"Khoảng tháng trước một số cây bắt đầu trụi lá và khô dần. Nguyên cả hàng cây đang xanh tốt, chỉ có 6 cây tự nhiên khô lá là không bình thường chút nào. Khu vực này không có công trình xây dựng, còn hệ thống nước tưới tự động vẫn hoạt động", ông Lai (62 tuổi, ngụ trên đường Trường Sơn) cho biết.
Cũng nhận ra sự thay đổi rõ rệt của hàng cây, chị Lan bán nước gần đấy nói: "Mỗi lần tôi dọn hàng đi ngang các gốc cây đều ngửi thấy mùi hóa chất nồng nặc".
Ngoài những cây này, hiện hai cây sọ khỉ trước trụ sở Liên đoàn Lao động TP HCM (đường Cách Mạng Tháng Tám) đang rụng lá, chết dần; 4 cây lim sét trên đường Nguyễn Văn Hưởng (quận 2) cũng chung số phận mà không rõ nguyên nhân.
Một cán bộ Sở GTVT TP HCM cho hay đã nhận được báo cáo nhanh của các đơn vị về tình trạng cây xanh chết bất thường thời gian qua. Trong đó có việc phát hiện mùi hóa chất dưới gốc cây.
"Nghi ngờ cây xanh bị bức tử, đơn vị đã báo với công an địa phương vào cuộc điều tra. Khó để bắt quả tang việc bức tử cây xanh nhưng thời gian tới chúng tôi sẽ nỗ lực điều tra và tổng hợp số liệu báo cáo thành phố", ông này nói.
Cơ quan chức năng ghi nhận bên dưới gốc cây có mùi hóa chất. Ảnh:AQ |
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, việc bảo vệ cây xanh tránh bị "bức tử" rất khó vì người có động cơ thường ra tay vào ban đêm, đổ hóa chất khiến cây chết từ từ; nhân viên quản lý cây xanh rất ít, không thể theo dõi bảo vệ từng cây được.
Mức chế tài đối với hành vi xâm hại cây xanh hiện quá nhẹ, không đủ mức răn đe nên tình trạng xâm hại cây xanh vẫn còn nhiều. Theo quy định, người nào tự ý chặt hạ, di dời cây xanh phải bồi thường thiệt hại gồm giá trị cây xanh, công chăm sóc... để khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Ngoài ra, hành vi xâm hại cây xanh sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.
Theo VnE