Ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã CK:BID) đã tổ chức buổi họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019. Trong đó, các cổ đông đã thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến trọng tâm hoạt động, kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tăng vốn năm 2019 và bầu bổ sung thêm 1 Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT).
Đối với kế hoạch kinh doanh năm 2019, đại hội đã nhất trí thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm trước.
Được biết, nội dung kế hoạch lợi nhuận đã được điều chỉnh giảm 200 tỷ đồng so với tài liệu được công bố trước phiên họp ĐHĐCĐ. Lý giải về sự điều chỉnh này, ông Phan Đức Tú (Chủ tịch HĐQT BIDV) cho biết nguyên nhân là do ngân hàng thực hiện trích thêm 200 tỷ đồng vào quỹ trích lập dự phòng rủi ro.
Ngoài sự điều chỉnh về mục tiêu lợi nhuận, các mục tiêu tăng trưởng chính của BIDV vẫn được giữ nguyên.
Cụ thể, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12% và phấn đấu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%. Hoạt động huy động vốn tăng trưởng 11% nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng vốn.
Cũng theo tài liệu được công bố, BIDV đề ra mục tiêu phải hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu của Phương án tái cơ cấu lại hoạt động giai đoạn 2016 - 2020 trong năm 2019 nhằm tạo dựng nền tảng phát triển bền vững. BIDV cho biết sẽ ưu tiên phát triển chiến lược Ngân hàng số một cách toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động kinh doanh, quy trình, sản phẩm, kênh phân phối phù hợp với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.
Đối với việc thực hiện tăng vốn trong năm 2019, BIDV sẽ tiếp tục thực hiện các cấu phần có trong kế hoạch năm 2018.
Kế hoạch tăng vốn điều lệ của BIDV trong năm 2019 (Nguồn: BIDV)
|
Trước đó, ngày 21/2/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản chấp thuận cho phép BIDV tăng vốn điều lệ từ 34.187 lên 40.220 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ hơn 600 triệu cổ phần cho ngân hàng Hàn Quốc là KEB Hana Bank.
Trong quá trình đàm phán, BIDV đã thực hiện báo cáo NHNN các vướng mắc (về Điều khoản chuyển nhượng, Thư cam kết của NHNN…) và tích cực trao đổi với đối tác để có thể hoàn tất giao dịch theo kế hoạch.
Ngoài ra, tại đại hội lần này, các cổ đông đã thông qua việc bầu bà Nguyễn Thị Thu Hương (Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giám sát các Tổ chức tín dụng nước ngoài (Vụ II) - Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN) giữ chức vụ Thành viên HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Với việc bổ sung thêm bà Thu Hương, HĐQT BIDV sẽ có sự tham gia của 9 thành viên. Trong đó, ông Phan Đức Tú đang nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT./.
Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 9.473 tỷ đồng Theo báo cáo của HĐQT, năm 2018, BIDV đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, nâng cao chất lượng tài sản và tiến hành lành mạnh hóa tình hình tài chính. Đây là tiền đề vững chắc cho việc hoàn thành phương án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, tính đến 31/12/2018, BIDV ghi nhận quy mô tổng tài sản đạt 1.313.038 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị thế là ngân hàng có quy mô lớn nhất trên thị trường. Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động đạt 1.226.454 tỷ đồng, dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.237.755 tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu đến 31/12/2018 là 1,8%). Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động tăng khá so với năm trước và hoàn thành kế hoạch mục tiêu. Trong đó, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 9.473 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước và hoàn thành kế hoạch đã đề ra, tỷ lệ ROA và ROE lần lượt đạt 0,6% và 14,6%. Bên cạnh các chỉ tiêu tài chính, các chỉ số hoạt động khác cũng có tăng trưởng mạnh: (i) Phát triển tốt nền khách hàng đặc biệt là khách hàng cá nhân được củng cố cả về quy mô và chất lượng, số lượng tăng 13% so với năm 2017, đạt hơn 11 triệu khách hàng, chiếm 12% dân số Việt Nam. (ii) Chất lượng phục vụ khách hàng được nâng cao qua các kênh phân phối hiện đại, gia tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ trên từng khách hàng “active”, số lượt khách hàng sử dụng kênh ngân hàng điện tử tăng 26%/năm, đạt 9,2 triệu lượt, lượng giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử đạt trên 82 triệu giao dịch, tăng 87%/năm, (iii) Thị giá cổ phiếu BID tăng trưởng 35% so với đầu năm, thanh khoản luôn duy trì ở mức cao, trung bình 2,7 triệu cổ phiếu/phiên, P/E đạt 16 lần cao hơn mức trung bình (11,9 lần) của Top 5 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường, phản ánh kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển của BIDV. Năm 2018, BIDV đã được NHNN chấp thuận về chủ trương đối với phương án chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với số lượng hơn 600 triệu cổ phần tương đương tỷ lệ phát hành 17,65%. Ngoài ra, BIDV cũng đã phát hành thành công 2 đợt trái phiếu: hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ và 4.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để cải thiện nguồn vốn cấp 2./. |