Ngoại trưởng Antony Blinken: Trung Quốc là thách thức lớn nhất của Mỹ!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngoại trưởng Mỹ Blinken ngày 3/3 đã có bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại, đề ra 8 ưu tiên của ngoại giao Mỹ, trong đó cạnh tranh kịch liệt với Trung Quốc là thách thức lớn nhất.
Ngày 3/3, Ngoại trưởng Antony Blinken lần đầu tiên phát biểu chính thức về chính sách ngoại giao, coi đối phó với thách thức của Trung Quốc là một ưu tiên (Ảnh: Reuters).
Ngày 3/3, Ngoại trưởng Antony Blinken lần đầu tiên phát biểu chính thức về chính sách ngoại giao, coi đối phó với thách thức của Trung Quốc là một ưu tiên (Ảnh: Reuters).

Theo thông tin được công bố trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong bài phát biểu chính thức đầu tiên về chính sách ngoại giao dài gần 30 phút tại Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Antony Blinken đã liệt kê 8 công việc ưu tiên, bao gồm: “Chống lại đại dịch COVID-19, tăng cường an ninh y tế toàn cầu; cải thiện khủng hoảng kinh tế, thiết lập một nền kinh tế toàn cầu ổn định hơn và bao trùm hơn; phục hồi nền dân chủ; thiết lập một hệ thống nhập cư nhân đạo và hiệu quả; khôi phục mối quan hệ với các đối tác và đồng minh; đối phó với khủng hoảng khí hậu và thúc đẩy "cuộc cách mạng năng lượng xanh"; đảm bảo địa vị lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; ứng phó với thách thức của Trung Quốc”.

Ngoại trưởng Blinken tuyên bố rằng Trung Quốc là khảo nghiệm địa chính trị lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt trong thế kỷ 21. Ông nói rằng một số quốc gia khác cũng tạo ra thách thức đối với Mỹ, bao gồm Nga, Iran và Triều Tiên; những thách thức nghiêm trọng khác còn có Yemen, Ethiopia và Myanmar, nhưng thách thức của Trung Quốc thì khác. Ông nói rằng Trung Quốc là "quốc gia duy nhất có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để tạo ra một thách thức lớn đối với hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở; thách thức đối với các quy tắc, giá trị và mối quan hệ mà chúng ta muốn thế giới vận hành theo; mà hệ thống này cuối cùng phục vụ lợi ích của người dân Mỹ và phản ánh các giá trị của người dân Mỹ”.

Ngày 10/2, Tổng thống Joe Biden tới Bộ Quốc phòng tuyên bố thành lập Nhóm công tác Trung Quốc để đối phó Bắc Kinh (Ảnh: Reuters).

Ngày 10/2, Tổng thống Joe Biden tới Bộ Quốc phòng tuyên bố thành lập Nhóm công tác Trung Quốc để đối phó Bắc Kinh (Ảnh: Reuters).

Ông khẳng định: "Mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc là: cạnh tranh khi phải cạnh tranh, hợp tác khi có thể là hợp tác và đối đầu khi cần phải đối đầu".

Blinken nói, chính quyền Joe Biden tìm kiếm tiếp xúc với Trung Quốc "từ một ưu thế vượt trội". Ông nhấn mạnh rằng Mỹ phải hợp tác với các đồng minh và đối tác khi ứng phó những thách thức của Trung Quốc, thay vì coi thường và chỉ trích họ, “bởi vì sức mạnh sự đoàn kết của chúng ta khiến Trung Quốc khó làm ngơ hơn”.

Để đạt được điều này, ông Brinken đã đề một loạt hành động cụ thể: “Việc này đòi hỏi chúng ta phải tiếp xúc trong hoạt động ngoại giao và các tổ chức quốc tế, bởi vì ở đâu chúng ta rút lui thì Trung Quốc cũng đều đã lợi dụng trám chỗ ngay. Điều này đòi hỏi chúng ta đứng lên bảo vệ các giá trị của chúng ta ở những nơi như quyền con người ở Tân Cương bị vi phạm, nền dân chủ của Hồng Kông đang bị chà đạp...Bởi vì nếu chúng ta không làm như vậy, Trung Quốc sẽ ung dung hành động ngoài vòng pháp luật. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta cần đầu tư vào công nhân, các công ty và công nghệ Mỹ, đồng thời kiên trì một môi trường cạnh tranh công bằng, bởi vì khi chúng ta làm như thế, chúng ta có thể vượt qua bất kỳ ai”.

Hãng Reuters của Anh chỉ ra rằng, ông Blinken trước đó đã tuyên bố rằng ông đồng ý với kết luận của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng Tân Cương đang tiến hành "diệt chủng" đối với người Hồi giáo, nhưng ông đã không sử dụng thuật ngữ đó trong bài phát biểu này.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 4/2 đã có bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại sau khi nhậm chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông Biden nhấn mạnh rằng "nước Mỹ đã trở lại" và sẽ thực hiện những thay đổi lớn đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Ông Joe Biden nói rằng Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất" của Mỹ, nhưng Mỹ đã sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực phù hợp lợi ích quốc gia của Mỹ.

Ông Tập Cận Bình gặp Phó Tổng thống Joe Biden tại Davos (Thụy Sĩ ) ngày 17/1/2017 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Tập Cận Bình gặp Phó Tổng thống Joe Biden tại Davos (Thụy Sĩ ) ngày 17/1/2017 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Joe Biden nói: "Chúng ta phải trực tiếp đối phó với những thách thức mà đối thủ cạnh tranh quan trọng nhất của chúng ta là Trung Quốc đặt ra đối với sự thịnh vượng, an ninh và các giá trị dân chủ của chúng ta".

Ông chỉ ra rằng “chúng ta sẽ đối mặt với những hành vi lạm dụng trong kinh tế của Trung Quốc và chống lại những hành động gây hấn của Trung Quốc về nhân quyền, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu”; “Nhưng chúng ta sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh miễn là phù hợp lợi ích quốc gia của Mỹ”.

Đáp lại phát biểu của ông Biden, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã chỉ ra trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 5/2 rằng Trung Quốc tìm kiếm phát triển mối quan hệ hợp tác không xung đột, không đối đầu, tôn trọng và cùng có lợi với Mỹ; đồng thời sẽ tiếp tục giữ vững chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia.

Uông Văn Bân bày tỏ “hy vọng Mỹ thuận theo dư luận hai nước và xu thế thời đại, nhìn nhận Trung Quốc và quan hệ Trung - Mỹ một cách khách quan và lý tính, có chính sách tích cực và xây dựng đối với Trung Quốc, đi cùng hướng với Trung Quốc, tập trung vào hợp tác, quản lý khác biệt, thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ phát triển lành mạnh và ổn định, chung tay với các nước và cộng đồng quốc tế thúc đẩy sự nghiệp cao cả hòa bình và phát triển thế giới”.