Hiện tượng cá chết hàng loạt hay mới đây, 1 thợ lặn tại vùng biển Vũng Áng đã tử vong dấy lên mối quan ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường trong ngành sản xuất thép.
Trả lời trên Vietnamnet, ông Phạm Chí Cường , Chủ tịch Hội Đúc Luyện kim Việt Nam cho biết: Công nghệ khu liên hợp gang thép của Formosa tại Vũng Áng sử dụng là công nghệ lò cao.
Theo phương pháp này, quặng sắt phải nghiền ra thành bột cùng với than, trộn với than coke rồi đốt trong lò cao ở nhiệt độ trên 2.000°C, tạo ra gang lỏng. Sau đó đưa gang lỏng vào lò và thổi khí oxy để đốt carbon thừa.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng phương pháp này tiêu thụ nhiều than và sinh ra xỉ, khí dioxyd carbon và nhiều bụi. Trong quặng sắt còn chứa nhiều hóa chất rất độc hại khác như chì, arsen (thạch tín), lưu huỳnh, phốt pho. Cùng với đó, công đoạn luyện than coke cũng phát thải nhiều chất độc hại ra môi trường.
Theo số liệu thống kê từ Hội Đúc Luyện kim Việt Nam, để sản xuất được một tấn thép thô bằng công nghệ lò cao, sẽ phải thải ra hơn 585 kg chất thải rắn, trong đó có 455 kg xỉ. Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3 m3 nước thải độc hại.
Với công suất 10,5 triệu tấn thép/năm (giai đoạn 1), Formosa có thể cho ra hơn 31 triệu m3 nước thải độc hại và 6 triệu tấn chất thải rắn nếu không qua xử lý.
Ngoài ra, lượng khí thải ra từ việc sản xuất 1 tấn thép thô có 2,3 tấn CO2, cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại....
Vì vậy, trong các vùng luyện kim, khí quyển bị nhiễm bẩn thường chiếm tỷ lệ gần 60%. Nếu các loại khí thải này không được xử lý tốt, các hóa chất chứa trong đó sẽ gây ra mưa axít, cùng với bụi kim loại, sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng trong khu vực. Nhìn chung, sản xuất thép là ngành công nghiệp không thân thiện với môi trường, nên phải chú ý kiểm soát chặt khâu xử lý ô nhiễm.
Bên cạnh đó, việc xử lý chất thải chỉ hiệu quả với những lò cao dung tích trên 3.000 m3.
Dung tích lò cao của Formosa vượt trội so với các doanh nghiệp thép nội của Việt Nam, nhưng cũng chỉ ở mức 2.000 m3.
Quan trọng nhất, chi phí xử lý khí thải, chất thải rắn và nước thải khá tốn kém. Và để tiết kiệm chi phí, không phải doanh nghiệp nào cũng tuân thủ việc xử lý chất thải đúng quy định trước khi xả thải ra môi trường.
Trường hợp của Vedan trước đây là một ví dụ. Công ty này đã xả thẳng ra sông Thị Vải và phải 14 năm sau, khi có hiện tượng cá chết hàng loạt , vấn đề xả thải gây ô nhiễm môi trường của Vedan mới được phanh phui.
Theo CafeBiz