Nghị viện châu Âu chính thức thông qua EVFTA

VietTimes -- Ủy ban châu Âu trong chiều 12/2 đã hoan nghênh quyết định của Nghị viện châu Âu khi thông qua hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Hiệp định thương mại giữa hai bên dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm nay.
Nghị viện châu Âu chính thức thông qua EVFTA vào chiều ngày 12/2 (Ảnh: Euractiv)
Nghị viện châu Âu chính thức thông qua EVFTA vào chiều ngày 12/2 (Ảnh: Euractiv)

Đây là kết quả được công bố sau cuộc bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp) vào chiều 12/2. Hiệp định EVFTA nhận được 401 phiếu thuận, đạt tỉ lệ 63,33% (192 phiếu chống và 40 phiếu trắng). Hiệp định EVIPA được thông qua với tỉ lệ 407 phiếu ủng hộ, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng.

Hiệp định thương mại này sẽ gỡ bỏ gần như toàn bộ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa trao đổi giữa hai bên và sẽ đảm bảo các quyền lao động, bảo vệ môi trường và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thông qua các cam kết có ràng buộc thực thi và pháp lý.

Ủy viên Thương mại Phil Hogan đã bình luận: "Hiệp định giữa EU và Việt Nam mang đến triển vọng rất lớn về kinh tế. Đó là một chiến thắng của người tiêu dùng, người lao động, nông dân và các doanh nghiệp. Nó còn vượt trên cả lợi ích kinh tế. Nó chứng minh rằng chính sách thương mại có thể trở thành sức mạnh thúc đẩy sự tiến bộ".

"Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong việc cải thiện quyền lao động trong lúc đàm phán thương mại. Một khi được thực thi, các hiệp định này sẽ tiếp tục tăng cường quá trình thúc đẩy cải cách ở Việt Nam" - ông Hogan nói thêm.

Theo website chính thức của Ủy ban châu Âu, đây được xem là hiệp định thương mại toàn diện nhất giữa EU với một nước đang phát triển. Theo lộ trình, 2/3 (tương đương 65%) giá trị hàng hóa xuất khẩu từ EU và 71% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được tự do hóa ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Những dòng thuế còn lại sẽ được bãi bỏ theo lộ trình 10 năm tới.

Hiệp định thương mại cũng bao gồm một số điều khoản nhất định liên quan tới hàng rào phi thuế quan trong lĩnh vực  tự động, và bảo đảm cho khoảng 169 sản phẩm lương thực và đồ uống truyền thống của châu Âu.

Ngoài việc mang lại những cơ hội kinh tế to lớn, hiệp định cũng thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển bền vững thông qua những tiêu chuẩn cao về bảo vệ lao động, môi trường và người tiêu dùng.

Sau khi được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, Hội đồng châu Âu giờ có thể hoàn tất hiệp định thương mại với Việt Nam. Sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua hiệp định này, nó sẽ bắt đầu có hiệu lực, có khả năng là vào đầu mùa Hè năm nay. Ngoài ra, thỏa thuận bảo hộ đầu tư với Việt Nam vẫn cần được phê chuẩn bởi tất cả các nước thành viên EU. Một khi tiến trình này hoàn tất, thỏa thuận bảo hộ đầu tư này sẽ thay thế các thỏa thuận đầu tư thương mại song phương mà 21 thành viên EU đang có với Việt Nam.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chỉ sau Singapore, với tổng giá trị trao đổi hàng hóa lên tới 49,3 tỷ Euro và thương mại dịch vụ đạt 4,1 tỷ Euro.

Các mặt hàng chủ yếu mà EU xuất khẩu sang Việt Nam bao gồm sản phẩm công nghệ cao như máy móc, trang thiết bị điện tử, máy bay, xe cộ và dược phẩm. Mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu sang EU là đồ điện tử, giày dép, hàng may mặc, cà phê, gạo, hải sản và đồ gỗ nội thất.

Với tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đạt 6,1 tỷ Euro (2017), EU là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Phần lớn các khoản đầu tư của EU tại Việt Nam dành cho ngành sản xuất và chế tạo công nghiệp.