Ngành công nghệ đã đi qua năm 2022 như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù được dự báo sẽ tiếp nối đà phát triển của năm 2021, tuy nhiên trên thực tế ngành công nghệ đã chứng kiến một đợt suy thoái lớn nhất trong suốt thập kỷ qua.
Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

Vào những ngày đầu tiên của năm 2022, Apple đã đạt được một cột mốc quan trọng mới cho ngành công nghệ: nhà sản xuất iPhone trở thành công ty đầu tiên đạt mức vốn hóa thị trường 3 nghìn tỉ USD, theo sau là Microsoft và Google. Thời điểm này, đã có nhiều bài viết suy đoán về việc sẽ mất bao lâu trước khi Apple và các ông lớn khác vượt qua mốc 5 nghìn tỉ USD.

Ngành công nghệ ban đầu được đánh giá vẫn sẽ nối tiếp đà phát triển những năm trước. Sự lan rộng của biến thể Omicron cho thấy nhu cầu tiếp tục do đại dịch gây ra đối với hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số, vốn đã thúc đẩy nhiều công ty công nghệ. Với mức lãi suất gần 0%, các công ty khởi nghiệp vẫn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn nhằm thúc đẩy các dự án mạo hiểm đầy rủi ro của họ.

Dù vậy, 2022 kết thúc với kết cục khác hẳn dự đoán. Hàng loạt yếu tố khiến lĩnh vực công nghệ phải quay trở về thực tại và trở thành một trong những ngành chịu nhiều thiệt hại nhất năm.

Trong suốt cả năm, nhu cầu trong thời kỳ đại dịch đối với nhiều thiết bị công nghệ đã thay đổi; lạm phát tăng cao; lãi suất tăng và lo ngại về nền suy thoái kinh tế sắp xảy ra đã đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng và nhà quảng cáo - hoạt động kinh doanh cốt lõi của nhiều tên tuổi quen thuộc trong lĩnh vực công nghệ.

Kết quả là một cuộc "đổ máu" lớn chưa từng thấy của ngành công nghệ trong suốt thập kỷ qua. Cổ phiếu công nghệ lao dốc, trong bối cảnh thị trường suy thoái. Hàng chục nghìn nhân viên công nghệ đã mất việc trong bối cảnh bị sa thải hàng loạt. Ngay cả những gã khổng lồ công nghệ như Amazon và Meta, công ty mẹ của Facebook cũng như tại các công ty công nghệ nhỏ hơn như Lyft, Peloton và Stripe thì tình trạng này vẫn diễn ra. Thị trường tiền điện tử gần như đã sụp đổ. Toàn bộ ngành công nghiệp được biết đến với việc đốt tiền vào những dự án đầy tham vọng cũng đã bắt đầu đóng cửa các dự án và công bố những nỗ lực cắt giảm chi phí.

Ngay cả danh hiệu người đàn ông giàu nhất thế giới, trước đây thuộc về nhà sáng lập công nghệ Elon Musk, cuối cùng cũng được trao cho Bernard Arnault, Chủ tịch tập đoàn đồ hiệu khổng lồ của Pháp LVMH, sau khi thương vụ mua lại Twitter của Musk đã khiến các nhà đầu tư vào Tesla lo ngại.

Sự thay đổi này không chỉ xóa sổ tâm lý bất bại của ngành công nghệ, mà còn chấm dứt nhiều huyền thoại trong ngành. Thung lũng Silicon nhiều năm qua ca ngợi các lãnh đạo công nghệ là những người tiên phong có tầm nhìn đến tương lai xa, nhưng năm 2022 khiến nhiều trong số đó phải thừa nhận thực tế phũ phàng là họ không thể dự báo tình hình chỉ trước hai năm.

Như người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã viết trong một bản ghi gửi cho nhân viên vào tháng trước khi thông báo rằng công ty sẽ cắt giảm 11.000 nhân viên: “Thật không may, điều này đã không diễn ra theo cách tôi không hề mong đợi”.

Mark Zuckerberg không phải là người duy nhất trong ngành gặp phải tình trạng này.

Sự thức tỉnh của Thung lũng Silicon

Khi đại dịch bùng phát đầu 2020, các công ty công nghệ phát triển mạnh mẽ khi nhiều người phải ở nhà và làm việc từ xa. Facebook tăng gần gấp đôi nhân sự và chi hàng tỉ USD cho những canh bạc như Metaverse. Amazon cũng thuê lượng lớn nhân công và mở rộng gấp đôi trung tâm vận chuyển hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm online.

“Khi bắt đầu đại dịch Covid, thế giới đã nhanh chóng chuyển sang làm việc trực tuyến và sự bùng nổ của thương mại điện tử đã dẫn đến mức tăng trưởng doanh thu vượt bậc,” Zuckerberg viết trong bản ghi gửi nhân viên vào tháng trước. “Nhiều người dự đoán đây sẽ là một đợt tăng tốc vĩnh viễn sẽ tiếp tục ngay cả sau khi đại dịch kết thúc. Tôi cũng vậy, vì vậy tôi đã quyết định tăng đáng kể các khoản đầu tư của chúng ta”.

Sau đó, thị trường thay đổi.

Từng người một, những người nổi tiếng về "tầm nhìn" của họ ở Thung lũng Silicon đã đưa ra những lời nhận lỗi. Người sáng lập Stripe, Twitter và Facebook lần lượt thừa nhận họ đã phát triển công ty quá nhanh hoặc quá lạc quan về sự tăng trưởng do đại dịch gây ra trong lĩnh vực của họ.

Patrick Collison, Giám đốc điều hành của Stripe, đã viết trong một lưu ý cho nhân viên vào tháng trước rằng: “Chúng ta đã quá lạc quan về sự tăng trưởng ngắn hạn của nền kinh tế internet vào năm 2022 và 2023, đồng thời đánh giá thấp cả khả năng và tác động của sự suy thoái rộng lớn”.

Điều này không chỉ đơn thuần, là xu hướng khách hàng đã thay đổi trong thời điểm hiện tại. Lĩnh vực công nghệ còn đặc biệt bị ảnh hưởng bởi tác động của việc tăng lãi suất trong năm nay. Thung lũng Silicon nói chung được cho là đặc biệt nhạy cảm với việc tăng lãi suất so với các ngành khác, vì nhiều công ty công nghệ dựa vào khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng để theo đuổi các dự án đầy tham vọng của họ, thường là trước cả khi thu được lợi nhuận.

Trong một động thái nhằm chế ngự lạm phát, FED đã thông qua 7 đợt tăng lãi suất liên tiếp vào năm 2022. Kể từ đầu năm, chỉ số Nasdaq đã giảm hơn 30% tính đến ngày 21 tháng 12. Để so sánh, chỉ số Nasdaq đã tăng hơn 40% vào năm 2020 và thêm 20% vào năm 2021. Lĩnh vực Công nghệ thông tin của S&P 500 đã giảm hơn 28% trong năm nay tính đến ngày 21 tháng 12, cao hơn đáng kể so với mức giảm chỉ 19% của số điểm S&P 500 trong cùng kỳ.

Giá trị vốn hóa của Apple giờ đây còn hơn 2.000 tỉ USD, cổ phiếu của Amazon cũng mất giá khoảng 50%. Cổ phiếu Meta hứng chịu thiệt hại nặng nề hơn khi mất tới 2/3 giá trị, biến công ty từng có giá trị hơn 1.000 tỉ USD trong năm 2021 thành doanh nghiệp thua kém cả nhiều chuỗi siêu thị tại Mỹ.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích CB Insights, vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu đạt mức thấp nhất trong 9 quý là 74,5 tỉ USD trong quý 3 năm 2022. Điều này đánh dấu mức giảm phần trăm hàng quý lớn nhất trong một thập kỷ (34%) và giảm 58% so với mức đỉnh đầu tư đạt được vào quý IV năm 2021.

Một dấu hiệu khác cho thấy điều này diễn ra như thế nào trong thế giới khởi nghiệp: trung bình mỗi một ngày trong năm 2021 lại có hơn hai kỳ lân mới (công ty khởi nghiệp trị giá 1 tỉ USD trở lên), theo dữ liệu từ CB Insights. Tỷ lệ đó đã giảm xuống mức ít hơn một kỳ lân mới mỗi ngày trong quý 3 năm 2022, theo phân tích gần đây nhất của CB Insights, đây là mức thấp nhất kể từ quý 1 năm 2020.

Lee, nhà sáng lập mạng lưới đầu tư 37 Angels, nói bà sẵn sàng thông qua nhiều thỏa thuận với các startup hồi năm 2021, nhưng không lặp lại điều đó trong năm 2022. "Tôi nghe được điều tương tự từ rất nhiều người", bà nói thêm.

Giáo sư Lee cho rằng tình hình thắt lưng buộc bụng hiện gây tổn thất cho nhiều doanh nghiệp công nghệ, nhưng có thể là điều tốt với toàn ngành nói chung. Những biện pháp điều chỉnh như vậy sẽ loại bỏ những doanh nghiệp thừa thãi, bảo đảm các công ty có khả năng tài chính sẽ trụ vững.

"Nhiều người cho rằng 'sắp đến ngày tận thế với ngành công nghệ', nhưng tôi coi đây là trở lại trạng thái bình thường. Tôi không nghĩ đầu tư vào ngành công nghệ sẽ chấm dứt, mà nó chỉ chấm dứt sự điên rồ những năm gần đây", bà nói.

Lee tiếp tục lưu ý rằng hầu hết các biểu đồ theo dõi chi tiêu của VC (từ số vòng siêu lớn đến số lần IPO) đều có một cú hích lớn vào năm 2020 và 2021 khi lãi suất thấp và hiện tại các biểu đồ này bắt đầu giống năm 2019.

Nhưng hiện tại, dường như nỗi đau đối với Thung lũng Silicon và những nhân viên tại đây vẫn chưa có hồi kết.

Theo CNN Business