Ngoại trưởng Mỹ khi thăm Trung Quốc bàn việc gì

Ngày 18/3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến Bắc Kinh. Đây là chuyến thăm Bắc Kinh của một quan chức cao cấp Mỹ đầu tiên, kể từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Theo giới chuyên gia được báo mạng Forbes trích dẫn, có ít nhất 5 vấn đề mà ngoại trưởng Mỹ cần phải xử lý về mối quan hệ phức tạp giữa Washington và Bắc Kinh.
Ông Tillerson
Ông Tillerson

Thứ nhất, cũng như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc trông đợi một lập trường rõ ràng và nhất quán từ ông Trump. Sau cú trao đổi điện thoại với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, gây căng thẳng cho đôi bên, Bắc Kinh giờ muốn biết xem Mỹ nghiêm túc đến đâu trong việc giúp đỡ Nhật Bản và Hàn Quốc phòng thủ chống lại chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Bắc Kinh cũng tò mò muốn biết ông Tillerson có ý gì khi hồi tháng 1/2017 nói rằng nên ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp tại Biển Đông mà nước này đòi hỏi chủ quyền một cách ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ còn tuyên bố là “muốn thiết lập một sân chơi bình đẳng cho các lợi ích thương mại và đầu tư của đôi bên”. Trung Quốc rất muốn biết điều đó có ý nghĩa gì cho quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Thứ hai, Trung Quốc chắc chắn vẫn sẽ lại đưa ra những quan điểm và cam kết cũ. Cách tiếp cận này sẽ ngày càng được dùng đến nhiều hơn cho đến khi nào Trung Quốc biết rõ là ông Trump đang muốn làm gì tại châu Á. Nghĩa là Trung Quốc vẫn cam kết gây áp lực lên Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân, nhưng phản đối Mỹ và Hàn Quốc cho lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa THAAD. Về căng thẳng trên Biển Đông, Bắc Kinh khả năng vẫn lập lại yêu sách chủ quyền phi lý tại những đảo mà họ chiếm cứ trái phép và kêu gọi hợp tác với các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh hải. Trung Quốc lại sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung đối với các doanh nghiệp và các nhà nhập khẩu Mỹ.

Điểm thứ ba chính là quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật-Hàn. Ông Rex Tillerson đến Nhật Bản hôm qua 15/3 để trấn an đồng minh trước mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên, cũng như trước những động thái quân sự của Trung Quốc tại những đảo đang có tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản. Ngoại trưởng Mỹ cũng có cuộc gặp đầu tiên với tổng thống tạm quyền Hwang Kyo-Ahn tại Hàn Quốc.

Forbes trích nhận định của giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales, Úc cho rằng: “Việc Mỹ quay lại tập trung vào vùng Đông Bắc Á và viện dẫn điều khoản số 5 trong Hiệp ước song phương an ninh Mỹ - Nhật sẽ không làm cho Bắc Kinh hài lòng”.

Từ đó, người ta có thể hình dung ra bước đi thứ tư của Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực, kể cả vấn đề Biển Đông là “nhã nhặn từ chối mọi nhượng bộ”. Tất cả những lời chỉ trích của ông Tillerson hay từ những nước xung quanh đều phải dừng tại đây. Nếu nói về hành động gây hấn trên Biển Đông thìTrung Quốc lấp lửng nói sắp có Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) với các nước Đông Nam Á. Việc ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhắm vào Triều Tiên, Bắc Kinh đồng ý nhưng từ chối gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Ông Sean King, phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn Park Strategies tại New York nhận định những lời phàn nàn của Tillerson về những vấn đề trên sẽ được lịch sự lắng nghe, nhưng Trung Quốc sẽ “không đưa ra một giải pháp nào khác”.

Việc cuối cùng là đôi bên sẽ lên kế hoạch cho chuyến công du Mỹ của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 4 sắp tới, dự kiến cho một cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai lãnh đạo Mỹ - Trung kể từ lúc Nhà Trắng có chủ nhân mới. Chuyến thăm Bắc Kinh lần này của ông Tillerson có lẽ để thiết lập một chương trình nghị sự cho cuộc gặp thượng đỉnh nhằm tránh những yếu tố bất ngờ có thể làm tổn hại đến mối quan hệ Mỹ - Trung.