|
Ảnh chụp màn hình |
Đầu tháng 12/2019, Vingroup phát đi thông báo cho hay đã thống nhất với Masan về việc hoán đổi cổ phần của Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.
Theo đó, các bên dự kiến sáp nhập VinCommerce (bán lẻ), VinEco (nông nghiệp) và Masan Consumer Holdings (tiêu dùng) để tạo thành một tập đoàn bán lẻ - hàng tiêu dùng. Trong đó, Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Đáng chú ý, công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart+ tại 50 tỉnh thành - một trong những chuỗi bán lẻ đã có vị thế trên thị trường của Tập đoàn Vingroup sau nhiều năm đầu tư phát triển.
Tiếp đó, ngày 18/12, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin về việc Tập đoàn Vingroup sẽ tiến hành giải thể chuỗi siêu thị điện máy VinPro và tiến hành sáp nhập trang thương mại điện tử Adayroi vào VinID. Thời hạn hoàn tất là hết tháng 12/2019.
Năm 2015, Vingroup đánh dấu việc gia nhập thị trường bán lẻ công nghệ bằng việc chính thức cho ra mắt Hệ thống Trung tâm công nghệ - điện máy mang thương hiệu VinPro, với 2 mô hình kinh doanh.
Trong đó, VinPro là các Trung tâm Công nghệ - Điện máy, tọa lạc tại tất cả các trung tâm thương mại thuộc hệ thống Vincom. Còn VinPro+ là chuỗi cửa hàng công nghệ tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm rưỡi đi vào hoạt động, VinPro đã phải thực hiện thay đổi chiến lược. Dù vậy, chuỗi bán lẻ công nghệ của Vingroup vẫn không đạt được nhiều thành tựu.
Sàn thương mại điện tử Adayroi được Vingroup “sắp xếp” lại bằng việc cho sáp nhập vào ứng dụng VinID nhằm nâng cấp mảng thương mại điện tử thành mô hình "New Retail" – kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và trực tuyến dựa trên công nghệ số (O2O).
Trước đó, đơn vị vận hành Adayroi là VinCommerce có thông báo với các nhà cung cấp sẽ dùng bán hàng trên sàn giao dịch điện tử từ 18h ngày 17/12 (còn gọi là ngày “cut-off”).
Toàn bộ các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ của các nhà cung cấp kinh doanh trên website theo hợp đồng đã ký kết trước đó sẽ được dừng bán và phân phối đến khách hàng.
Các hàng hóa, dịch vụ đặt mua thành công trên website trước ngày cut-off vẫn được giao và áp dụng chính sách hoàn, hủy, đổi trả theo đúng thỏa thuận. Bên cạnh đó, toàn bộ nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng VinCommerce với nhà cung cấp sẽ kết thúc trước ngày 15/1/2020.
Việc Vingroup "giữ lại" Adayroi cũng có một số điểm đáng lưu ý. Bởi lẽ, theo báo cáo ngành bán lẻ của một công ty phân tích, những chuỗi bán lẻ hiện đại đang gặp áp lực khi phải cạnh tranh với xu hướng mua hàng trực tuyến.
Theo số liệu của công ty phân tích này, cơ cấu dân số của Việt Nam có rất nhiều yếu tố để giúp mảng này có thể tăng trưởng hơn 20%/năm trong vòng tối thiểu 5 năm tới. Hiện, trung bình 1 tháng tiêu dùng cho thương mại điện tử 1 người mới chỉ dừng ở mức 700 nghìn đồng.
Những công ty có cả chuỗi cửa hàng trên toàn quốc và cả kênh bán lẻ trực tuyến sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn tại Việt Nam - gọi là hình thức omni channel./.