Để thực hiện "sứ mệnh" răn đe, nạt nộ các đối thủ ở Biển Đông, hỗ trợ cho tham vọng đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, bài báo các đăng nội dung, nhấn mạnh rằng những tướng trong chiến khu Nam này đóng vai trò rất quan trọng.
Tờ Bành Bái Trung Quốc rêu rao rằng Chiến khu miền Nam có "ngọa hổ tàng long" (người tài ẩn dật). Các chỉ huy cao nhất do Quân ủy Trung ương Trung Quốc bố trí là những người được cho là có “kinh nghiệm siêu đẳng”.
Bài viết của tờ Bành Bái trích dẫn thông tin của Thời báo Hoàn Cầu, đã giới thiệu sỹ các sỹ quan cao cấp, được báo này tự phong là “5 hổ tướng” gồm: Vương Giáo Thành, Lưu Tiểu Ngọ, Trần Chiếu Hải, Thường Đinh Cầu, Thẩm Kim Long.
Vương Giáo Thành
Vương 17 tuổi nhập ngũ, phục vụ lâu dài ở Đại quân khu Nam Kinh, trải qua nhiều cương vị ở các đơn vị dã chiến, cơ quan đại quân khu, đồng thời từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược đối với miền bắc Việt Nam vào năm 1979 (Trung Quốc tuyên truyền, ngụy biện là "chiến tranh phản kích biên giới").
Năm 1988, Vương từng làm phó tư lệnh căn cứ huấn luyện Tam Giới của Đại quân khu Nam Kinh. Tài liệu cho biết, căn cứ này là căn cứ huấn luyện chiến thuật hiệp đồng đầu tiên của Quân đội Trung Quốc, được gọi là "Fort Irwin phương Đông". Như vậy, Vương là tướng đã "tinh thông huấn luyện tác chiến và chiến đấu thực tế" - Thời báo Hoàn Cầu ra sức tự khen.
Bài báo cho rằng, Vương luôn luôn sẵn sàng cho "đánh trận" (chiến tranh). Trong thời gian đầu thành lập Chiến khu miền Nam, Vương viết bài nói lên quan điểm, yêu sách bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhắc đến quan điểm chính sách láng giềng của Bắc Kinh, đồng thời tự cho là Bắc Kinh giữ "kiềm chế rất cao" đối với các loại mối đe dọa và thách thức đối với an ninh khu vực.
Ông ta từng lớn giọng đe dọa: "Thúc đẩy sẵn sàng chiến đấu một cách vững chắc, một khi có biến cố (hữu sự), ứng phó hiệu quả với các loại mối đe dọa an ninh, tuyệt đối không cho phép bất cứ nước nào, lấy bất cứ cớ gì, hành vi nào để đe dọa (cái gọi là) chủ quyền và an ninh của Trung Quốc".
Trần Chiếu Hải
Trần Chiếu Hải là Phó Tư lệnh Chiến khu miền Nam, từng làm Phó Tư lệnh Đại quân khu Quảng Châu. 20 năm trước, Trần đã trở thành một trong 42 lưu học sinh quân sự được Bắc Kinh (Quân ủy Trung ương) cử đến Nga học, thuộc tốp sĩ quan chỉ huy cấp trung cao đầu tiên học ở Học viện Quân sự Bộ Tổng tham mưu Nga.
Lưu Tiểu Ngọ
Lưu là Tư lệnh Lục quân Chiến khu miền Nam, được bài báo giới thiệu là "cao thủ" của chiến tranh thông tin. Lưu từng được cử đến Đại học Manhattan, Mỹ học chuyên ngành máy tính trình độ Thạc sĩ, sau đó lại học Thạc sĩ chuyên ngành chỉ huy tác chiến ở Đại học Quốc phòng Trung Quốc.
Luận văn tốt nghiệp của Lưu có tên là "Tư duy hướng tới chiến tranh thông tin hóa - bàn về sự phát triển nhanh chóng của các biện pháp chỉ huy trong quân đội ta (Quân đội Trung Quốc)", tập trung bàn đến vấn đề yếu kém về trình độ thông tin hóa trong hệ thống chỉ huy hiện có của quân đội.
Bài viết cho rằng Lưu Tiểu Ngọ không chỉ có “học vấn cao”, mà còn không ngừng nghiên cứu, phát triển theo hướng "năng lực mạnh", trở thành chỉ huy thống nhất giữa chỉ huy và kỹ thuật.
Năm 2004, Tiểu Ngọ từng dẫn đầu trong việc khắc phục nhược điểm của hệ thống chỉ huy tác chiến của quân đội Trung Quốc, ra sức thống nhất các yếu tố chỉ huy, thể hiện được khả năng "thiên lý nhãn" (mắt nhìn thấu muôn dặm) trong diễn tập, làm bộc lộ các hệ thống mới trên chiến trường như địa điểm của "địch-ta-bạn".
Thường Đinh Cầu
Thời báo Hoàn Cầu dùng các cụm từ như trong truyện kiếm hiệp cho rằng, mặt đất có "sư tử dũng mãnh", trên không có "đại bàng oai phong" khi nhắc đến Thường Đinh Cầu, Phó Tư lệnh Chiến khu miền Nam. Thường là sĩ quan cấp đại quân khu hiện nay trẻ nhất toàn quân.
Khi gặp thời tiết khắc nghiệt, Thường Đinh Cầu từng dẫn đầu một phi đội đi dầu tham gia sát hạch, trong vòng 5 phút đạt được chiến tích "chiến thắng cả ba". Trong doanh trại một sư đoàn không quân do ông này từng làm sư trưởng, đến nay còn lập một chữ "Dám". Trên cơ sở đó, Thường Đinh Cầu nhanh chóng trở thành một chỉ huy "xuất sắc".
Thẩm Kim Long
Thẩm là chỉ huy diễn tập quân sự ở Biển Đông và là Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc. Trong thời gian diễn tập, ông ta liên tiếp xuất hiện trên báo chí.
Tháng 8/2014, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc do Thẩm Kim Long làm chỉ huy cũng đã đến Hawaii tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương-2014. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia cuộc tập trận này trong lịch sử. Chuyến đi này làm cho dư luận chú ý tới ông ta.
Ngoài giới thiệu vài viên tướng này, Thời báo Hoàn Cầu còn nhắc lại một tuyên bố ngang nhiên đưa ra vào ngày 18/7 của Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc: "Trung Quốc sẽ không hy sinh cái gọi là "quyền lợi chủ quyền ở Biển Đông", coi đây là "lợi ích cốt lõi của Trung Quốc", "liên quan đến nền tảng cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, an ninh và ổn định quốc gia Trung Quốc, lợi ích căn bản của dân tộc Trung Hoa" và bên ngoài " đừng nên trông chờ vào việc Trung Quốc tiến hành nhượng bộ về chủ quyền lãnh thổ".
Bài viết tiếp tục dọa rằng "ba quân phục vụ quên mình, tướng sĩ đồng lòng, bất kể tình hình Biển Đông thế nào, Trung Quốc đều sẽ không sợ hãi.
Tờ Bành Bái cao giọng nói rằng: "Đây không chỉ là do Trung Quốc đứng ở bên chính nghĩa (Trung Quốc đòi nhận chính nghĩa về mình - PV), mà càng là do Trung Quốc đã làm tốt chuẩn bị chiến đấu bất cứ lúc nào".
Như vậy, sau phán quyết của Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển đối với vụ kiện của Philippines, Trung Quốc đã cho viết bài ca ngợi 5 viên tướng này để dọa nạt (ngôn từ dọa nạt đã được VietTimes lược bỏ) đối với các đối thủ ở Biển Đông.
Khi xâm lược đảo đá của láng giềng, vi phạm luật pháp quốc tế, bị Tòa trọng tài bác bỏ tham vọng Biển Đông thì làm gì có chính nghĩa. Còn tài năng của 5 "hổ tướng" này đến đâu thì cũng chỉ là tự khoe và chưa có gì để chứng minh được một cách xuất sắc.
Việc Trung Quốc liên tiếp cho 4 Thượng tướng ra Biển Đông chỉ đạo tập trận, cho 3 Thượng tướng đến Chiến khu miền Nam thị sát và ra chỉ thị sẵn sàng chiến đấu cụ thể cũng chỉ là một con bài nhằm răn đe, nạt nộ.
Quân đội Trung Quốc mặc dù có nhiều súng ống, nhưng thực tế dù muốn làm gì Trung Quốc cũng vẫn phải nhìn trước ngó sau đối với Mỹ. Việc người đứng đầu hải quân hai nước gặp nhau vừa qua đã chứng điều đó.