|
Phương án thiết kế Trung tâm hành chính TP HCM được chọn vào tháng 10/2015. |
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, nguyên nhân không nên xây Trung tâm hành chính tập trung vì điều kiện Trung ương đang khó khăn về ngân sách, hơn nữa nếu tỉ lệ điều tiết ngân sách TP HCM được giữ lại giảm xuống 18% thì không thể đầu tư một Trung tâm hành chính công, vừa tốn kém vừa không phù hợp với điều kiện khó khăn hiện nay.
Ngoài ra, khi xây Trung tâm hành chính mới thu về một mối sẽ sẽ xảy ra bài toán về ùn tắc giao thông. “Do đó cần phải cân nhắc rất kỹ. So với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, tôi thấy rằng phải làm sao để đảm bảo người dân và doanh nghiệp hài lòng khi đến một cửa nộp hồ sơ và nhận kết quả. Người dân và DN không cần một cái địa điểm, một trung tâm hành chính hoành tráng, mà cần sản phẩm dịch vụ công nhà nước cung cấp nhanh gọn, minh bạch, công khai và không gây phiền hà” - ông Tuyến nói.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết, TP HCM sẽ tính đến chuyện xây “cụm hành chính” theo từng lĩnh vực cụ thể, trước mắt sẽ đề xuất với Thường trực Thành ủy theo hướng một cửa cải cách tại các sở, ngành tiếp nhận hồ sơ.
Trước đó, vào năm 2015, lãnh đạo UBND TP HCM đã thống nhất ý kiến các chuyên gia, chọn phương án của một công ty Nhật Bản làm đồ án thiết kế xây dựng Khu Trung tâm hành chính UBND TP HCM trong thời gian tới. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan sớm hoàn tất thiết kế đồ án hoàn chỉnh để UBND thành phố trình Thành ủy.
Theo quy hoạch, Trung tâm hành chính TP HCM này có diện tích 18.000 m2 được giới hạn bởi 4 tuyến đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi sẽ là nơi làm việc của 8 cơ quan nhà nước với 90 phòng ban trực thuộc gồm khoảng 1.700 người.