CASA nhiều ngân hàng giảm mạnh trong quý 3/2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tính đến hết quý 3/2022, có 18/27 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm so với đầu năm. Tỷ lệ CASA trung bình của 27 ngân hàng niêm yết giảm 1,6% sau 9 tháng xuống còn 16%.

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ngày càng đóng vai trò trong cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng. Nguồn vốn này có thể giúp các ngân hàng giảm chi phí huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng cạnh tranh mà không ảnh hưởng quá lớn tới biên thu nhập lãi thuần (NIM).

Thống kê từ báo cáo tài chính quý 3/2022 của 27 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy, tổng lượng tiền gửi của khách hàng tính đến 30/9/2022 đạt 7,79 triệu tỉ đồng, tăng 4% so với đầu năm.

Trong đó, số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) là 1,65 triệu tỉ đồng, giảm 1,8% so với cuối năm ngoái. Tỷ lệ CASA (tạm tính theo tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tiền gửi của khách hàng) trung bình đạt 16%, giảm 1,6% so với đầu năm 2022.

Tính đến cuối tháng 9/2022, Techcombank, MBBank và MSB vẫn là ba ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ CASA, lần lượt đạt 42,4%, 39,1% và 36,2%.

Trong nhóm này, MSB là nhà băng duy nhất ghi nhận tăng trưởng về CASA với mức tăng 2,1% sau 9 tháng đầu năm 2022; số dư tiền gửi không kỳ hạn tăng 7,5% lên 34.698,8 tỉ đồng.

Ở hướng ngược lại, tỷ lệ CASA của Techcombank và MBBank lần lượt giảm 4,5% và 5,4% so với cuối năm 2021. Số dư tiền gửi không kỳ hạn tại cuối quý 3/2022 của hai ngân hàng này giảm lần lượt 8,4% và 13,8% so với đầu năm xuống còn 135.429,8 tỉ đồng và 171.396,1 tỉ đồng.

Trong nhóm ba ngân hàng quốc doanh niêm yết, Vietcombank có tỷ lệ CASA cao nhất với 32,8%, tăng 0,5% so với đầu năm. Hai nhà băng còn lại là VietinBank và BIDV lần lượt ghi nhận tỷ lệ CASA ở mức 19,8% và 18,4% tại cuối quý 3/2022.

Đáng chú ý, BIDV là ngân hàng duy nhất trong nhóm ghi nhận sụt giảm về tỷ lệ CASA với mức giảm 0,9% sau 9 tháng đầu năm 2022. Số dư tiền gửi không kỳ hạn tại cuối quý 3/2022 của nhà băng này là 260.323,3 tỉ đồng, giảm 2,6% so với đầu năm.

Thống kê của VietTimes cho thấy có tới 18/27 ngân hàng thương mại niêm yết ghi nhận số dư tiền gửi không kỳ hạn tại ngày 30/9 sụt giảm so với đầu năm 2022, nổi bật là KienlongBank (-51,5%), VietABank (-51,2%); LienVietPostBank (-32,5%); SaigonBank (-22,6%).

Tỷ lệ CASA của nhiều ngân hàng đã bắt đầu suy giảm kể từ quý 2/2022. Các nhà phân tích cho rằng việc lãi suất huy động liên tục tăng có thể khiến một lượng lớn tiền gửi từ tài khoản thanh toán dịch chuyển sang tài khoản tiết kiệm nhằm hưởng mức lãi suất cao hơn.

Một phần khác, tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng đã chạm mức trần tín dụng mà cơ quan quản lý đặt ra khiến người dân và doanh nghiệp ‘khát vốn’ buộc phải tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc chi tiêu.

Dù vậy, cuộc đua CASA tại các ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới khi VPBank và Techcombank mới đây đã tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức trần 1%/năm./.