Nga- Thổ “bên miệng hố chiến tranh” sau vụ bắn hạ Su-24

Chớ phạm sai lầm: Chiến dịch không kích của Nga sẽ được ồ ạt tăng cường leo thang tình hình, đặc biệt nếu quân đội Mỹ dính líu vào vụ việc, cây viết Dave Majumda nhận định trên National Interest. Trong khi Ria Novosti gọi vụ bắn hạ Su-24 là “hành động chiến tranh”.
Sự cố bắn hạ máy bay Su-24 khiến quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hết sức căng thẳng
Sự cố bắn hạ máy bay Su-24 khiến quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hết sức căng thẳng

Theo Majumda, sự cố Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga ở biên giới Syria khiến tình hình căng thẳng tồi tệ đi một cách nguy hiểm, không chỉ tại khu vực Trung Đông mà còn giữa Nga và phương Tây.

Hai máy bay tiêm kích Martin F-16C của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi Su-24 bằng tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM. Đoạn phim về sự việc của hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho thấy hai phi công Nga đã nhảy dù (một đã bị phiến quân người Thổ bắn chết dã man, người còn lại đã được quân đội Syria cứu thoát).

Trong khi Ankara nói máy bay Nga đã vi phạm không phận nước này, Nga lập tức bác bỏ. Moscow tuyên bố các bằng chứng cho thấy máy bay Su-24 vẫn đang hoạt động bên phía biên giới Syria.  Bộ Quốc phòng Nga khẳng định không quân Thổ đã bắn hạ trái phép Su-24. “Su-24 Nga đã tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi trên đường trở về căn cứ không quân Hmeymim thuộc lãnh thổ nước cộng hòa Arab Syria. Các phân tích dữ liệu giám sát đã cho thấy rõ ràng máy bay Nga không hề vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phản ứng trước sự cố đầy giận dữ, gọi đó là “hành động đâm sau lưng” của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng lõa với khủng bố. Ông Putin nhấn mạnh rằng việc bắn hạ máy bay Nga sẽ không thể không bị trừng phạt, nhưng chưa rõ Moscow sẽ đáp trả ra sao.

“Chúng tôi tất nhiên sẽ phân tích một cách thận trọng về điều đã xảy ra và sự kiện bi thảm ngày hôm nay sẽ có những hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bất cứ tình huống nào, dù sao máy bay và phi công của chúng tôi không hề đe dọa Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Putin quả quyết.

Một trong những động thái ngay lập tức là Ngoại trưởng Sergei Lavrov hủy chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng đã triệu tập tùy viên quân sự Thổ sau khi Ankara triệu tập đại sứ Nga về vụ việc.  Phát ngôn viên Bộ chỉ huy trung ương Mỹ Col Steve Warren cho biết, Mỹ đang dựng lại chính xác thời gian và địa điểm chiếc máy bay bị bắn hạ.

Hãng tin Ria Novosti dẫn lời Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 25/11 tuyên bố sẽ dừng những dự án chung quan trọng, và các công ty Thổ Nhĩ Kỳ có thể mất thị phần ở Nga. Chính phủ Nga cũng vừa đưa ra khuyến cáo người dân không đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là một điểm đến của rất đông người Nga. Hãng lữ hành Natali Tours lớn nhất của Nga đã hoãn tất cả các chương trình đưa khách sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga đã triển khai hệ thống tên lửa S-400 tối tân đến chiến trường Syria
Nga đã triển khai hệ thống tên lửa S-400 tối tân đến chiến trường Syria

Nếu như một cuộc xung đột nổ ra phía trước, đó sẽ là hành động quân sự rất nghiêm trọng. Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều là những cường quốc quân sự. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu 650 chiến đấu cơ hiện đại bao gồm F-16C/D,  F-4 Phantoms nâng cấp và máy bay cảnh báo sớm 737-AWACS. Lực lượng này thừa sức quét sạch lực lượng viễn chinh quy mô nhỏ của Nga tại Latakia vì Moscow hầu như chỉ triển khai một nhóm máy bay và hệ thống phòng không tối thiểu.

Thổ Nhĩ Kỳ còn có một lực lượng hải quân đáng gờm gồm 16 tàu hộ vệ, 8 chiến hạm hạng nhé và hơn 10 tàu ngầm điện-diesel. Ankara có thể cô lập Hạm đội Biển Đen Nga khỏi Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể viện dẫn điều 5 của khối NATO để nhận được sự bảo vệ (nhưng việc đó có thể không được áp dụng cho tình huống này).

Tất nhiên, Nga là một cường quốc rất mạnh. Nga có thể phát động các cuộc tấn công trả đũa vào các căn cứ không quân và hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Bao gồm các căn cứ không quân tại Konya hay Diyarbakir nằm gần biên giới Syrian. Những căn cứ này có thể là nhà của hai máy bay F-16 đã bắn hạ máy bay Nga. Nga sẽ không phải lo lắng quá nhiều về việc hủy diệt hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ - nước vốn chủ yếu dựa vào các khẩu đội tên lửa Hawk và Rapier đã cũ và các hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ được triển khai tại khu vực.

Đúng như dự báo, Ngoài việc tuần dương hạm Moskva được lệnh đưa hệ thống S-300 phiên bản hải quân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, Nga còn lập tức thông báo triển khai hệ thống tên lửa tối tân nhất S-400 đến chiến trường Syria. Điều đó có nghĩa tất cả các phương tiện bay không phải của Nga trong bán kính 250km từ sân bay Latakia đều có thể nằm trong “tầm ngắm” của tên lửa phòng không Nga. Không chỉ thế, Nga đã cắt đứt liên lạc quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố điều các máy bay chiến đấu hộ tống máy bay không kích tại Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO và trong đầu người Nga bây giờ đã găm chặt ý nghĩ: một nước NATO vừa tấn công nước Nga. Hãng thông tấn Ria Novosti đã gọi việc Thổ bắn hạ cường kích Su-24 là “hành động chiến tranh” với nước Nga.

Ông Alexei Mukhin, tổng giám đốc Trung tâm thông tin chính trị, một tổ chức nghiên cứu thân thiết với Kremlin nhận định: “Hiện nay, người Thổ có thể không quá vui mừng về việc họ dính vào sự cố này. Nếu như máy bay bị bắn hạ khi đang bay trên lãnh thổ Syria, đó là lý do để tuyên chiến”.

Theo ông Mukhin, Thổ Nhĩ Kỳ là người hưởng lợi chính và là khu vực trung chuyển dầu khai thác lậu bởi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). “Những kẻ chỉ trích chúng ta (Nga) sẽ hả hê, hãy nhớ rằng Lầu Năm Góc đã cảnh báo rằng Nga sẽ phải đối mặt với những tổn thất nghiêm trọng. Trên mạng xã hội, cái gọi là cánh tự do không thể che giấu được sự thỏa mãn. Thật đáng hổ thẹn cho họ”, ông nói.

Nhiều nhà phân tích nhận định, sự cố bắn hạ Su-24 nếu không có giải pháp hạ nhiệt sẽ đẩy cuộc xung đột Syria vào một vòng xoáy leo thang cực kỳ nguy hiểm.

Theo QPAN