|
Bệnh nhân Võ Văn Tr. (14 tuổi, trú Thăng Bình, Quảng Nam) điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng . |
Tình trạng trẻ nghiện Internet có chiều hướng gia tăng
Tình trạng “nghiện internet" đã xảy ra ở không ít người, nhẹ thì ảnh hưởng đến cuộc sống, nặng thì phải điều trị nhập viện. Đáng nói họ đều là những người trẻ, trong độ tuổi học sinh, sinh viên, nên có thể làm thay đổi cuộc sống của họ theo chiều hướng không tích cực. Thậm chí, nhiều người phải nhập viện điều trị vì chuyển thể nặng.
Bệnh nhân Võ Văn Tr. (14 tuổi, trú Thăng Bình, Quảng Nam) vừa nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng là một điển hình.
Theo BSCKI. Hồ Nguyễn Chí Long - Phó Trưởng khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng - bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nói nhảm 1 mình, tay chân múa may thiếu kiểm soát, tự cách ly với người thân và có khuynh hướng tâm thần sợ bị giết. Do bệnh nhân có những biểu hiện không hợp tác dữ dội nên gia đình đưa vào điều trị ở Khoa Nam của Bệnh viện.
“Tr. là con thứ ba trong gia đình, cha mẹ đi làm nên không có thời gian quan tâm đến em và Tr. lao vào internet, game trực tuyến. Mãi đến khi Tr. có những biểu hiện thái quá, tự cách ly với gia đình và không gặp bất cứ ai trong hơn nửa tháng thì người nhà mới đưa vào viện. Sau thời gian điều trị, hiện bệnh nhân đã dần ổn định. Tuy nhiên, việc người lạ tiếp xúc với bệnh nhân vẫn rất khó khăn.” – bác sĩ Long chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Long, nghiên cứu của một số trường đại học cho thấy, có đến hơn 70% người trẻ ở độ tuổi 9-15 tuổi thích thú với internet và mê game. Trong đó, tỷ lệ nghiện game là 10-15%. Nghiêm trọng hơn, tỷ lệ người trẻ nghiện internet/nghiện game đang tăng dần, nhất là sau những tác động của đại dịch COVID-19.
Cảnh báo sự thiếu quan tâm của cha mẹ
“Bệnh viện cũng chưa có số liệu thống kê chi tiết về bệnh nghiện game, nhưng hàng năm có hàng trăm bệnh nhân nhập viện, do liên quan đến internet/game”- bác sĩ Long chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Long: “Chỉ có thể chẩn đoán triệu chứng từ triệu chứng lệ thuộc, thời gian tăng dung nạp và những biểu hiện trên cơ sở điều tra bệnh lý mà thống kê lại. Có nhiều biểu hiện cho thấy bệnh nhân có triệu chứng nghiện internet điển hình như: trầm cảm, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, suy kiệt cơ thể do ăn uống thất thường… Nặng hơn có thể là co giật tay chân, co giật cục bộ vùng mặt, không kiểm soát được hành vi”.
Nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng trên có thể thấy rõ nhất đó là từ tâm lý và nhịp sinh học. Do đặc điểm của bệnh chủ yếu liên quan đến tâm lý, những trường hợp nhẹ thì hầu hết người bệnh được hướng dẫn điều trị ngoại trú, vừa kết hợp với thuốc, vừa điều trị tâm lý ở nhà. Chỉ có những trường hợp quá nặng, buộc phải tập trung điều trị nội trú.
Về phác đồ điều trị, theo bác sĩ Long, tuỳ theo từng ca bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng các phác đồ khác nhau. Về hoá dược,bệnh nhân được chỉ định các thuốc: an thần kinh, giải lo âu, chống trầm cảm và nâng cao thể trạng. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần về hoá dược, còn về tâm lý, cần được các bác sĩ cho những liệu pháp thư giản, tư vấn về nhận thức hành vi, kích hoạt hành vi, liệu pháp tư vấn tâm lý cho gia đình… từ đó giúp bệnh nhân trở lại trạng thái bình thường. Đặc biệt là cần phải làm tư vấn tâm lý cho gia đình, sự quan tâm của gia đình, nên dành nhiều thời gian và tình cảm của gia đình dành cho bệnh nhân, nhất là trong quá trình điều trị, thì bệnh nhân mới nhanh bình phục và sẽ khó tái nghiện trở lại hơn.
“Như tôi đã chia sẻ, lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh là không gì bằng tình cảm, sự quan tâm, yêu thương của gia đình và người thân. Nên khi phát hiện con em có những triệu chứng liên quan đến sử dụng internet, game, điện thoại, máy tính quá nhiều thì nên tham vấn ý kiến bác sĩ để có những lời khuyên về mặt tâm lý cho trẻ, cũng như điều hướng sở thích của trẻ sang môi trường khác tốt hơn. Qua giai đoạn ở bệnh viện, vấn đề ở gia đình càng quan trọng, nhằm tạo động lực để bệnh nhân sống tích cực, tăng cường hoạt động văn hoá, thể thao… Giúp bệnh nhân dứt hẳn với internet/game”- BSCKI.Hồ Nguyễn Chí Long khuyến cáo.