Đây là đồng phục của lực lượng an ninh mặc thường phục ở Thổ Nhĩ Kỳ - gồm những người đàn ông tóc đen, luôn di chuyển trong đội hình gồm khoảng một chục người hoặc hơn, cùng bất kỳ nhân vật nào được đánh giá là quan trọng và cần phải bảo vệ ở nơi công cộng.
Trong vai trò Đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Karlov chắc chắn đã đạt tiêu chuẩn cần bảo vệ. Tại buổi triển lãm ảnh diễn ra tại một phòng trưng bày ở Ankara trong đêm 19/12, mọi chuyện dường như ổn thỏa cho tới khi viên an ninh - kẻ lẽ ra nhận trách nhiệm bảo vệ ông Karlov, rút ra một khẩu súng ngắn.
"Tôi cứ tưởng đó là một màn diễn kịch," Burhan Ozbilici, phóng viên ảnh của hãng tin Associated Press đã liên tục hướng ống kính ra phía trước và ghi hình khi tay súng nã đạn vào lưng ngài Đại sứ, kể lại.
"Các vị khách chạy tán loạn tìm chỗ nấp. Họ trốn sau những cây cột và dưới những cái bàn. Tôi đã cố giữ bình tĩnh, đủ để chụp được nhiều tấm hình."
Kết quả thu được là một bức ảnh lập tức trở thành biểu tượng. Nó cho thấy tay súng đang trong trạng thái giận giữ, vẫn mặc đồng phục an ninh của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, với khẩu súng ở tay phải và bàn tay trái chỉ lên trời. Cạnh đó là Đại sứ Nga đang nằm dưới đất.
"Thượng đế vĩ đại," gã thét lên bằng tiếng Arab. “Những người đã thề trung thành với Nhà tiên tri Muhammad vì cuộc thánh chiến. Thượng đế vĩ đại!." Rồi gã tiếp tục phát đi một thông điệp bằng tiếng Thổ nhĩ Kỳ.
"Đừng quên Aleppo!" gã nói, có nhắc tới thành phố mới bị quân chính phủ Syria chiếm lại nhờ sự hỗ trợ từ hỏa lực của Nga. “Đừng quên Syria! Hãy lùi lại! Lùi lại. Chỉ cái chết mới có thể mang ta rời khỏi đây."
Cái chết quả đã tìm tới với tay súng, được xác định là Mevlut Mert Altintas. Gã này bị đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt sau cuộc đấu súng kéo dài 15 phút.
Hiện chưa ai có thể rõ vụ việc rồi sẽ gây ra những tác động chính trị nào tới mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nó nhắc người ta nhớ một thực tế rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang ủng hộ hai phe đối lập với nhau trong cuộc chiến Syria, dù đôi bên có quan hệ tương đối tốt đẹp với nhau.
Được biết cuộc triển lãm ảnh, nơi xảy ra vụ ám sát ông Karlov, có tên gọi "Nước Nga qua con mắt của người Thổ Nhĩ Kỳ".
Nguồn: Vietnamplus/AP