Tăng thu nội địa
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước hàng năm đều cơ bản đạt và vượt dự toán.
Trong khi, thu từ thuế xuất nhập khẩu và dầu thô giảm mạnh, thì thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách. Từ mức 59% giai đoạn 2006-2010, tăng lên 68% trong giai đoạn 2011-2015, đặc biệt năm 2015 thu nội địa đã chiếm 74,4% tổng thu ngân sách.
Năm 2016, Chính phủ đặt ra mục tiêu thu ngân sách khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với dự toán và 14% ước thực hiện của năm 2015. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách của Việt Nam đặt ra kế hoạch vượt con số 1 triệu tỉ đồng, tương đương 20% GDP dự báo của năm 2016.
Trong khi các nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu giảm dần do Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hơn các hiệp định thương mại quốc tế; còn thu từ dầu thô đang trải qua giai đoạn thấp điểm và dự báo sẽ giảm dần mức độ đóng góp vào ngân sách. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính mới đây đã đưa ra hướng đẩy mạnh tăng thu nội địa. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới khi các hàng rào thuế quan dần dỡ bỏ.
Các nguồn thu nội địa được Bộ Tài chính nhắm tới là bán vốn Nhà nước tại các DN. Hiện vốn Nhà nước đầu tư tại DN ước vào khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, nhưng mới thoái được 5%. Ngoài ra, còn đẩy mạnh kiểm soát chống thất thu thuế, chây ì, nợ đọng thuế...
Cùng với đó, Bộ Tài chính còn tin tưởng, kinh tế đang khởi sắc và hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN tăng trưởng, sẽ giúp tăng nguồn thu từ nội địa.
Gánh nặng thuế phí
Tuy nhiên, điều này vẫn không xóa tan mối lo ngại về việc tăng nhiều loại thuế, phí khiến cho người dân và DN thêm nặng gánh.
Điển hình, như với xăng dầu, thời gian qua, khi thuế nhập khẩu giảm thì Bộ Tài chính đã ngay lập tức tăng thuế Bảo vệ môi trường với mặt hàng này lên tới 300%.
Trước đó, Bộ Tài chính đã từng đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có ga mức 10%, nhưng sau gặp nhiều ý kiến không thống nhất mới thôi. Còn mới đây nhất, Bộ này đã đề xuất chuyển thuế môn bài thành phí và tăng lên gấp 3 lần hiện nay.
Nói về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhìn vào các nguồn thu của chúng ta, có đặc điểm rất rõ là manh mún, bị phân ra nhiều loại.
Nếu chỉ nhìn vào một số loại thu cơ bản thì thuế suất không phải là cao lắm. Ví dụ như thuế thu nhập DN, hay thu nhập cá nhân, tỷ lệ huy động chưa phải là cao. Thế nhưng, chúng ta lại có rất nhiều khoản thu khác để tái bổ sung nguồn thu, như phí môi trường, phí đường bộ, hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt... rõ ràng là có khuynh hướng bù đắp.
Ngoài ra, nhiều ý kiến còn lo ngại, việc đẩy mạnh tăng thu nội địa sẽ khiến cho cơ hội giảm các loại thuế, phí khó xảy ra, trong khi mức thuế, phí tại Việt Nam đang cao nhất khu vực.
Các số liệu thống kê gần đây về tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam hiện nay qua khảo sát của VNR gần đây cho thấy, tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn ở mức bình quân khoảng 20%; cao hơn hẳn so Thái Lan 16,1%, Philippine 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaisia 14,3%...
Thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực, nhưng tỷ lệ thu cao hơn hẳn, khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế, phí/GDP gấp từ 1,4 -3 lần so với các nước.
Theo báo cáo Môi trường kinh doanh 2016, Ngân hàng Thế giới công bố tỷ lệ huy động thuế phí đối với DN ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận. Tức là làm được 10 đồng, nộp thuế gần 4 đồng.
Giải thích sau đó, Bộ Tài chính chỉ rõ đây không hẳn là thuế DN phải nộp mà còn nhiều khoản phí khác được thu ở các cấp khác nhau từ trung ương, tỉnh, huyện… xã. Mặc dù vậy, báo cáo Môi trường kinh doanh 2016, Ngân hàng Thế giới vẫn cho rằng, đây là một gánh nặng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Với người dân trong khi thu nhập thấp, lại chịu thuế, phí cao, sẽ dẫn đến phải tiết giảm nhu cầu trong các lĩnh vực khác. Không chi tiêu nhiều thì hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm và kinh tế sẽ không phát triển.
Còn với DN, trên 90% có quy mô nhỏ, khoa học công nghệ lạc hậu, tài chính hạn chế lại phải gánh mức thuế, phí cao, đương nhiên sẽ yếu thế, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh, nhất là giai đoạn hiện nay, hội nhập ngày càng sâu rộng.
Cùng với đó, mặt bằng lãi suất vay vốn tại Việt Nam hiện cao gấp 2-3 lần các nước trong khu vực, sẽ khiến cho DN khó tiếp cận vốn vay, suy giảm khả năng cạnh tranh. DN vốn đã nhỏ bé, lại gặp khó khăn từ những chính sách bất lợi, chắc chắn sẽ liêu xiêu. Khi DN liêu xiêu thì nguồn thu về dài hạn sẽ khó bền vững, bởi nó đã không được nuôi dưỡng và căng thẳng ngân sách khó tránh nổi, khiến cho nợ công tiếp tục tăng cao.
Theo VNN