Theo Cục Hàng hải Việt Nam, với vị trí là nước láng giềng, riêng thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan năm 2015 đạt khoảng 10 tỉ đô la Mỹ.
Với đường biên giới sát biển giữa ba nước nên có chung một nguồn lợi lớn từ hoạt động hàng hải. Trên khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương tiểu vùng sông Mê Kông, một số dự án phát triển hạ tầng sẽ được nghiên cứu thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho giao thông vận tải giữa ba nước.
Trong đó, tuyến vận tải ven biển giữa ba nước sẽ được tiến hành nghiên cứu với việc xác định phạm vi tuyến vận tải biển, xác định các cảng để tàu ghé tại từng quốc gia. Bên cạnh đó, sẽ tìm các giải pháp thúc đẩy phát triển vận tải ven biển.
Vào cuối năm ngoái, một phái đoàn của Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TPHCM cùng một số lãnh đạo các tỉnh phía Nam của Việt Nam đã tiến hành khảo sát tuyến đường R10 (tuyến đường ven biển) từ thị xã Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang của Việt Nam rồi chạy dọc bờ biển Campuchia đến Bangkok của Thái Lan.
Qua khảo sát tuyến đường R10, đoạn từ Hà Tiên của Việt Nam đến hết Campuchia, đường chỉ có 2 làn xe nhỏ, hẹp nên tốc độ di chuyển không cao. Chính vì vậy, việc vận chuyển hàng hóa giữa 3 nước Việt Nam – Campuchia – Thái Lan qua tuyến đường này chưa nhiều.
Mặc dù Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức thành lập vào cuối năm 2015 đã tạo thuận lợi về thủ tục cho việc đi lại giữa các quốc gia ASEAN, nhưng do chưa được mở rộng tuyến đường R10 nên việc mở tuyến vận tải đường thủy ven biển được coi là giải pháp khả thi.
Theo TBKTSG