Ngành than thiệt hại 500 tỷ đồng do mưa lũ

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh khiến ngành than bị thiệt hại chừng 500 tỷ đồng, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành phải ngừng sản xuất.
Bất chấp nguy hiểm do mưa lũ, người dân dầm mình dưới suối mót than

Mưa lớn đã làm ngập mỏ than của Công ty than Quang Hanh, than Mông Dương và khiến mặt bằng của Công ty 790 - Tổng công ty Đông Bắc và Công ty than Mông Dương bị bồi lấp. Các tuyến đường sắt vận chuyển than Cửa Ông, Hòn Gai bị hư hỏng nặng, tuyến đường trong mỏ bị sạt lở nhiều nơi.

Tại Công ty than Hà Lầm, mưa lũ và đất đá bãi thải của Núi Béo trôi ngoài gây hư hỏng khu đập chắn +70, kéo theo nước tràn vào kho than +70 của Hà Lầm làm trôi mất khoảng 7 ngàn tấn than sạch. Tại Công ty than Hà Tu, mưa lũ làm ngập móng vỉa 16, vỉa 8, toàn bộ hệ thống đường xuống vỉa bị đất sạt lở đồng thời cô lập 1 máy khoan xoay cầu của công ty. Các tuyến đường từ Mỏ Hà Lầm ra ga Lộ Phong và tuyến từ mỏ Hà Tu ra cảng Làng Khánh cũng bị sạt lở đoạn dài.

Tại Công ty than Hòn Gai, mưa lớn làm sạt lở đất ở một số đoạn đường nội bộ mỏ 917. Một lượng nước lớn chảy từ giếng với khối lượng khoảng 200m3/h cũng làm hư hại đường lò của công trường Cái Đá (Cao Thắng). Trong khi đó, tại công trường Bắc Bàng Danh cửa lò +65 do đập Hà Tu bị vỡ làm lở đất khoảng 2 ngàn m3 đất trôi xuống.

Mặt bằng công trường Giáp khẩu bị ngập nước. Công ty Tuyển than Hòn Gai cũng chịu thiệt hại khi đường sắt bị vùi lấp một số đoạn ray gần ga Lộ Phong do vỡ kè chắn kho than của Công ty than Hà Tu. Kho than của đơn vị cũng bị ngập ở một số điểm. Thiệt hại khá lớn xảy ra ở Công ty Kho vận Hòn Gai.

Do bị bục nước tại khu vực hồ xỉ thải lô số 5 của Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh làm đổ 40m tường chắn, ngập máy phát 150KVA và 4 máy nghiền mẫu của KCS tại cảng Làng Khành 1. Đến 9h ngày 29/7 Kho than 1 và kho than Hà Ráng đã bị tràn, trôi một lượng lớn than ra sông Diễn Vọng.

Tại khu vực Cẩm Phả, hoạt động sản xuất của nhiều công ty như bị ảnh hưởng khá nặng do bị ngập nước. Tại Công ty than Cọc Sáu, do lượng mưa của khu vực lên tới 1.100mm nên khu vực bãi thải Bắc Cọc Sáu bị sạt trôi nhiều đất đá làm ảnh hưởng đến gần khu cửa lò của Cty 790-Tổng công ty Đông Bắc. Toàn bộ các bờ tầng và đường nội mỏ cũng bị sạt lở lớn. Dự kiến đơn vị phải mất từ 4-5 ngày để khắc phục sự cố. Công ty than Mông Dương bị nước ngập mặt bằng giếng phụ, ngập trạm bơm -250 khu Đông bắc Mông Dương, đồng thời nước chẩy nhiều làm 2 lò chợ bị đổ. Dù bị ngập nước nhưng toàn bộ công nhân làm việc trong lò đều rút ra ngoài an toàn.

Không được để thất thoát than

Trong ngày 29/7, Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn đã ban hành Lệnh sản xuất yêu cầu các đơn vị TKV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tập trung mọi nguồn lực, thiết bị, xe máy... cùng chính quyền địa phương và các đơn vị khác trên địa bàn khắc phục các sự cố và hậu quả do mưa lũ gây ra, giúp nhân dân trên địa bàn vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Cùng đó, nhằm góp phần khắc phục hậu quả do mưa lũ, chia sẻ khó khăn với gia đình bị nạn, Tập đoàn TKV, Đảng uỷ Than Quảng Ninh, Công đoàn TKV đã hỗ trợ 185 triệu đồng; Công ty than Hòn Gai hỗ trợ 80 triệu đồng cho 4 gia đình công nhân làm việc Tập đoàn có thân nhân bị thiệt mạng do mưa lũ.

Trong sáng 29/7, đoàn Công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng dẫn đầu và đoàn TKV do Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải dẫn đầu kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại các đơn vị. Lãnh đạo TKV đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra đến đâu, cứu hộ đến đó. Trước mắt sẽ tập trung ứng cứu các hầm lò, bơm hút và ngăn không cho nước tràn vào ngập những mỏ này. Tiếp theo là bảo vệ các kho than và các thiết bị máy móc, tài sản để hạn chế trôi, lấp than; ngăn chặn đến mức tối đa tình trạng trôi bùn than, nước từ bãi thải ra khu dân cư.

Sau khi đi kiểm tra thực tế tại khu vực khai trường mỏ Hà Tu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã yêu cầu TKV phải tập trung toàn bộ thiết bị, máy móc, nhân lực để đảm bảo việc cấp cứu người bị nạn; di dời những người trong khu vực nguy hiểm để tránh thương vong. Cùng với đó là phải đảm bảo nhu yếu phẩm, đồ dùng cho những vùng bị cô lập; bảo vệ phương tiện máy móc, tài sản, kho bãi, vật tư… để tránh thất thoát than. Đặc biệt là phải lên phương án khắc phục và chuẩn bị kịp thời phục hồi sản xuất một cách nhanh nhất sau khi chấm dứt mưa lũ.

Theo Tiền Phong