Theo Reuters hôm15/3, một ảnh vệ tinh chụp vào ngày 6/3, cho thấy là trên Đảo Bắc tại quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), Trung Quốc gần đây đã bắt đầu dọn đất và có thể đang chuẩn bị xây một hải cảng, mà theo các chuyên gia có thể là nhằm hỗ trợ cho các cơ sở quân sự.
Công ty vệ tinh tư nhân Planet Labs đã cung cấp những hình ảnh nói trên sau khi có tin trong tháng 1 vừa qua về việc Bắc Kinh xây các công trình trên Đảo Cây, cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm của Việt Nam từ năm 1974.
Theo các tùy viên quân sự trong khu vực và chuyên gia, công trình mới trên Đảo Bắc cho thấy quyết tâm của Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng trên các đảo ở Biển Đông, cho dù Bắc Kinh đang cố tránh một cuộc đối đầu mới với chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump.
Reuters trích lời chuyên gia Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định rằng quần đảo Hoàng Sa có vai trò rất quan trọng đối với mọi nỗ lực trong tương lai của Trung Quốc nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Riêng Đảo Bắc nằm trong một vòng cung các đảo có thể tạo thành một lá chắn cho đảo Phú Lâm, nơi mà trong những năm gần đây Bắc Kinh đã đặt các khẩu đội tên lửa đất đối không và các chiến đấu cơ phản lực nhằm bảo vệ đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng Tillerson sẽ tới Bắc Kinh vào ngày 18/3, sau khi thăm Tokyo và Seoul. Ông Tillerson dự kiến sẽ gặp chủ tịch Tập Cận Bình, nhà ngoại giao cao cấp Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.
Căng thẳng Biển Đông dự kiến sẽ được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và các quan chức Trung Quốc thảo luận trong các cuộc họp ở Bắc Kinh. Tại phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ hồi tháng 1/2017 để được phê chuẩn làm tân Ngoại trưởng, ông Tillerson đã chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông và tuyên bố Mỹ có thể ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng các cơ sở này.
Trung Quốc đã bồi đắp hơn 1.295 ha đất ở Biển Đông, xây dựng đường băng và trang bị cho các đảo nhân tạo vũ khí phòng thủ, chủ yếu trong chuỗi đảo Trường Sa. Mỹ nhấn mạnh xây đảo nhân tạo không mang lại cho Trung Quốc thêm quyền chủ quyền lãnh thổ. Một tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague mùa hè năm ngoái ra phán quyết chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh bác bỏ.
Theo giới quan sát quốc tế, sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, các cố vấn của ông ủng hộ việc tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ, đặc biệt là lực lượng hải quân, và việc thực hiện một đối sách kiểm soát hiệu quả chiến lược khẳng định sức mạnh của Trung Quốc tại châu Á.
Ông Michael Pillsburry, tác giả của cuốn sách “Cuộc chạy việt dã trăm năm”, viết về những tham vọng của Trung Quốc tại châu Á cho rằng chiến lược xoay trục được chính quyền Obama thực hiện, tuy có tính tích cực về nguyên tắc nhưng thiếu phương tiện và quyết tâm trong việc thực hiện. Vì vậy, khuyến nghị đối với chính quyền mới của ông Trump là hành động kiên quyết hơn, không e ngại đương đầu Bắc Kinh.
Nhắc lại lại khẩu hiệu của Ronald Reagan theo phương châm “Hòa bình nhờ sức mạnh”, đội ngũ của ông Trump đề xuất gia tăng số tàu chiến của hải quân Mỹ từ 280 tàu lên 350 để đối phó tốt hơn với tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông. Thậm chí, các thượng nghị sỹ John McCain và nghị sỹ Paul Ryan đã nhiều lần bày tỏ mong muốn của Mỹ tăng cường hệ thống đồng minh tại châu Á để đối phó Trung Quốc.