Các nhà lập pháp tuyên bố rằng điều luật này (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2020) sẽ giúp các công ty công nghệ Nga cạnh tranh hơn với các đối tác phương Tây và sẽ cho người tiêu dùng quyền sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước.
Luật này được đưa ra khi Nga đang tăng cường kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Vào đầu tháng 11 năm nay, một dự luật được gọi là “Internet có chủ quyền” của Nga có hiệu lực. Nó giúp cho chính phủ Nga kiểm soát được việc truy cập trên internet của Nga. Đầu năm nay, theo yêu cầu của chính phủ Nga, Google đã bắt đầu xóa các trang web không phù hợp khỏi các tìm kiếm của mình. Chính quyền cũng đã cố gắng (với thành công hạn chế) để cấm Telegram ở nước này sau khi dịch vụ nhắn tin từ chối trao khóa mã hóa.
Chính phủ Nga vẫn chưa đưa ra một danh sách đầy đủ các thiết bị cần phải cài đặt phần mềm của Nga, cũng như phần mềm cụ thể nào do Nga sản xuất được cài đặt trên các thiết bị đó. Đầu năm nay, Reuters đã đưa tin rằng hãng Mail.ru đang thảo luận với Huawei về việc cài đặt trước phần mềm của họ trên điện thoại của hãng.
Mặc dù các thiết bị vẫn sẽ được phép đi kèm với phần mềm từ các nhà cung cấp phần mềm không phải của Nga, nhưng có những lo ngại rằng động thái này có thể khiến một số công ty rời khỏi thị trường Nga. Hiệp hội các công ty thương mại và nhà sản xuất thiết bị điện và máy tính gia đình (RATEK) nói rằng đơn giản là không thể cài đặt phần mềm do Nga sản xuất trên một số thiết bị, và các nhà sản xuất của họ có thể rời khỏi thị trường thay vì nỗ lực tuân thủ với luật mới.