Nghị quyết 68 phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Hơn nửa thế kỷ trước, Hồ Chí Minh đã đặt nền móng tư tưởng cho việc kiến tạo đội ngũ doanh nhân dân tộc. Di sản đó đang được Đảng ta kế thừa và phát triển, thể hiện rõ trong định hướng chiến lược mà Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn dắt.

Trong hành trình dựng nước và giữ nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định kinh tế là một mặt trận lớn. Trên mặt trận ấy, Người sớm nhận thấy rằng muốn phát triển nhanh và bền vững, không thể thiếu một lực lượng doanh nhân có tinh thần dân tộc, năng lực sản xuất, kinh doanh và đạo đức xã hội. Đó không phải là sự kế thừa máy móc học thuyết kinh tế cổ điển, mà là kết tinh của một tư tưởng phát triển độc lập, thực tiễn và tiến bộ.

Ngay sau khi giành chính quyền năm 1945, trong Thư gửi giới công thương Việt Nam ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hiện nay nền kinh tế quốc dân đang cần phát triển. Vì vậy, công thương cứu quốc đoàn cần phải đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ Chính phủ kiến thiết quốc gia, phát triển kinh tế và tài chính.”

Đây không đơn thuần là một lời kêu gọi thời kháng chiến, mà là lời tuyên ngôn khẳng định vị trí của doanh nhân trong sự nghiệp kiến thiết đất nước. Với Hồ Chí Minh, doanh nhân, nhất là những nhà công thương yêu nước, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn là lực lượng kiến tạo tài lực cho quốc gia, là những “chiến sĩ” trên mặt trận kinh tế, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng nhà nước non trẻ.

Tư tưởng này được Người diễn đạt rõ hơn trong Hồ Chí Minh Toàn tập, khi khẳng định: “Làm giàu không xấu. Miễn là làm giàu một cách lương thiện, ích nước lợi dân thì rất đáng quý.” (Tập 10, tr. 213).

Với tư tưởng đó, Người đã vận động các doanh nhân lớn như Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà chung tay xây dựng chính quyền non trẻ, khơi nguồn cho tinh thần phụng sự dân tộc trong giới công thương. Và không dừng lại ở việc kêu gọi đóng góp vật chất, Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho việc xây dựng một mẫu hình doanh nhân dân tộc, vừa có chí làm giàu, vừa có tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới công - thương Hà Nội trong “Tuần lễ Vàng” năm 1945 tại Bắc Bộ phủ.

Trong Di chúc năm 1969, Người viết: “Hiện nay, tuy đã có hòa bình, nhưng đất nước ta còn nghèo. Vì vậy, mọi người… đều phải siêng năng, tiết kiệm, cố gắng sản xuất để làm cho dân giàu, nước mạnh.”

“Dân giàu” không thể bằng tái phân phối hay bao cấp mà phải bằng sản xuất, đầu tư, đổi mới, và tư nhân chính là lực lượng năng động nhất cho điều đó nếu được dẫn dắt đúng hướng.

Tuy nhiên, sau năm 1975, do hoàn cảnh lịch sử và tư duy kế hoạch hóa tập trung, vai trò của kinh tế tư nhân bị thu hẹp. Mãi đến công cuộc Đổi mới từ năm 1986, và rõ nét hơn từ Đại hội XII (2016) và XIII (2021), tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế tư nhân mới dần được khôi phục và phát triển đầy đủ trong đường lối của Đảng.

Mốc đánh dấu quan trọng nhất gần đây là Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư, khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, có đạo đức, bản lĩnh, phụng sự Tổ quốc, vì sự thịnh vượng của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Đây là sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò tích cực của giới công thương, đồng thời đưa ra yêu cầu mới cho thời đại hội nhập: không chỉ làm giàu trong nước mà còn phải vươn ra toàn cầu, đóng vai trò dẫn dắt trong các ngành chiến lược, đổi mới sáng tạo, công nghiệp lõi và công nghệ cao.

Phát biểu trước Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh rằng: “Một quốc gia muốn hùng cường thì phải có một nền kinh tế mạnh; muốn có nền kinh tế mạnh, không thể không có một đội ngũ doanh nhân dân tộc vững vàng, vừa có năng lực kinh doanh, vừa có tinh thần dân tộc, có đạo đức và có trách nhiệm với xã hội.

Thông điệp ấy thể hiện một bước phát triển mới: từ việc “khuyến khích” phát triển kinh tế tư nhân chuyển sang chủ động xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc như một trụ cột chiến lược trong mô hình phát triển quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan triển lãm những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân.

Những chính sách gần đây đang hiện thực hóa điều này: cải cách môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cấp hạ tầng logistics, đào tạo nhân lực chất lượng cao, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D)… Từ Viettel, FPT, VinFast đến VNG đang cho chúng ta thấy những biểu hiện ban đầu của một tầng lớp doanh nhân dân tộc hiện đại, có khát vọng toàn cầu và bản lĩnh nội sinh.

Tuy vậy, vấn đề không chỉ là số lượng doanh nghiệp hay quy mô tài sản, mà là hình thành một hệ chuẩn đạo đức và lý tưởng doanh nhân. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã lưu ý, cái thiếu lớn nhất hiện nay không phải vốn, mà là văn hóa doanh nhân: dũng cảm, liêm chính, dám đổi mới và biết phụng sự quốc gia.

Một đội ngũ doanh nhân dân tộc đúng nghĩa phải kết tinh được ba giá trị: trí tuệ sản xuất- đạo lý xã hội- tinh thần phụng sự Tổ quốc. Muốn vậy, Đảng và Nhà nước không chỉ hỗ trợ về tháo gỡ thể chế, mà cần kiến tạo môi trường văn hóa và pháp lý thúc đẩy những giá trị bền vững. Đồng thời, truyền thông, giáo dục và các tổ chức xã hội cần đồng hành trong việc hình thành lớp doanh nhân có bản lĩnh và trách nhiệm xã hội cao.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công thương yêu nước, khi được nối tiếp bởi đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, và những định hướng quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm, đang tạo nên một hành lang chiến lược cho sự hình thành đội ngũ doanh nhân dân tộc thời đại mới. Đó là lực lượng không chỉ tạo ra của cải vật chất, mà còn đại diện cho hình ảnh Việt Nam sáng tạo, có trách nhiệm, dám dẫn đầu và hội nhập một cách có chủ quyền.

Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta tiếp tục kế thừa tinh thần phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc thời đại mới mà Người khởi xướng. Theo tư tưởng đó, doanh nhân yêu nước là những người viết tiếp khát vọng hùng cường cho dân tộc Việt Nam.