|
Ảnh minh họa |
Buổi tọa đàm “Thực trạng chính sách ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng 8-12 tại Hà Nội, đã đặt ra vấn đề: Liệu ngành sản xuất ô tô trong nước có thể tồn tại khi thị trường chưa đủ lớn mà đã mở cửa cho các nước ASEAN?
Không dễ nội địa hóa
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) - chỉ duy nhất dòng xe Focus của Ford Việt Nam có giá thấp hơn Indonesia 1%, còn lại hầu hết đều cao hơn Thái Lan, Indonesia. Nguyên nhân, nỗ lực hỗ trợ của Chính phủ và mong muốn của doanh nghiệp (DN) chưa gặp nhau. Thậm chí, việc hỗ trợ sản xuất trong nước để cạnh tranh với Thái Lan, Indonesia và duy trì sản xuất sau năm 2018... đến giờ vẫn chưa có động thái gì và không biết nên làm thế nào.
Đại diện Toyota Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, cho rằng tiềm năng thị trường Việt Nam còn quá nhỏ so với Thái Lan, Indonesia bởi ô tô chịu nhiều thuế, đẩy giá xe cao và công nghiệp hỗ trợ còn rất yếu. Cam kết mở cửa thị trường với khu vực ASEAN sẽ khiến thuế nhập khẩu giảm nhanh. Trước khi thị trường đủ lớn, Việt Nam đã mở cửa nên sản xuất trong nước có nguy cơ khó tồn tại. Hầu hết các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đã có mặt tại ASEAN và Việt Nam nhưng họ thành công ở các quốc gia khác, trong khi ở Việt Nam vẫn chưa thành công do thị trường nhỏ hẹp.
Khách hàng chọn mua xe tại triển lãm ô tô tổ chức ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Toyota Việt Nam đã bắt đầu nội địa hóa từ năm 1997 với ống xả, thân xe, sàn xe - những chi tiết có chi phí vận chuyển cao. Tuy nhiên, so sánh giữa sản xuất và nhập khẩu với sản lượng sản xuất nhỏ thì chênh lệch không có lợi. Với những chi tiết khác, DN này mời các nhà cung cấp của công ty mẹ sang đầu tư ở Việt Nam. Theo ông Phạm Anh Tuấn, DN Việt Nam muốn nội địa hóa không dễ vì phải xin quyền chuyển giao công nghệ các chi tiết từ các nhà cung cấp đó. Các DN Việt Nam muốn nội địa hóa, thành nhà cung cấp của công ty thì giá thành phải thấp hơn sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, trong khi sản lượng thì rất thấp.
Không có xe gì ra hồn!
Đánh giá về ngành ô tô trong nước, ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) - cho rằng Việt Nam thất bại do DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không đạt tỉ lệ nội địa hóa lớn và nước ta “không có ô tô gì ra hồn”. Theo ông, Việt Nam cần tiếp tục xem xét chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô theo hướng tính toán mỗi năm, nước ta nhập khẩu bao nhiêu xe, làm ra các dịch vụ sửa chữa như thế nào.
“Các DN FDI luôn chê thị trường ô tô Việt Nam. Có lần, Toyota cũng dọa nếu chính sách như thế thì họ xem xét không sản xuất ở Việt Nam nhưng tôi đố họ rời khỏi thị trường lớn thế này. Nối xong tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì đường sá miền Bắc cơ bản đã thực hiện được giai đoạn 1; miền Nam cũng vậy. 100 triệu dân sắp tới là thị trường béo bở, họ có rút thì cũng chùn” - ông Long phân tích.
Đồng tình, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM, cho rằng ngoài việc giảm chi phí cho DN kinh doanh, các chi phí khác như giao dịch, nộp thuế... cũng cần giảm theo để tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy khuyến cáo nên cân nhắc kỹ việc giảm thuế, phí vì điều này thúc đẩy nhập khẩu trong ngắn hạn, mang lại lợi ích cho nhà nhập khẩu. Nếu giảm thuế nhập khẩu phụ tùng linh kiện, giúp DN trong nước cắt giảm chi phí sản xuất thì sẽ góp phần hỗ trợ sản xuất trong nước.
Theo NLĐ