bệnh khớp thường xuyên hành hạ.
Cháu Nguyễn Thùy Linh học sinh lớp 9B Trường THCS Bát Trang thì mồ côi cha mẹ từ nhỏ cháu ở với ông bà nội đã già yếu.
Cháu Lê Trọng Thúy, lớp 8B Trường THCS Quang Hưng, chị là Lê Thị Thảo lớp 11 Trường THPT Quốc Tuấn, em Lê Thị Thúy Quyên lớp 3 Trường Tiểu học Quang Hưng thì buồn khổ vì mẹ bỏ nhà đi đâu không biết, bố thì bị câm chẳng bao giờ nói được một lời .
Cháu Nguyễn Quốc Nhật học lớp 6B Trường THCS Quang Hưng còn bơ vơ hơn. Mẹ cháu bỏ nhà đi từ khi cháu 8 tháng tuổi, bố cũng bỏ đi xứ khác nhiều năm không về. Cháu ở vời ông bà nội đã già yếu đi lại phải dùng gậy chống mà vẫn run lẩy bẩy. Và còn rất nhiều những trường hợp có hoàn cảnh éo le như vậy mữa.
Kết nối yêu thương.
Để đều đặn hàng tuần vào 10h sáng Chủ Nhật để có những suất cơm, bát cháo nóng cho những bệnh nhân nghèo nên chỉ cần một người bị ốm hoặc bận việc, đi xa là sẽ có ngay một người khác đến giúp sức để tiếp tục thổi bùng ngọn lửa ấm lòng bệnh nhân nghèo khó. Các bạn luôn làm việc với suy nghĩ những người có kinh tế thì họ giúp vật chất còn mình thì giúp sức để cho những người nghèo đỡ khổ.
Điều đặc biệt có thể thấy là các bạn trẻ đều quen nhau trên Facbook. Và điều đặc biệt nữa là họ đều không nói tên mình, vì theo họ thì “mình đã làm được gì đâu”.
Mấy cụ già cầm cạp lồng ngồi chờ để nhận suất cơm sáng Chủ Nhật tại ngay nơi tiếp đón bệnh nhân của bệnh viện bảo, cảm giác của chúng tôi không khác nào cảm giác ngày xưa lúc còn bé xíu chờ bữa cơm mẹ nấu có món ngon đãi khách khi có ông khách quý đến nhà chơi. Chúng tôi vô cùng cảm tạ các bạn ấy vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Còn mấy em học sinh đang sống với ông bà nhận được quà thì bảo, em sẽ đưa hết cho bà để bà mua sách, truyện cho em đọc và bà đi chợ mua thức ăn cho ông.
Việc làm của các bạn trẻ ấm tình người ấy làm cho câu danh ngôn của Charlie Chaplin: “Chúng ta ai cũng muốn giúp người khác. Con người là thế. Chúng ta muốn sống bên hạnh phúc của nhau chứ không phải sự khổ sở của nhau” lan tỏa mọi người. Và như một diễn viên nổi tiếng từng nói khi cô đoạt giải Oscar: “Nhờ vào sự chung tay yêu thương giúp đỡ của mọi người mà tôi hôm nay có được giải thưởng cao quý. Chân lý chính là tình yêu thương!”.