|
Đứt cáp quang biển AAG, việc truy cập Internet quốc tế ảnh hưởng |
Thông tin cập nhật về kế hoạch sửa chữa, hàn nối các vị trí cáp đứt trên tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (AAG) vừa được đơn vị quản lý tuyến cáp này thông báo tới các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam có sử dụng tuyến cáp như: Viettel, VNPT, FPT, CMC Telecom, NetNam… Theo đó, việc sửa chữa tuyến cáp AAG sẽ kéo dài thêm khoảng 3 ngày so với kế hoạch dự kiến đã được thông tin trước đó: thời gian dự kiến hoàn tất việc sửa chữa, khắc phục sự cố của các cáp nhánh S11 hướng HongKong và S1B hướng Singapore lần lượt là 23h ngày 22/8 và trong ngày 24/8/2016, thay vì sửa xong 6h sáng ngày 21/8
Trước đó, từ tối 2/8/2016, một phân đoạn tuyến cáp quang biển AAG từ Việt Nam đi HongKong bị đứt ở đoạn cách HongKong 80 km và gây ảnh hưởng đến kết nối Internet ở Việt Nam. Điều này làm việc truy cập vào các trang quốc tế khó khăn, có trang load được nhưng không hết, có trang không thể truy cập. Đến sáng ngày 3/8/2016, tuyến cáp này tiếp tục gặp sự cố tại vị trí cách trạm Changi hơn 32 km, trên cáp nhánh S1B cập bờ Singapore gây mất thêm kênh truyền quốc tế hướng Singapore.
AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang biển này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Mỹ (Guam, Hawaii và California). Có 4 nhà mạng Việt Nam tham gia đầu tư vào dự án này là Viettel, VNPT, FPT Telecom và SPT.
Kể từ khi được khai trương và đưa vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp quang biển AAG đã nhiều lần gặp sự cố khiến việc truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị chập chờn, thậm chí có thời điểm rất khó tiến hành giao dịch. Gần đây nhất, từ 23h ngày 22/6 cho đến đêm 27/6, rạng sáng ngày 28/6/2016, tuyến cáp quang biển AAG tại nhánh S1 kết nối từ Hồng Kông đi Malaysia được bảo trì. Trong thời gian này, các ISP cũng đã phải triển khai các phương án dự phòng, bổ sung dung lượng quốc tế từ các tuyến cáp quang biển khác và tuyến cáp đất liền nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tới các khách hàng.