Nga tăng mua vàng, quyết giảm sự phụ thuộc vào đồng USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Quỹ Tài sản nhà nước của Nga sẽ tăng mua vàng và cắt giảm 40 tỉ đồng USD khỏi danh mục đầu tư của họ, trong bối cảnh căng thẳng với Washington.
Nga tiếp tục có động thái mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD (Ảnh: RT)
Nga tiếp tục có động thái mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD (Ảnh: RT)

Ông Anton Siluanov, Bộ trưởng Tài chính Nga, nói rằng Quỹ Tài sản nhà nước sẽ giảm tỷ lệ đồng USD xuống còn 0% ngay trong tháng này. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, ông cho hay tiến trình này sẽ “đủ nhanh” và giống như một động thái của ngân hàng trung ương Nga nhằm giảm lượng tài sản dưới dạng USD.

Theo kế hoạch này, tỷ trọng đồng USD trong Quỹ Tài sản nhà nước Nga sẽ giảm từ 35% xuống còn 0%, trong khi các tài sản nắm giữ bằng đồng Euro của châu Âu và NDT của Trung Quốc sẽ tăng lên 40% và 30% theo thức tự. Tỷ trọng đồng bảng Anh sẽ bị cắt giảm một nửa, từ 10% xuống 5%, trong khi sẽ tăng cường dự trữ bằng vàng, cụ thể là 20%.

Phát biểu trong cùng ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskove đã ủng hộ quyết định trên, nói rằng “tiến trình phi đôla hóa là không thay đổi. Trên thực tế, giờ nó là một tiến trình rất rõ ràng”. Ông thêm rằng tiến trình độc lập tài chính khỏi Washington “đang diễn ra không chỉ ở đất nước chúng ta, mà còn ở nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới. Nhiều nước đã bắt đầu cảm thấy nhiều quan ngại về sự đáng tin cậy của đồng tiền dự trữ chính này”.

Tháng 4 năm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin phát biểu trước báo giới rằng, căng thẳng chính trị giữa Washington và các nước khác đang làm ảnh hưởng tới lòng tin đối với đồng USD. Ông cho rằng, việc áp đặt các lệnh trừng phạt cùng một chính sách kinh tế khó lường của Mỹ “đã làm dấy lên câu hỏi về sự đáng tin và thuận tiện khi sử dụng đồng tiền của Mỹ như đồng tiền được ưu tiên trong các giao dịch”.

Kết quả là nhiều quốc gia giờ “buộc phải đưa ra các biện pháp đối phó với rủi ro tổn thất kinh té và những giao dịch gây tranh cãi”, theo ông Pankin. Bởi vậy, ngày càng có nhiều nước quan tâm hơn tới việc phát triển các cơ chế thay thế. Sử dụng các đồng tiền khác trong thương mại giờ đang ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Nga hiện là nước đi đầu trong việc tránh sử dụng đồng USD như đồng tiền chính trong các giao dịch và thương mại. Tháng 6 năm ngoái, ông Sergey Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Moscow, SVR, nói rằng “điều khá hoang mang là dường như Mỹ tiếp tục là bên nắm giữ đồng tiefn dự trữ chính, trong khi lại hành xử hung hăng và khó lường”. Ông thêm rằng “vị trí độc quyền của đồng USD trong quan hệ kinh tế đã trở nên lỗi thời. Dần dần, đồng USD sẽ trở nên độc hại”.