Thống kê của VietTimes từ số liệu báo cáo tài chính quý 3/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tổng dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 30/9 đạt 8,25 triệu tỉ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm.
Trong đó, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng đạt 131,9 nghìn tỉ đồng, tăng 30,8% so với đầu năm 2022. Tuy vậy, nhờ việc tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ chỉ tăng nhẹ từ mức 1,37% hồi đầu năm lên 1,6% tại cuối quý 3/2022.
|
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát Triển Việt Nam (BIDV) dẫn đầu trong nhóm ngân hàng quốc doanh về dư nợ cho vay, đạt 1,49 triệu tỉ đồng tại ngày 30/9/2022, tăng 10,3% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đạt 1,35%, tăng mạnh so với mức 1% hồi đầu năm 2022. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhà băng này vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung, đạt 213,7%.
Nợ xấu nội bảng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có xu hướng tăng so với đầu năm 2022, đạt 9.003,5 tỉ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 17,6% so với đầu năm lên mức 1,13 triệu tỉ đồng.
Hiện tại, Vietcombank vẫn là nhà băng có chất lượng tín dụng tốt nhất thị trường, khi tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng nhẹ từ mức 0,64% hồi đầu năm lên 0,8% tại cuối quý 3/2022. Nhà băng này cũng giữ ‘ngôi vương’ về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, lên tới 401,7%.
Tại VietinBank, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm của nhà băng này đạt 10,1%, từ 1,13 triệu tỉ đồng lên 1,24 triệu tỉ đồng. Số dư nợ xấu tăng 23,4% so với đầu năm lên 17.651,7 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,26% lên 1,42%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng mạnh từ mức 180,3% lên 222,3%.
Ngoài ba ‘ông lớn’ nêu trên, 16 ngân hàng thương mại khác cũng ghi nhận xu hướng tăng của tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ.
Theo đó, NCB ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh nhất, từ mức 3% tại cuối năm 2021 lên 14,7% tại thời điểm cuối quý 3/2022. Trong 9 tháng đầu năm 2022, số dư nợ xấu của NCB tăng gấp 5,3 lần lên 6.648,2 tỉ đồng; trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 8,5% lên 45.163,7 tỉ đồng.
Một số ngân hàng lớn khác ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng sau 9 tháng có thể kể đến như: OCB tăng từ 1,32% lên 2,47%; SHB tăng từ 1,69% lên 2,33%; TPBank tăng từ 0,82% lên 0,91%; ACB tăng từ 0,78% lên 1,02% (không bao gồm khoản cho vay giao dịch ký quỹ của ACBS); LienVietPostBank tăng từ 1,37% lên 1,4%; MBBank tăng từ 0,9% lên 1,04%.
Ở hướng ngược lại, có 8 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm sau 9 tháng đầu năm 2022, bao gồm: Techcombank, SeABank, Sacombank, Eximbank, HDBank, MSB, Bac A Bank và VietABank.
Trong đó, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank giảm mạnh từ mức 1,47% tại cuối năm 2021 xuống còn 0,9% tại thời điểm cuối quý 3/2022. Trong 9 tháng đầu năm 2022, số dư nợ xấu của Sacombank giảm 1.930 tỉ đồng xuống còn 3.790,8 tỉ đồng.
Còn Techcombank, dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này tăng trưởng tới 18,2% sau 9 tháng, đạt mức 410.545,8 tỉ đồng tại cuối quý 3/2022. Trong khi đó, số dư nợ xấu chỉ tăng 16,1% lên 2.665,3 tỉ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank giảm nhẹ xuống còn 0,65%./.