Báo cáo cho biết có một số vấn đề DN phản ánh đã được Bộ Tài chính tiếp thu và sẽ nghiên cứu sửa đổi trong thời gian tới.
Thứ nhất, về việc DN trong nước nhận thuê gia công của DN chế xuất phải xuất trình các giấy tờ như đăng ký kinh doanh của DN… cho cơ quan hải quan, Bộ Tài chính cho rằng các quy định, quy trình, thủ tục quản lý về hải quan đối với loại hình gia công cơ bản tuân thủ, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, bộ này đã xin tiếp thu phản ánh của DN để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thực hiện cơ chế quản lý rủi ro. Theo đó, tới đây cơ quan hải quan chỉ kiểm tra thực tế những DN rủi ro cao. Khi kiểm tra, không thực hiện kiểm tra những chứng từ mà cơ quan quản lý nhà nước đã có như đăng ký kinh doanh của DN, báo cáo tài chính mà DN đã gửi một trong số các đơn vị thuộc Bộ Tài chính…
Thứ hai, về quy định DN chế xuất thanh lý thiết bị, dụng cụ hỏng, Bộ Tài chính xin ghi nhận và sẽ phối hợp, kiến nghị với Bộ Công thương để sửa đổi. Theo hướng đối với trường hợp lưu giữ hồ sơ hải quan quá 5 năm, cơ quan hải quan sẽ không yêu cầu DN cung cấp số tờ khai khi thanh lý.
Trường hợp phát sinh thanh lý trong thời hạn lưu giữ hồ sơ hải quan, đối với việc thanh lý tài sản cố định có giá trị trên 30 triệu đồng mới yêu cầu DN kê khai tờ khai. Đối với công cụ, dụng cụ, cơ quan hải quan không yêu cầu DN phải kê khai tờ khai khi thực hiện thủ tục thanh lý.
Trước đó, ngày 20-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã vi hành tới Hải Phòng để nghe một số DN chia sẻ, đánh giá về công tác cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan. Tuy nhiên, tại cuộc làm việc này, trái với những gì mà cơ quan thuế cho biết hai năm qua đã giảm tới 420 giờ nộp thuế cho DN, một số DN kêu rằng mức độ thuận lợi chỉ 10-20% mà thôi. Việc cải cách thủ tục hành chính ngành hải quan tốt hơn so với ngành thuế, tuy nhiên những vướng mắc trong chính sách hải quan vẫn gây khó khăn cho cho DN.
Theo Tuổi trẻ