Nghiên cứu mới cho thấy sự đa dạng di truyền của người Việt Nam

Sự đa dạng về ngôn ngữ và dân tộc của Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia, với địa hình đa dạng, và khả năng tiếp cận các dòng di cư nhờ có khu vực đồng bằng sông Hồng và sông Mekong, cùng đường bờ biển dài.
Nghiên cứu cho thấy, những khảo cứu trước đây chỉ tập trung vào hệ gene của người Kinh sẽ không thấy hết được tính đa dạng di truyền. Ảnh: Người Hmông ở Bắc Hà. Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Người hiện đại (về mặt giải phẫu) đã có quá trình định cư ở khu vực Đông Nam Á lục địa từ ít nhất 65 nghìn năm trước và gắn liền với sự hình thành của một nền văn hóa săn bắn hái lượm – Văn hóa Hòa Bình. Kể từ thời kỳ đồ đá mới (khoảng 4.000 – 5.000 năm trước), quá trình đa dạng hóa và tiếp biến văn hóa diễn ra liên tục, và cuối cùng kết quả là sự đa dạng văn hóa đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á lục địa ngày nay.  

Theo Tổng cục Thống kê, tổng số dân của Việt Nam là hơn 96 triệu người gồm 54 dân tộc chính thức, chủ yếu thuộc năm ngữ hệ chính: Nam Á (Austro-Asiatic - AA), Nam Đảo (Austronesian - AN), Hmông-Miền (Hmong-Mien - HM), Thái - Kadai (Tai-Kadai - TK) và Hán-Tạng (Sino-Tibetan- ST).

Tuy nhiên, sự đa dạng di truyền của Việt Nam vẫn là một địa hạt chưa được khai phá, đặc biệt là với dữ liệu hệ gene trên quy mô lớn, bởi vì đa phần các nghiên cứu về gene trước đây đều tập trung vào nhóm người Kinh.

Mới đây, trong một bài báo vừa được công bố trên tạp chí Molecular Biology and Evolution1 (Q1, IF~15, xếp top 2 về sinh học phân tử và tiến hóa), GS Nông Văn Hải, Viện Nghiên cứu hệ gene, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và GS Mark Stoneking, Viện Max Planck về Nhân chủng học tiến hóa và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu mới đa hình đơn phân tử (single nucleotide polymorphisms – SNP) trên toàn bộ hệ gene của người Kinh và 21 dân tộc khác ở Việt Nam, thuộc cả năm ngữ hệ chính ở Đông Nam Á, cùng với dữ liệu đã được công bố trước đây từ nhóm cư dân lân cận và các mẫu vật cổ.

"Chúng tôi phát hiện thấy các nhóm ngôn ngữ ở Việt Nam có nguồn gốc khác nhau về sự đa dạng di truyền”, GS. Nông Văn Hải, đồng tác giả liên hệ của công bố cho biết. Dang Liu, tác giả đầu của công bố giải thích thêm: "Tuy nhiên, đa dạng về ngôn ngữ không hoàn toàn đồng nhất với đa dạng di truyền, đã có sự tương tác gần gũi giữa các nhóm người Hmông-Miền và Thái - Kadai. Ngoài ra, có thể đã có giao lưu văn hóa giữa các tộc người, bởi một số nhóm thuộc ngữ hệ Nam Á đã chuyển sang nói thứ tiếng thuộc ngữ hệ Nam Đảo”. 

Các nhà khoa học cũng phát hiện bằng chứng cho thấy nhóm người Kinh, vốn đã được tập trung nghiên cứu trước đây, có thể không phản ánh sự đa dạng di truyền của người Việt Nam nói chung. Trong các nhóm người Việt Nam hiện nay, các tộc người trong một ngữ hệ hầu hết được xếp vào cùng một nhóm. Trong các ngữ hệ này, các nhóm Hán-Tạng, H'Mông-Miền và Thái - Kadai hầu hết đều tách riêng so với các nhóm Nam Á và Nam Đảo. Nhìn chung các dân tộc ở Việt Nam có những đặc điểm cho thấy mối quan hệ gần gũi với các nhóm ở khu vực  ngày nay là Đài Loan và miền Nam Trung Quốc.

“Nhìn chung, kết quả nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lấy mẫu của các nhóm dân tộc khác nhau nhằm xây dựng hoàn chỉnh dữ liệu hệ gene, từ đó cung cấp những hiểu biết mới về sự đa dạng di truyền và lịch sử của một khu vực đa sắc tộc, mà Việt Nam là ví dụ điển hình”, GS Mark Stoneking đồng tác giả liên hệ của nghiên cứu nói. “Trái với các nghiên cứu trước đây cho thấy nguồn gốc bản địa của người Việt Nam, chúng tôi tìm thấy bằng chứng về sự giao thoa rộng rãi, trong các khoảng thời gian khác nhau, giữa người Việt Nam và các nhóm khác.” Trong phần “thảo luận”, nhóm tác giả khẳng định nghiên cứu này, với dữ liệu nhiều hơn và chính xác hơn, đã đưa ra phát hiện ngược lại so với một công bố về hệ gene người Kinh năm 2019.

Đây được xem là nghiên cứu đầy đủ nhất cho đến nay, sử dụng các phương pháp hiện đại trong phân tích dữ liệu hệ gene, nhằm làm rõ sự đa dạng về mặt di truyền của người Việt Nam. 

Theo Tạp chí Tia sáng

Anh Thư dịch 

Nguồn: Study reveals rich genetic diversity of Vietnam

Theo https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Nghien-cuu-moi-cho-thay-su-da-dang-di-truyen-cua-nguoi-Viet-Nam-24176