Mỹ, Trung Quốc tăng cường bố trí tên lửa nhằm vào nhau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các chuyên gia Mỹ nói quân đội Trung Quốc đang xây dựng ít nhất 16 giếng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới ở Nội Mông, cho rằng động thái này có ý đồ tăng khả năng phản công hạt nhân đối với Mỹ.
Tên lửa liên lục địa nhiên liệu rắn Dongfeng-41 hiện đại nhất của Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).
Tên lửa liên lục địa nhiên liệu rắn Dongfeng-41 hiện đại nhất của Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).

Trung Quốc xây dựng nhiều giếng phóng ICBM mới

Trang Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 2/3 cho biết, ông Hans Kristensen, chuyên gia về các vấn đề hạt nhân tại Federation of American Scientists (Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ), một tổ chức tư vấn của Mỹ, tiết lộ rằng, trong tương lai, ít nhất 16 giếng phóng tên lửa đạn đạo chiến lược ngầm sẽ được xây dựng trong ba giai đoạn ở địa điểm diễn ra cuộc tập trận quân sự lớn nằm ở sa mạc gần Jilantai, Nội Mông năm 2016; 11 vị trí trong số đó đã khởi công vào nửa cuối năm 2020.

Ông cho biết, trước đây Trung Quốc có 18 đến 20 giếng phóng, nếu hoàn các điểm mới, con số giếng phóng sẽ tăng gần gấp đôi. Theo phân tích, 4 trong số đó sẽ được hoàn thành trong vòng một năm và phần còn lại sẽ hoàn thành trong vòng vài năm.

Hans Kristensen chỉ ra rằng mỗi giếng phóng được xây dựng cách nhau khoảng 2,2 km, có lẽ để tránh nhiều điểm bị phá hủy cùng một lúc. Ngoài ra, hai đường hầm dài khoảng 350 m cũng đã được đào gần đó, xét từ vị trí và hình dạng, mục đích có thể là để ngăn chặn các giếng phóng và tên lửa bị phát hiện từ trên cao khi di chuyển.

Ảnh chụp vị trí 16 giếng phóng tên lửa liên lục địa Trung Quốc đang xây dựng ở Jilantai, Nội Mông (Ảnh: zaobao).

Ảnh chụp vị trí 16 giếng phóng tên lửa liên lục địa Trung Quốc đang xây dựng ở Jilantai, Nội Mông (Ảnh: zaobao).

Hãng tin AP ngày 1/3 đưa tin, sau khi phân tích các hình ảnh vệ tinh mới nhất chụp một khu vực huấn luyện tên lửa cụ thể ở Trung Quốc, ông Hans Kristensen chỉ ra rằng Trung Quốc đang tìm cách tăng cường khả năng phản đòn để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Mỹ. Mỹ cho rằng việc hiện đại hóa hạt nhân của Trung Quốc là lý do then chốt để Mỹ chi hàng trăm tỷ USD xây dựng kho vũ khí hạt nhân mới trong 20 năm tới.

Hans Kristensen nói rằng ông phát hiện ra rằng Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng 11 giếng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dưới lòng đất ở gần tại bãi tập tên lửa gần Jilantai, Nội Mông vào cuối năm 2020, và việc xây dựng 5 giếng phóng khác đã khởi công trước đó. Tuy nhiên, Đa Chiều bình luận, nhưng ngay cả khi số lượng silo (giếng phóng) ở Trung Quốc tăng gấp đôi hoặc gấp ba, nó vẫn không thể so sánh với số lượng silo ở Mỹ và Nga. Hiện tại, Không quân Mỹ có 450 cái và Nga có khoảng 130.

Hans Kristensen cho rằng hầu như tất cả các giếng phóng mà Trung Quốc mới chế tạo dường như đều được thiết kế để thích ứng với thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn Dongfeng-41 mới của Trung Quốc. So với thế hệ tên lửa nhiên liệu lỏng Dongfeng-5. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Dongfeng-41 sử dụng nhiên liệu rắn cho phép người vận hành chuẩn bị tên lửa để phóng nhanh hơn và tầm bắn của nó có thể bao phủ hầu hết lục địa Mỹ.

Một giếng phóng tên lửa liên lục địa Dongfeng-5 của PLA (Ảnh: toutiao).

Một giếng phóng tên lửa liên lục địa Dongfeng-5 của PLA (Ảnh: toutiao).

Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận về phân tích hình ảnh vệ tinh của Hans Kristensen, nhưng Lầu Năm Góc đã công bố một báo cáo thường niên về sự phát triển quân sự của Trung Quốc vào năm 2020. Báo cáo này cũng tuyên bố rằng Bắc Kinh dự định đưa thêm nhiều lực lượng hạt nhân vào các giếng phóng ngầm, và chỉ ra ưu tiên trong chính sách vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là nhằm đảm bảo sự tồn tại của lực lượng tấn công hạt nhân sau cuộc tấn công đầu tiên, và giáng trả với lực lượng đủ để gây ra tổn hại không thể chịu đựng được cho kẻ thù.

Đối với sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Mỹ luôn là mối quan tâm hàng đầu. Vào tháng 1/2021, Trung tâm Tình báo Hàng không Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASIC) đã báo cáo, Trung Quốc đã tăng cường triển khai thêm nhiều vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ; đồng thời tuyên bố rằng Trung Quốc đang mở rộng lực lượng tên lửa và tăng số lượng đầu đạn hạt nhân trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công Mỹ. Số lượng tên lửa này có thể tới "hơn 200" trong vòng 5 năm tới.

Ngoài ra, theo truyền thông Anh BBC ngày 6/2, nói về sự phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ Charles Richard cho rằng số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc trong 10 năm tới nếu không tăng thêm 3 hay 4 lần, thì cũng sẽ tăng gấp đôi.

Richard nói rằng nhìn về tương lai, Mỹ cần phải hành động ngay bây giờ. Ông tuyên bố rằng quân đội Mỹ phải thay đổi nguyên tắc răn đe hạt nhân, tức là từ "không thể sử dụng (vũ khí) hạt nhân" thành "thực sự có thể sử dụng (vũ khí) hạt nhân".

Máy bay tàng hình F-35C của Mỹ có thể mang tên lửa chống hạm tầm xa (Ảnh: Đông Phương).

Máy bay tàng hình F-35C của Mỹ có thể mang tên lửa chống hạm tầm xa (Ảnh: Đông Phương).

Mỹ: kiến nghị triển khai thêm nhiều tên lửa chiến thuật để chống PLA

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 2/3, tờ Defense News của Mỹ hôm thứ Bảy tuần trước (27/2) đưa tin, một nhà nghiên cứu tại cơ quan tư vấn Mỹ đã đề nghị quân đội nên triển khai nhanh chóng nhiều tên lửa chống hạm hơn để nhằm vào Quân đội Giải phóng Nhân dân băng qua eo biển và đổ bộ khi tình hình ở eo biển Đài Loan căng thẳng và phân tán, củng cố các khí tài quân sự trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc để phòng ngừa các cuộc tấn công phủ đầu.

Cựu chỉ huy tàu ngầm Hải quân Hoa Kỳ và nhà nghiên cứu bán thời gian của Center for a New American Security (Trung tâm An ninh Mỹ mới) Thomas Shugart vào ngày 18/2 đã tham dự phiên điều trần của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ - Trung Quốc (USCC) tại Quốc hội. Ông chỉ ra rằng số lượng Tên lửa tấn công hải quân (NSM) và Tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) trong kế hoạch mua sắm hiện tại của quân đội Mỹ là không đủ để đánh bại PLA đổ bộ vào Đài Loan. Hải quân Mỹ có kế hoạch lắp đặt các NSM trên các tàu chiến đấu ven bờ và tàu tấn công đổ bộ. Tầm bắn 185 km có thể làm giảm tỷ lệ sống sót của các tàu ở eo biển Đài Loan xuống mức rất thấp.

Tàu tác chiến ven biển USS Giffords của Mỹ bắn thử tên lửa tấn công hải quân (Ảnh: Đông Phương).

Tàu tác chiến ven biển USS Giffords của Mỹ bắn thử tên lửa tấn công hải quân (Ảnh: Đông Phương).

Ông Shugart cho biết, LRASM có thể được mang trên máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ, máy bay tiêm kích F-18 của Hải quân và tiêm kích tàng hình F-35C. Một khi Trung Quốc sử dụng tên lửa đạn đạo để tấn công các căn cứ nơi các máy bay chiến đấu nói trên được triển khai, quân đội Mỹ có thể cần đến sự hỗ trợ của máy bay tiếp dầu. Ông cảnh báo rằng trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, Bắc Kinh sẽ tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ và các mục tiêu cơ sở hạ tầng giá trị cao ở Chuỗi đảo Thứ nhất và Thứ hai.

Thomas Shugart kêu gọi Mỹ và Đài Loan rõ ràng nên chuẩn bị cho một cuộc xung đột lâu dài, bao gồm dự trữ các nguồn cung cấp cần thiết để duy trì nhu cầu của người dân khi Trung Quốc phong tỏa Đài Loan. Mỹ cũng nên ngăn chặn Trung Quốc tạo ra các sự kiện đã được thiết lập thông qua các hành động ngắn gọn và kịch liệt hoặc cắt đứt sự kết nối Đài Loan với hệ thống quốc tế, sau đó chiếm lấy Đài Loan.