Nghiêm cấm người đã uống rượu bia lái xe từ ngày 1/1/2020

VietTimes -- Theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia vừa được thông qua sáng nay, Quốc hội thống nhất quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
Luật nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Luật nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Sáng nay (14/6), với 84,3% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 36 điều. Trong đó, nội dung được nhiều cử tri và nhân dân quan tâm là “Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” đã được các đại biểu Quốc hội nhất trí đưa vào Luật.

Như vậy, khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực ngày 1/1/2020, người đã uống rượu, bia sẽ không được lái xe.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia quy định, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm: người chưa đủ 18 tuổi; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia;

Cùng với đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Đặc biệt, Quốc hội thống nhất quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.

Sáng nay (14/6), với 84,3% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Sáng nay (14/6), với 84,3% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Luật yêu cầu tuyên truyền, vận động các gia đình, người thuộc tổ chức, đoàn thể, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào phong trào quần chúng, hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ, xây dựng đời sống văn hóa và các hoạt động khác tại cộng đồng.

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn,” tức là đã uống rượu, bia sẽ không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết.

Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, đại biểu Quốc hội, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.

Đồng thời, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan để có các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm pháp luật về giao thông do sử dụng rượu, bia.

Được biết, cũng trong sáng nay, cùng với dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Quốc hội biểu quyết thông qua thêm 3 dự án Luật và 2 Nghị quyết: Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Giáo dục (sửa đổi); Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.