Nga dọa rút khỏi “Hiệp ước Bầu trời Mở” ngay trong tháng sau nếu Mỹ không gia nhập lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –Nga sẽ tiếp bước Mỹ và rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở trong tương lai gần, có khả năng ngay trong tháng 5, trong bối cảnh Moscow nghi ngờ các đồng minh của Washington đang chia sẻ thông tin với tình báo Mỹ.

Một máy bay Tu214OS của Nga tại Kazan (Ảnh: Sputnik)
Một máy bay Tu214OS của Nga tại Kazan (Ảnh: Sputnik)

Phát biểu tại Vienna trong cuộc họp về an ninh quân sự hôm 27/4, ông Konstantin Gavrilov – người đứng đầu phái đoàn Nga về kiểm soát vũ trang – nói rằng nhiều bên khác của Hiệp ước Bầu trời Mở đã phớt lờ những quan ngại mà Moscow nêu ra.

Tháng 5/2020, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Động thái trên được xác nhận chỉ 6 tháng sau đó, tức vào tháng 11 cùng năm.

Được ký trong năm 1992, hiệp ước này được xem như một biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên sau Chiến tranh Lạnh. Nó có hiệu lực sau đó một thập kỷ, và cho phép mộtbên ký kết được triển khai các chuyến bay phi vũ trang tới lãnh thổ của các nước thành viên của hiệp nước, cũng có nghĩa rằng các bên có thể công khai theo dõi lẫn nhau mà không làm tăng căng thẳng.

Khi Mỹ không còn là một phần của hiệp ước, Nga muốn có sự đảm bảo của các nước thành viên còn lại – các nước cũng là thành viên của NATO – rằng họ sẽ không chia sẻ dữ liệu với Mỹ.

“Những quan ngại của chúng tôi không được quan tâm và thậm chí còn không được đả động tới” – ông Gavrilov nói – “Chúng tôi về nguyên tắc đã thể hiện sự sẵn sàng giải quyết những vấn đề này, trong đó bao gồm cả quan ngại của Nga và các nước đối tác”.

Tuy nhiên, ông Gavrilov nhấn mạnh rằng “thảo luận thực chất” chỉ có được sau khi Mỹ tuyên bố “một cách rõ ràng” rằng họ sẽ trở lại hiệp ước này.

Tháng 1 năm nay, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ khởi động quy trình trong nước để rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Trong một tuyên bố, họ nhấn mạnh rằng quyết định trên được đưa ra do “thiếu bước tiến trong các vòng đàm phán về sự duy trì hiệp ước dưới tình hình mới”.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Moscow muốn tiếp tục duy trì hiệp ước nếu có thể, nhưng chỉ khi Mỹ gia nhập lại.

“Chúng tôi không thể hiểu nổi liệu người Mỹ có trở lại thỏa thuận này hay là không” – ông Lavrov nói – “Chúng tôi kỳ vọng vấn đề này được làm rõ một cách nhanh nhất…chúng tôi không muốn chờ đợi mãi”.

34 quốc gia hiện là thành viên của hiệp ước này, trong đó có hầu hết các nước thành viên của EU. Ban đầu, hiệp ước này được Tổng thống Mỹ Dwight D.Eisenhower đề xuất với Liên Xô vào năm 1955, nhưng bị Moscow bác bỏ. Hiệp ước cuối cùng được ký tại Helsinki 37 năm sau đó, và phải một thập kỷ sau mới bắt đầu có hiệu lực.