Quân đội Mỹ đang ráo riết hành động để kiềm chế Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương hôm 1/3 đã đệ trình báo cáo ngân sách lên Quốc hội,thúc giục tăng gấp đôi kinh phí cho Chương trình Răn đe Thái Bình Dương đối phó thách thức an ninh ngày càng lớn của Trung Quốc.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận trên Biển Đông hôm 9/2 (Ảnh: HĐ7).
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận trên Biển Đông hôm 9/2 (Ảnh: HĐ7).

Theo bản báo cáo tóm tắt mà báo chí Mỹ nhận được, Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương hôm 1/3 đã đề xuất tăng số tiền tài trợ cho “Pacific Deterrence Initiative” (Chương trình Răn đe Thái Bình Dương) từ 2,2 tỉ USD trong năm tài chính 2021 lên 4,6 tỉ USD trong năm tài chính 2022 và có kế hoạch cung cấp khoản tiền tới 27,3 tỉ USD cho chương trình này trong 5 năm tới.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương có kế hoạch sử dụng khoản quỹ đặc biệt này để mua các hệ thống phòng thủ tên lửa mới, triển khai các trạm radar và vệ tinh thông tin mới và xây dựng các căn cứ huấn luyện mới ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Bản báo cáo giải thích với Quốc hội rằng Mỹ cần phân tán xây dựng, thiết lập trên Chuỗi đảo Thứ nhất ở Tây Thái Bình Dương một mạng lưới tác chiến tấn công chính xác có thể chịu được các cuộc tấn công của kẻ thù, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên mặt đất ở Guam, triển khai radar chiến thuật đa chức năng ở Palau, một quốc đảo Thái Bình Dương và thiết lập nhiều căn cứ huấn luyện dã chiến ở khắp mọi nơi trong khu vực để các lực lượng Mỹ và đồng minh có thể huấn luyện và chiến đấu cùng nhau.

Đô đốc Phil Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, khi đề cập đến báo cáo này tại một diễn đàn quốc phòng ở Hawaii hôm thứ Hai (1/3) đã nói: “Chúng ta cần phải cho Bắc Kinh thấy rằng cái giá mà họ phải trả cho việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu là rất lớn”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì cuộc họp Nhóm công tác Trung Quốc hôm 1/3 (Ảnh: Dwnews).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì cuộc họp Nhóm công tác Trung Quốc hôm 1/3 (Ảnh: Dwnews).

Trong năm cuối cùng của chính quyền Donald Trump, Quốc hội Mỹ đã khởi động Chương trình ​​Răn đe Thái Bình Dương (Pacific Deterrence Initiative) mới khi thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng. Ủy ban Quân lực Thượng nghị viện đã viết trong bản tóm tắt của dự thảo Chương trình Răn đe Thái Bình Dương: “Chương trình này sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Trung Quốc và mọi đối thủ tiềm năng, cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ, rằng chúng ta cam kết dốc sức bảo vệ lợi ích của chúng ta tại khu vực này”.

Tổng thống Joe Biden đã đích thân tới Lầu Năm Góc ít lâu sau khi nhậm chức để tuyên bố thành lập Nhóm công tác Trung Quốc, với mục đích xem xét lại thế trận chiến lược và quân sự của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm ứng phó với những thách thức ngày càng nghiêm trọng do Trung Quốc gây ra. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết tại phiên điều trần xác nhận đề cử tổ chức tại Ủy ban Quân lực Thượng viện hồi tháng 1 năm nay rằng Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh đáng lo ngại nhất mà chúng ta phải đối mặt".

Giới quan sát quốc phòng cho rằng nhiều dấu hiệu khác nhau cho thấy chính quyền Biden sẽ duy trì lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và duy trì lực lượng quân đội Mỹ mạnh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, coi đó chìa khóa để thực hiện chiến lược này.

Ông Joe Biden và bà Kamala Harris thăm Lầu Năm Góc hôm 10/2, tuyên bố thành lập Nhóm công tác Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Ông Joe Biden và bà Kamala Harris thăm Lầu Năm Góc hôm 10/2, tuyên bố thành lập Nhóm công tác Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 2/3, ngày 1/3, ông John Kirby, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo trong cuộc họp báo rằng, cùng ngày Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Nhóm công tác Trung Quốc mới được bộ này thành lập. Tham dự cuộc họp có các chỉ huy quân sự chủ chốt, các lãnh đạo dân sự và các thành viên của cơ quan tình báo.

Ông cho biết, nhóm công tác do Ely Ratner đứng đầu này đang chạy nước rút để xác định các mối ưu tiên của Bộ Quốc phòng trong việc xử lý quan hệ với Trung Quốc.

Kirby cho biết ông Austin đã đưa ra một số “chỉ đạo bước đầu” cho 20 thành viên nhóm công tác để đảm bảo rằng Washington đã được chuẩn bị sẵn sàng khi Bắc Kinh tiếp tục nỗ lực trở thành cường quốc giữ vị trí chủ đạo trên thế giới.

Ông Kirby cũng nói rằng cuộc họp ngày 1/3 “là để chính thức xác định sứ mệnh, thời gian biểu và kết quả của nhóm công tác khi họ đánh giá, chuẩn hóa các chính sách, dự án và trình tự của Bộ Quốc phòng liên quan đến các vấn đề Trung Quốc”.

Đầu năm nay, Mỹ đã triển khai máy bay ném bom chiến lược B-2 tới Hawaii (Ảnh: VOA).

Đầu năm nay, Mỹ đã triển khai máy bay ném bom chiến lược B-2 tới Hawaii (Ảnh: VOA).

Ông nói rằng nhóm công tác dự kiến ​​sẽ hoàn thành công việc của mình trong vòng bốn tháng tới, nhưng ông nói thêm rằng hầu hết các kết luận của nhóm công tác “sẽ được coi là cơ mật”. Các quan chức Bộ Quốc phòng hy vọng sẽ cung cấp cho ông Austin những đề xuất cụ thể và có thể tiến hành để đối phó với những thách thức của Trung Quốc.

Ông Austin cũng thông báo trên Twitter vào cùng ngày 1/3 rằng ông đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Nhóm công tác Trung Quốc của Bộ Quốc phòng.

Tại phiên điều trần xác nhận đề cử vào tháng 1/2021, ông Austin nói với các nhà lập pháp rằng Trung Quốc là một “nước lớn đang trỗi dậy” và là “đối thủ cạnh tranh đáng lo ngại nhất mà chúng ta phải đối mặt”.

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Bộ Quốc phòng Mỹ vào ngày 10/2, ông đã thông báo rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã thành lập một nhóm công tác về Trung Quốc. Nhóm công tác bao gồm các chuyên gia dân sự và quân sự từ các cơ quan khác nhau của Bộ Quốc phòng, và mô tả họ đảm nhận một nhiệm vụ "nước rút".

Ông Biden đã yêu cầu nhóm công tác đánh giá lại phương châm chiến lược của quân đội Mỹ đối với những thách thức của Trung Quốc và phải gửi báo cáo điều tra cho ông Austin sau bốn tháng. Ông nói rằng những đánh giá này sẽ giúp “mở ra một con đường tiến mạnh mẽ về phía trước trong các vấn đề liên quan Trung Quốc”.

Trang web Politico cho rằng, nhiệm vụ hàng đầu của Quân đội Mỹ là giúp Tổng thống Joe Biden kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).

Trang web Politico cho rằng, nhiệm vụ hàng đầu của Quân đội Mỹ là giúp Tổng thống Joe Biden kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nhóm công tác Trung Quốc này là một nhiệm vụ nước rút và sẽ ưu tiên nghiên cứu về việc triển khai quân đội Mỹ ở châu Á, công nghệ, tình báo, quan hệ với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á, cũng như quan hệ quân sự với Trung Quốc. Mục đích của việc thành lập nhóm công tác này là giúp chính phủ Mỹ điều phối các chức năng kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự, hợp tác liên bộ, hình thành một chính sách nhất quán để đối kháng Trung Quốc.

Trang web chính trị Politico của Mỹ, cho rằng động thái này làm nổi bật sự sẵn sàng của chính quyền Biden trong việc “chống lại Trung Quốc” trong lĩnh vực quân sự, và việc giúp ông Biden “kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc” là nhiệm vụ hàng đầu của quân đội Mỹ.