Chuyên gia vũ khí Igor Korotchenko cho biết: "Tên lửa cho hệ thống Iskander có nhiều đặc tính kỹ thuật và chiến thuật bí mật... Bộ Quốc phòng Nga và tổ hợp chế tạo vũ khí đã không công khai các đặc tính kỹ thuật - chiến thuật của loại tên lửa mới. Sở dĩ phải như vậy bởi Nga không muốn một đối thủ tiềm tàng có thể nhận biết và chế tạo được các loại vũ khí có thể đối đầu với loại tên lửa này".
Bộ Quốc phòng Nga chỉ cho biết, tên lửa mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, theo tiên đoán của chuyên gia Korotchenko, hai yếu tố phát triển chính của loại tên lửa mới là khả năng tấn công chính xác cũng như khả năng đối phó với các hệ thống phòng thủ chống tên lửa và các hệ thống phòng không.
Ông Korotchenko thêm rằng, hệ thống tên lửa Iskander-M có thể được trang bị cả tên lửa đạn đạo lẫn tên lửa hành trình cho phép chúng trở nên linh hoạt hơn khi tìm diệt mục tiêu.
Trong khi đó, người đứng đầu Lực lượng Tên lửa của Nga – ông Aleksandr Dragovalovsky trước đó cũng cho biết, Bộ Quốc phòng nước này đang phát triển 4 tên lửa đạn đạo và 1 tên lửa hành trình cho hệ thống Iskander-M. Đợt thử nghiệm đầu tiên tiến hành vào ban đêm cho hệ thống này đã được tiến hành hồi tháng 11 vừa qua.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đây là loại tên lửa mới và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân dành cho hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander.
Iskander-M (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tân tiến của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn, được bắt đầu trang bị trong quân đội Nga từ năm 2006.
Iskander hiện có 2 phiên bản chính là Iskander-M (phiên bản cho quân đội Nga) và Iskander-E (phiên bản để xuất khẩu), ngoài ra còn có phiên bản mới nhất Iskander-K vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Iskander-M nguyên bản được trang bị 2 tên lửa hành trình một giai đoạn 9M723K1, có tầm bắn tới 400 km và có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.
Hệ thống Iskander-M có chiều dài 7,3 m, đường kính thân 0,92 m, khối lượng phóng 3.800-4.020 kg tuỳ thuộc loại đầu đạn. Tốc độ bay cao của tên lửa cho phép nó đột phá các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương. Tên lửa Iskander có thể bay theo một quỹ đạo thấp dưới 50 km.
Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander được thiết kế để phá hủy các loại vũ khí, khí tài, trung tâm thông tin - chỉ huy, máy bay chiến đấu đỗ tại sân bay, các trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các mục tiêu trọng yếu khác của đối phương ở mọi thời điểm và trong mọi điều kiện khí hậu thời tiết.
Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.
Tên lửa Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.
Tên lửa đạn đạo phóng đi từ hệ thống Iskander có thể đạt tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh). Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tổ hợp tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào. Hiện nay, tổ hợp tên lửa Iskander đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có các nước Trung Đông. Mỹ đang lo sợ các nước được coi là “kẻ thù bất trị” của họ sẽ có trong tay loại tên lửa tàng hình “vô đối” này.
Theo VnMedia