Nghịch lý bệnh lao

VietTimes -- Căn bệnh lao đã có “tuổi thọ” hàng trăm năm, thế nhưng đến nay, lao vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng mà thế giới chưa thể khắc phục.

Những rào cản kỳ lạ

Sáng 23/3 tại Hà Nội diễn ra sự kiện hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao do Bộ Y tế, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện sáng 23/3

Ông Vũ Đức Đam - Phó thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế và đại diện nhiều bộ, ngành cùng tbam dự. 

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh lao vẫn đang đe dọa an ninh y tế toàn cầu khi số chết, số mắc, lây truyền rất cao. Mỗi ngày, khoảng 4.500 người tử vong và có gần 30.000 người nhiễm bệnh. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và thứ 15 về gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó 64% bệnh nhân mắc lao thường và 98% bệnh nhân mắc lao kháng thuốc, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.

Trước tình trạng trên, nhiều giải pháp, kỹ thuật đã được đưa ra, nhằm kiểm soát, hạn chế căn bệnh nguy hiểm này. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhận định, mặc dù ngành y tế vẫn rất thiếu các công cụ chẩn đoán các thuốc điều trị trong thời gian dài, song, khi có công cụ, thuốc mới ra đời thì rất chậm áp dụng với những thái độ, nguyên tắc và rào cản kỳ lạ. Ông lấy ví dụ, sau 40 năm chỉ có 2 thuốc chống lao mới được phê duyệt là Bedaquiline và Delamanid, nhưng rất chậm được áp dụng trên toàn cầu, không đáp ứng được nhu cầu của người bệnh với tỷ lệ ít hơn 20% bệnh nhân nhận được thuốc và được uống thuốc.

Bệnh nhân mắc bệnh lao phổi (Ảnh: Báo Lao động)

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhận định “bệnh lao đang giảm nhưng quá chậm”. Được biết, năm 2017, trên toàn cầu ước tính tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc là 3,5% trong số bệnh nhân mới và 18% trong số bệnh nhân điều trị lại. Song, tốc độ giảm chỉ khoảng 2%/năm, trong khi đó, Chiến lược kết thúc bệnh lao đã được ban hành, WHO đã đưa ra mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên toàn cầu đến năm 2020 giảm 20% số người bệnh mắc lao mới và 35% số người tử vong vì lao so với năm 2015; đến năm 2025 sẽ giảm tương ứng là 50% và 75%. Như vậy, tốc độ giảm những ca mắc mới cần phải tăng lên từ 4-5% mỗi năm vào năm 2020 và tăng lên 10% vào năm 2025.

Tại Việt Nam, mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp để phòng, chống căn bệnh này, song tỷ lệ mắc bệnh lao ở Việt Nam vẫn ở mức cao. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, dịch tễ bệnh lao trên toàn quốc là 289/100.000 dân, số bệnh nhân nam mắc lao cao hơn nữ tới 4,2 lần.

Con đường chấm dứt bệnh lao

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, bản chất của vấn đề nằm ở việc không phát hiện điều trị sớm, điều trị dứt điểm để cắt nhanh nguồn lây và việc điều trị lao tiềm ẩn để cắt nguy cơ nhiễm thành bệnh. Nếu thực hiện phát hiện điều trị sớm, sẽ giảm được 10% số bệnh nhân mắc lao. Nếu thực hiện điều trị tiềm ẩn, sẽ giảm được 20%.

Toàn cảnh buổi hội nghị sáng 23/3

Ở Việt Nam, chương trình Chống lao hiện nay vẫn gặp nhiều thách thức. Thách thức thứ nhất đó là duy trì bền vững các điều kiện thuận lợi trong nước như có kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều tri với kết quả cao, giảm được 3,8% người bệnh mắc lao hàng năm, có hệ thống mạng lưới mạnh từ trung ương đến địa phương,… Thách thức thứ hai là sự vào cuộc và hưởng ứng của cả cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ người bênh, thầy thuốc và xã hội. 

Để Việt Nam sớm hoàn thành sứ mệnh phòng, chống lao, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, Việt Nam đã gần hội tụ đủ nhiều điều kiện thiết yếu song vẫn cần 2 yếu tố: một là, xây dựng tính bền vững và hai là. huy động sự chung tay của cộng đồng

Theo ông, đầu tiên cần thiết phải xây dựng Chiến lược và Chương trình Hành động Quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030, có một tổ chức phù hợp cho 15 tỉnh chưa có bệnh viện và trung tâm kiểm soát bệnh tật,… Bên cạnh đó, cần huy động người dân hưởng ứng, chủ động tiếp cận dịch vụ để phát hiện sớm bệnh lao, đồng thời không kỳ thị, mắc cảm khi mắc bệnh; huy động các nguồn bảo trợ xã hội tham gia ủng hộ, hỗ trợ người bệnh,… PGS.TS Nguyễn Viết Nhung kêu gọi cả nước vào cuộc với Chương trình hành động Quốc gia để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam và trên toàn cầu.

Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc chấm dứt bệnh lao. Phó Thủ tướng cho biết, để chữa khỏi 1 người bị bệnh lao chỉ cần không đến 10 triệu đồng, trong đó có khoảng 2 triệu đồng tiền thuốc. Với 10 triệu đồng có thể cứu được một mạng người.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư chia sẻ về bệnh lao

Phó Thủ tướng chia sẻ, bệnh lao với những đặc điểm của nó không chỉ cần cả ngành y tế vào cuộc, mà cần cả hệ thống chung tay. Hiện nay, nhận thức của cộng đồng đã thay đổi, không còn kỳ thị, xa lánh, xua đuổi người mắc bệnh lao. Từ đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mong cộng đồng tiếp tục ủng hộ người bệnh bằng cách chung tay góp sức tạo điều kiện tốt nhất để người bệnh an tâm chữa trị.

“Bệnh lao tuy lây nhiễm nhưng không đáng sợ, bệnh lao thậm chí không còn là một thứ bệnh nan y khó chữa nữa. Chúng ta vẫn phải tiếp tục ủng hộ các cơ chế tài chính, ứng dụng các công nghệ mới, phép thử mới, chương tình chữa bệnh, vận động tất cả mọi người trong xã hội chung tay. Đây không chỉ là nỗ lực của Việt Nam mà của cả loài người” – ông nói.