Nga “thượng đài” với Mỹ-NATO giành thế siêu cường

VietTimes -- Bắt đầu từ vụ Ukraine, Mátxcơva đã thuyết phục được các nhà hoạch định chính sách Mỹ rằng họ mới là người cần phải sợ việc chiến tranh leo thang hơn là Nga lo sợ việc Mỹ trả đũa. Điều này cũng đã đúng với tình hình ở Syria, nơi mà Mỹ không còn mạnh như trước..., Warontherock phân tích.
Binh sĩ Nga làm nhiệm vụ tại chiến địa Aleppo sau khi hoàn toàn giải phóng khỏi tay phiến quân
Binh sĩ Nga làm nhiệm vụ tại chiến địa Aleppo sau khi hoàn toàn giải phóng khỏi tay phiến quân

(tiếp theo kỳ trước)

Nga “đấu cờ siêu cường” với Mỹ-NATO ra sao

Chiến lược này được lặp đi lặp lại. Nó phản ánh cách người ta xác định tình hình rồi mới tìm ra biện pháp tốt nhất hướng đến mục tiêu. Về cả kinh tế và chính trị, Nga thường lạc hậu so với Tây Âu, nhưng Nga là một đối thủ xứng tầm trên nền chính trị quốc tế vì nước này sẵn sàng nắm bắt mọi lợi thế. Mátxcơva có thể thất bại và cố gắng lại một cách hoàn toàn thoải mái chỉ trong một chu trình  Mỹ ra quyết sách. Nhà tư tưởng quân sự phương Tây Clausewitz lừng danh đã nói rằng: “hành động nhanh rồi gặp sai lầm còn hơn là lưỡng lự cho đến lúc thời điểm hành động đã trôi qua”.

Câu trả lời điển hình của Mỹ đối với những cách tiếp cận này trước hết là bác bỏ, cuối cùng bày tỏ sự phẫn nộ. Về khía cạnh cạnh tranh cường quốc ở cấp độ lãnh đạo, thật khó khăn để thừa nhận rằng Mỹ là IBM, còn Nga là Apple.

Lợi thế của Mátxcơva là ít nặng về cấu trúc. Giảm thể chế hóa trong quá trình ra quyết sách, không có lợi ích đồng minh hạn chế hành động, không thiếu hình dung về khả năng. Nga có thể không được lợi lộc nhiều, nhưng Washington thì còn phải có những cuộc họp để cùng nhất trí với các đồng minh mỗi khi định thực hiện hành động đáp trả. Nga có thể còn gặp nhiều sai lầm, nhưng những việc nước này làm được trong hai năm qua lại ngược lại với lời tiên tri của Mỹ cho rằng Nga không có các chiến lược mang tính cạnh tranh trong cuộc đua địa chính trị.

Chiến tranh lai “trói tay” Mỹ

Trong số các cuộc chiến tranh mà các chuyên gia đề cập đến để làm rõ học thuyết quân sự của Nga, có một cuộc chiến thể hiện vấn đề trong việc phân tích, đó là “chiến tranh mơ hồ”. Gọi như vậy không phải vì cụm từ này thực sự miêu tả chiến tranh kiểu Nga, thực chất cụm từ này khá vô nghĩa về tính học thuyết. Tầm quan trọng của chiến tranh mơ hồ ở chỗ nó báo hiệu rằng Mỹ đang cố tìm cách lý giải hành động của Nga. Việc sử dụng thuật ngữ “chiến tranh lai” là biểu hiện rõ nhất của vấn đề này.

Nga đã thực hiện những việc khiến phương Tây không thể hiểu nổi, và phương Tây gọi đó là mơ hồ vì họ không thể tính toán hệ quả của những hành động này tác động đến lợi ích phương Tây và họ cũng không tìm được cách đáp trả phù hợp. Nga thâm nhập vào quá trình ra quyết sách của Mỹ, trong khi Mỹ lại bỏ thời gian để nghĩ ra những cách mô tả chiến tranh của Nga. Như ông Putin đã nói cách đây khá lâu, “kẻ yếu phải bị đánh bại”. Nhưng kẻ mạnh cũng có thể bị đánh bại nếu hành động ngu ngốc.

Khi bên đối thủ che mắt được bạn, họ trì hoãn việc bạn ra quyết định và câu giờ để giành thắng lợi. Nếu một đối thủ đang theo đuổi chiến lược mới, họ cần thời gian để sửa chữa những khởi đầu thất bại và tìm phương pháp phù hợp. Điều này chẳng hề gây tổn thất nhiều khi các cơ quan ra chính sách của Mỹ vẫn còn bận vò đầu bứt tai.

Khi bộ binh và lực lượng đặc nhiệm Nga triển khai quân đến Crimea, Mỹ đã hạ mức quan hệ ngoại giao với suy nghĩ rằng Nga sẽ muốn đàm phán về một số dạng thức tự trị cho khu vực này hoặc tìm cách ổn định cuộc xung đột. Nhưng không gì có thể ngăn cản Nga sáp nhập Crimea. Tuy nhiên người ta vẫn nên quay trở lại xem xét thời điểm Mỹ cho rằng Nga đang mong đợi các biện pháp rút lui nhằm giữ thể diện.

"Những người lịch sự" xuất hiện trong chiến dịch Nga sáp nhập bán đảo Crimea
Quân đội Nga đã được hiện đại hóa và khôi phục sức mạnh trong những năm gần đây
Quân đội Nga đã được hiện đại hóa và khôi phục sức mạnh trong những năm gần đây

Theo Warontherock, xem ra Mỹ vẫn chưa rút được kinh nghiệm. Mỹ vẫn lặp lại điều này nhiều lần ở Syria với suy nghĩ rằng Mátxcơva muốn rút lui bằng con đường đàm phán và có thể đem đến một thỏa thuận ngừng bắn từ Syria và Iran. Nhưng sự thật hóa ra là Nga chỉ tạm trì hoãn để đạt được lợi ích đến khi Aleppo sụp đổ và tất cả những lực lượng nhằm thay thế ông Assad đã bị quét sạch khỏi chiến trường.

Mỹ hầu như là một cường quốc được giữ nguyên trạng từ xưa đến nay (trừ những gì mà nước này xây dựng ở nước ngoài). Việc Mỹ mua chuộc những vùng xung quanh Nga từ sau Chiến tranh lạnh đến nay khá là hời hợt, chủ yếu là vì ý thích của lãnh đạo hơn là động cơ của chính sách quốc gia. Trong trường hợp ở Ukraine, Mỹ không thực sự hành động gì ở đây cả. Trong tất cả những vụ xung đột, lợi ích của Nga đều lớn hơn rất nhiều, và Mátxcơva cũng có khả năng leo thang chiến tranh để theo đuổi những lợi ích đó.

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine và Syria, Nga có lợi ích nhiều hơn trong các trận đấu này, trong khi Mỹ chỉ tìm cớ để biện minh cho việc không làm gì cả. Chiến lược của Nga là khiến siêu cường duy nhất là Mỹ không thể hiện được gì trong cuộc đối đầu. Và đó là tất cả những gì về chiến dịch mà Bộ Quốc phòng Mỹ gọi là “giai đoạn 0”. Tóm lại, Nga định hình môi trường thực tế đến mức sau đó các cơ quan ra chính sách của Mỹ sẽ chọn cách không đối đầu, và cùng lúc đó Nga có thể thực hiện các tính toán đe dọa đến lợi ích của Mỹ, thực tế trên chiến trường sẽ là khiến việc đáp trả bằng can thiệp trở nên không thực tế. 

Ở giai đoạn đầu khi Nga can thiệp vào Syria, các quan chức Nhà Trắng đều tự thuyết phục mình rằng quân đội Nga cuối cùng sẽ sa vào vũng lầy, và rốt cuộc sẽ cầu xin Mỹ xem xét lại chính sách thay vì chỉ ngồi nhìn Nga thất bại. Tuy nhiên các quan chức Mỹ chỉ tự lừa dối chính mình để biện minh cho các chính sách của Mỹ trong cuộc xung đột.

Theo Warontherock, các nhà lãnh đạo Nga không cần các biện pháp giữ thể diện hay hạ mức quan hệ. Thể diện của Nga có thể lấy lại được, nhưng vị thế của Mỹ trên trường quốc tế thì có thể không. Vụ bê bối tấn công mạng của Mỹ, cũng không khác mấy so với lần Nga sáp nhập Crimea hai năm trước. Trong khi đó, ông Obama vẫn một lần nữa trấn an nước Mỹ rằng Nga là một nước yếu, đang dần suy thoái và không tạo ra được thứ gì đáng giá cả.

Giành lấy sự thống trị

Trên lý thuyết giấy tờ, Nga yếu hơn Mỹ rất nhiều, nhưng về so sánh trong thực tế đối đầu thì còn phải tùy hoàn cảnh và vị trí địa lí. Sức mạnh của Mỹ sẽ ngày càng giảm khi tiến gần đến biên giới của Nga. Mục tiêu của Nga ở mỗi lần thử thách là buộc Mỹ phải đưa ra một lựa chọn đơn giản: chấp nhận nguy cơ căng thẳng leo thang hoặc trừng phạt hành vi của Nga trên trường quốc tế với hy vọng ngăn chặn được việc lặp lại hành động như vậy. Có nhiều cách khác nhau để Mỹ ra quyết định trong tình huống này, nhưng chìa khóa của tất cả các cách đó phải là kiềm chế được sự leo thang.

Sự mơ hồ khiến cho các tổn thất chính trị có vẻ ít hơn và việc không hành động cũng trở nên hấp dẫn như leo thang chiến tranh. Một cách tiếp cận khác là răn đe thông qua sự triển khai quân ở cấp độ lớn để đe dọa cùng với sự leo thang nhanh chóng, Nga đã từng thực hiện cách này khi triển khai khoảng 40.000 quân ở biên giới Ukraine trong tháng 5/2014. Quả thực, hoạt động ở Crimea được hưởng lợi từ sự mơ hồ về ý đồ dựng lên một nhà nước theo mong muốn của Nga và lời đe dọa về một cuộc xâm lược.

Các cơ quan quyết định chính sách thường chuẩn bị đương đầu với chiến tranh. Điều này đặc biệt đúng với Washington, nơi mọi người nghĩ rằng Nga đang thực hiện lại những gì họ từng làm. Do đó, nhiều người cho rằng miền đông Ukraine sẽ trở thành địa điểm tái diễn vụ Crimea, nhưng thực tế hai hoạt động này hoàn toàn khác nhau.

Bắt đầu từ vụ Ukraine, Mátxcơva đã thuyết phục được các nhà hoạch định chính sách Mỹ rằng họ mới là người cần phải sợ việc chiến tranh leo thang hơn là Nga lo sợ việc Mỹ trả đũa. Điều này cũng đã đúng với tình hình ở Syria, nơi mà Mỹ không còn mạnh như trước và điều này cũng có thể thấy rõ qua việc ông Obama đã lưỡng lự không dám thực hiện những hành động chống lại Nga trong vụ cáo buộc tấn công mạng trong cuộc bầu cử vừa qua.

Phi công Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria
Phi công Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria
Nga triển khai nhiều hệ thống tên lửa phòng không S-400, S-300 tại chiến trường Syria
Nga triển khai nhiều hệ thống tên lửa phòng không S-400, S-300 tại chiến trường Syria khiến Mỹ và liên quân không dám manh động
Trực thăng chiến đấu Nga tại căn cứ Hmeimim, Syria
Trực thăng chiến đấu Nga tại căn cứ Hmeimim, Syria

Điều này là biểu hiện của việc thấm nhuần niềm tin rằng lợi ích Mỹ chỉ được bảo đảm một cách tốt nhất khi đứng ngoài và trừng phạt Nga thông qua các lệnh trừng phạt, cô lập về chính trị và thúc đẩy vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Tình huống này có vẻ như tốt cho cả hai bên vì nó giúp Mỹ khỏi đối đầu với Nga về các vấn đề mà Nga quan tâm nhiều nhất và tránh căng thẳng leo thang theo hướng không có lợi cho Mỹ.

Thật không may rằng đây không phải là chiến lược mà Mỹ sẵn sàng lựa chọn mà là Nga đã lựa chọn cho Mỹ. Mỹ sẽ không bị tổn hại đến lợi ích quốc gia, miễn là nếu Mỹ  không phiền khi để Nga giành được một số thứ trong cuộc đối đầu. Nhưng phải hiểu rằng một khi Mỹ đã thiết lập quan hệ bình thường đó, Nga có thể sẽ muốn giành được nhiều hơn. Việc tham chiến vì những thứ mình không thực sự quan tâm rõ ràng là hành động chẳng hề khôn ngoan, nhưng việc để các cường quốc bảo đảm được lợi ích của họ mà lại phương hại đến lợi ích của mình thì lại càng chẳng lấy gì làm khôn ngoan.

Lờ Nga đi

Cho dù rất dễ để chỉ trích về sự đối phó của chính quyền ông Obama với Nga trong những năm gần đây, nhưng có lẽ cũng sẽ không công bằng khi phản bác lại mọi lựa chọn khó khăn mà họ phải đối mặt. Thực tế thì không phải chính quyền Obama làm gì cũng sai. Chẳng hạn như chính quyền Obama đã thúc đẩy Nga thực hiện được một số việc theo lợi ích của Mỹ trong quá trình tái thiết quan hệ  ( Hiệp ước New START, mạng lưới phân phối phía bắc đáp ứng nguồn cung của NATO cho chiến trường Afganistan, các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran, trì hoãn việc bán hệ thống phòng thủ S-300 cho Iran, bỏ phiếu trắng cho quyết nghị về Libya ở Hội đồng Bảo an LHQ, hợp tác chống khủng bố,…) và đổi lại thì cho Nga rất ít. Một nước Nga “nổi loạn” có vẻ là sự phát triển tất nhiên sau nhiều thập kỷ bị kìm nén và do những chiến thắng về chính sách đối ngoại cố chấp của Mỹ đối với Nga.

Thật không may, Mỹ lại phải rất khó khăn mới nhận ra rằng đoàn tàu địa chính trị sau Chiến tranh lạnh đã kết thúc. Nền địa chính trị của thế kỷ XIX đã quay trở lại. Vấn đề không chỉ là Nga đang nổi loạn chống lại trật tự thế giới. Mà trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo và thời kỳ đơn cực của đế chế Mỹ đã chấm dứt. Nếu ai không tin thì hãy cứ chờ xem, rồi Trung Quốc sẽ cho cả thế giới thấy. Mátxcơva là nước tích cực lèo lái sự chuyển giao này, nhưng đồng thời đó cũng là một triệu chứng của sự hỗn loạn đang ngày càng gia tăng và một thế giới đa cực đang trỗi dậy. Mỹ có thể thích ứng để duy trì sự vượt trội hoặc có thể bị kéo vào một thời kỳ đấu đá lẫn nhau. Rõ ràng là xu hướng thứ hai đang xảy ra.

Ông Putin đã đưa nước Nga trở lại vũ đài chính trị thế giới
Ông Putin đã đưa nước Nga trở lại vũ đài chính trị thế giới

Theo Warontherock, Mỹ cần phải thông minh hơn trong một thế giới nơi mà khả năng khống chế các sự kiện của Mỹ rõ ràng đã bị mai một. Khiếm khuyết lớn nhất của cộng đồng ra chính sách của Mỹ là có những thành kiến nhận thức về Nga và về sức mạnh thật sự của Mỹ trong những cuộc xung đột. Chính quyền Obama chỉ tập trung đối phó với Nga để bảo vệ các lợi ích sống còn và bảo vệ đồng minh mà không làm gì ở Ukraine và Syria, nơi mà họ đã tự coi là tay trái. Những phán đoán sai lầm được xây dựng dựa trên giả định rằng Nga sẽ tự chuốc lấy thất bại và buộc phải quay trở về.

Mỹ không thể đi con đường đã lỗi thời khi nhìn nhận về Nga và thế giới. Có một khoảng cách chiến lược rất lớn. Mỹ đang tự dối mình. Mỹ không có được một nước Nga như mình mong muốn, và kể từ năm 2012, Mỹ đã tự huyễn hoặc mình rằng nước Nga của ông Putin sẽ tự thất bại và sẽ lại bị thay thế bởi một nước Nga yếu đuối trước đây.

Không có lựa chọn nào dễ dàng ở đây. Thứ duy nhất khó hơn việc đàm phán với Nga là phớt lờ nước này. Chính quyền ông Trump sẽ làm tốt nếu nhận thức được những định kiến từng khiến nước Mỹ bị Nga “qua mặt” trong những năm gần đây và sẽ bắt đầu hình thành một chiến lược đối phó với Nga với ký ức về những thất bại. Mỹ sẽ quay trở lại cuộc chơi.