Hạ du chìm sâu trong nước, phải huy động xuống cứu hộ di dời dân
Những cơn mưa to đến rất to kéo dài từ tối ngày 9/12 đến trưa 10/12 đã nhấn chìm nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Một loạt xã của huyện Phú Ninh, Thăng Bình và TP Tam Kỳ đã bị chìm trong nước, khiến người dân không kịp trở tay.
Bà Hoàng, trú xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh cho biết, từ 21h đêm 9/12, mưa lớn khiến nước bất ngờ dâng cao, ập vào nhà khiến gia đình chỉ kịp dọn đồ lên cao. "Đến sáng ngày 10/12 thì nước lại đột ngột lên cao nữa. Cũng may là được các anh công an dùng xuồng vào nhà đưa đi. Không thì không biết thế nào. Mưa to kiểu này chưa biết nước sẽ còn dâng đến đâu” - người phụ nữ trung niên nói đầy lo lắng.
Tại nhiều địa điểm khác, nước cũng đã dâng nhanh chóng, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, thậm chí cô lập một số khu vực.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lụt, tỉnh Quảng Nam phải huy động các phương tiện chuyên dụng để di dời dân đến khu vực an toàn.
Theo đó, lực lượng Cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, quân đội và dân quân tự vệ đã túc trực từ tối 9/12 và khẩn trương sử dụng ca nô, xuồng máy đưa người dân vùng ngập sâu ở các xã Tam Đàn, Tam An (huyện Phú Ninh), Tam Thăng (TP Tam Kỳ) về trụ sở của Phòng Cảnh sát cơ động tỉnh lánh nạn.
Tính đến thời điểm hiện tại, Công an tỉnh Quảng Nam đã huy động gần 600 cán bộ, chiến sĩ, cùng với lực lượng quân đội, dân quân địa phương di chuyển người dân về trụ sở Phòng Cảnh sát cơ động. Tại đây, người dân được cung cấp lương thực, mì tôm để chống đói và chỗ nghỉ chờ nước rút.
Cơ quan chức năng Quảng Nam huy động ca nô để di dời dân tại khu vực ngập nước
|
Theo thống kê ban đầu, tính đến chiều ngày 10/12, đã có khoảng 450 hộ dân các xã Tam An, Tam Đàn (huyện Phú Ninh), xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ) được các nhà chức trách đưa về nơi an toàn. Tình trạng ngập lụt cũng xuất hiện tại một số khu vực khác trên địa bàn huyện Thăng Bình, đòi hỏi những nỗ lực cứu hộ tương tự.
Việc mưa lớn vẫn tiếp diễn trên nhiều địa bàn, khiến tình trạng ngập lụt ngày càng mở rộng và chưa có dấu hiệu cải thiện.
Đề đảm bảo an toàn cho người dân, công tác cứu hộ cứu nạn của lực lượng chức năng Quãng Nam luôn ở trạng thái sẵn sàng và thực tế đã tiến hành triển khai ở những khu vực cần thiết.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục cắt cử lực lượng túc trực liên tục trên QL1A để hướng dẫn và điều tiết phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và các tuyến tránh nhằm thoát khỏi khu vực ngập lụt.
Thượng nguồn: "Lượng nước thiếu hụt nghiêm trọng nhất từ trước đến nay"
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, hiện tượng TP Tam Kỳ và các khu vực lân cận bị ngập nặng nề như 2 ngày qua là "chưa từng có trong hơn mấy chục năm qua".
Hạ du vậy, nhưng nghịch lý là trên thượng nguồn - cùng thời điểm - các nhà máy thủy điện đặt tại Quảng Nam lại thiếu nước nghiêm trọng. Tại văn bản hỏa tốc gửi đến Bộ Công thương ngày 10/12, tỉnh này đã viết: "Đây là lượng nước thiếu hụt nghiêm trọng nhất từ trước đến nay".
Quảng Nam đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực tách 4 nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đak Mi 4 ra khỏi thị trường phát điện để thực hiện tích nước hồ, nhằm đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân vùng hạ du sông Vu Gia-Thu Bồn trong năm 2019. Bởi thực tế, mực nước ở các hồ thủy điện trên đang đạt thấp hơn rất nhiều so với quy định.
Cụ thể, hồ thủy điện Sông Tranh 2 có mực nước hồ đạt cao trình 150.64 m/170.8 m, tương ứng dung tích hữu ích là 114,32 triệu m3, chiếm 26,27% so với dung tích theo quy trình, thiếu hụt 320,91 triệu m3; Hồ thủy điện A Vương, mực nước hồ đạt cao trình 341,25 m/375,5 m, tương ứng dung tích hữu ích là 5,31 triệu m3, chiếm 2,34% so với dung tích theo quy trình, thiếu hụt 221,64 triệu m3; Hồ thủy điện Sông Bung 4, mực nước hồ đạt cao trình 207,11 m/220,7 m, tương ứng dung tích hữu ích là 24,30 triệu m3, chiếm 11,80% so với dung tích theo quy trình, thiếu hụt 63,12 triệu m3; Và hồ thủy điện Đắk Mi 4, mực nước hồ đạt cao trình 247,78 m/254,7 m, tương ứng dung tích hữu ích là 61,24 triệu m3, chiếm 49,24% so với dung tích theo quy trình, thiếu hụt 63,12 triệu m3.
Công điện khẩn của UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các thủy điện tích nước, dự trữ nguồn nước cho hạ du trong năm 2019
|
“Tính đến 7h sáng cùng ngày, tổng lượng nước thiếu hụt của bốn nhà máy thủy điện nói trên là 787,21 triệu m3. Đây là lượng nước thiếu hụt nghiêm trọng nhất từ trước đến nay", văn bản của Quảng Nam nêu rõ.
Tỉnh này viết tiếp: "Vì vậy, để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam và Đà Nẵng) trong năm 2019 theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quy trình 1537; UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực tách 4 nhà máy thủy điện nói trên ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh để thực hiện tích nước hồ theo quy định của Quy trình 1537”.
Chưa rõ Bộ Công thương và Cục Điều tiết Điện lực sẽ ửng xử như thế nào với đề nghị của Quảng Nam. Nhưng nếu được chấp thuận thì lợi ích là điều có thể nhìn thấy: Các hồ thủy điện vừa tích được nước đảm bảo cho kế hoạch năm 2019, đồng thời áp lực nước về hạ du - vốn đang ngập nặng - cũng được giảm tải.
Nhưng việc tách 4 nhà máy thủy điện ở Quảng Nam ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh cũng ít nhiều tạo áp lực lên việc cân đối nguồn điện của nhà điều hành - vốn đang khá căng thẳng. Dĩ nhiên, việc tách này sẽ chỉ là tạm thời và rất ngắn hạn.
Đó là những biến số mà Bộ Công thương và Cục Điều tiết Điện lực phải cân nhắc. Còn với Quảng Nam, rõ ràng tỉnh này đang có một "nghịch lý nước"./.