Với lý do vụ cáo buộc Nga đầu độc Skripal, Washington đã áp dụng các lệnh trừng phạt với Moscow và đe dọa sẽ có thêm các lệnh trừng phạt mới. Nhưng sự bế tắc này có vẻ sẽ không biến thành một cuộc chiến kinh tế toàn diện.
Đang có thêm những lệnh trừng phạt của Mỹ trút xuống đầu Nga. Những lệnh trừng phạt mới nhất có hiệu lực vào tuần trước do vụ Nga bị cáo buộc đã đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal. Đây chỉ là lệnh mới nhất trong một loạt các biện pháp Mỹ dùng để trừng phạt nước Nga của ông Putin vì những hành động mà phương Tây coi là "các hoạt động ác ý" quanh thế giới. Danh sách các hoạt động này ngoài vụ Skripal còn bao gồm việc Nga sáp nhập Crimea và cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ với Nga là khoảng 10 tỷ USD.
|
Nhưng dù là vũ khí trung tâm trong "cuộc Chiến Tranh Lạnh mới" chống lại Nga, những lệnh trừng phạt không khiến cho Moscow có bất cứ hành động nhượng bộ lớn nào. Với sự phục hồi của nền kinh tế Nga cùng sự phụ thuộc của các nước phương Tây vào nguồn cung dầu khí của Nga, Moscow sẽ không nhượng bộ gì trong một tương lai gần.
Moscow và sự thách thức
Gói trừng phạt được chính quyền tổng thống Trump đưa ra sẽ hủy bỏ các khoản cho vay của Mỹ, dừng những hỗ trợ tài chính và cấm xuất khẩu các mặt hàng an ninh nhạy cảm, công nghệ và vũ khí.
Những biện pháp này được đưa ra để trừng phạt Moscow với cáo buộc đã âm mưu ám sát cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal cùng với con gái ông là Yulia, được đưa vào viện sau khi phơi nhiễm với một loại chất độc thần kinh kiểu Nga tại Salisbury, Anh quốc vào tháng 3 vừa qua. Anh khẳng định cáo buộc này một cách mạnh mẽ mặc dù không đưa ra được bất cứ bằng chứng thuyết phục nào về việc Nga đứng sau những âm mưu ám sát. Như thường lệ, Moscow phản ứng với các lệnh trừng phạt mới bằng thái độ thách thức.
Anh cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal mà không đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào. Mỹ sử dụng vụ việc này để áp đặt lệnh trừng phạt với Nga.
|
Nga phủ nhận các cáo buộc và xác định các biện pháp trừng phạt của Mỹ là "bất hợp pháp". Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã có giọng điệu cứng rắn, một lần nữa chỉ ra những cáo buộc của Mỹ thiếu chứng cứ thuyết phục, chỉ rõ vụ Skripal là "một cái cớ" được chính quyền tổng thống Trump sử dụng để giáng đòn trừng phạt mới vào Nga. Phát ngôn viên của Kremlin Dmitry Peskov nói rằng chính phủ Nga đã xác định những hậu quả có thể xảy ra của những lệnh trừng phạt mới, đảm bảo với công chúng rằng những biện pháp trả đũa "phù hợp nhất với lợi ích của Nga" sẽ được sử dụng.
Bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Kiểm soát và chấm dứt sử dụng vũ khí sinh hóa năm 1991, theo Mỹ Moscow cần chứng minh Nga sẽ không sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai bằng cách cho phép các quan sát viên quốc tế vào thanh tra trên đất Nga. Nếu Moscow từ chối tuân theo, những lệnh trừng phạt khắt khe hơn sẽ được tiếp tục thực hiện vào tháng 11. Chúng bao gồm những lệnh cấm chung về thương mại, cắt bỏ những quan hệ ngoại giao và cấm các hãng vận tải Nga như Aeroflot hạ cánh trên lãnh thổ Mỹ.
Khả năng cao Moscow sẽ không đồng ý với yêu sách của Mỹ, điều mà Bộ Ngoại giao Nga đã xác định là "không thể chấp nhận được". Bà Zakharova phản ứng mạnh mẽ: "Sử dụng ngôn ngữ tối hậu thư với Nga là vô ích... Mọi người đều biết rằng năm ngoái Nga đã hoàn toàn tiêu hủy kho vũ khí hóa học của mình" chiểu theo những hiệp ước liên quan.
Ảnh hưởng về mặt kinh tế
Vậy những lệnh trừng phạt mới tác động thế nào tới nền kinh tế Nga?
Theo đánh giá của tập đoàn Moody, với việc Nga phụ thuộc rất ít vào nhập khẩu của Mỹ - chỉ 5,5% hàng hóa Nga do Mỹ nhập khẩu, vòng trừng phạt này sẽ không gây ra hậu quả đáng chú ý. Hơn nữa những lệnh trừng phạt có hiệu lực với những sự từ bỏ đáng chú ý với an ninh quốc gia Mỹ. Những sự từ bỏ này ảnh hưởng tới các lĩnh vực như hàng không dân dụng, hợp tác trong không gian của chính phủ và các giao dịch với những công ty nhà nước của Nga.
Với những vấn đề như vậy, tác động xấu đến từ các lệnh trừng phạt là ở mặt ngoài chứ không phải là ở bản chất của chúng. Với băn khoăn lo ngại về sự không ổn định của thị trường Nga, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã giảm hơn 50% vào nửa đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay khi các lệnh trừng phạt mới được tuyên bố vào đầu tháng 9, đồng rúp đã hạ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, còn thị trường chứng khoán Nga thì tuột dốc.
Tranh biếm họa về ảnh hưởng kinh tế của EU và Nga sau khi Mỹ và châu Âu áp dụng các lệnh trừng phạt.
|
Nhà phân tích tại công ty chứng khoán Veles, Yelena Kozhukhova cho rằng: "Những lệnh trừng phạt tài chính tạo ra mối nguy nghiêm trọng nhất với thị trường Nga và tâm trạng của các nhà đầu tư. Nếu chúng được áp dụng, thị trường chứng khoán và đồng rúp sẽ bị đánh trúng một lần nữa".
Nhà kinh tế học Oleg Buklemishev nói rằng môi trường bất ổn định do các lệnh trừng phạt tạo ra là "công thức hoàn hảo cho tình trạng kinh tế đình đốn" vì các nhà đầu tư e ngại bỏ tiền vì các biện pháp trừng phạt sắp tới. Những sự e ngại này không phải là không có cơ sở với việc các đạo luật tiếp theo đang được Quốc hội Mỹ xem xét.
Với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra, Washington muốn gia tăng áp lực với Moscow để ngăn chặn bất cứ hành động can thiệp nào có thể xảy ra. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã cảnh báo Nga không gây trở ngại, nhấn mạnh Mỹ đang chuẩn bị "tất cả những bước cần thiết để ngăn chặn điều đó xảy ra".
Các bước của Mỹ bao gồm cả việc đưa ra dự thảo đạo luật lưỡng đảng mang tên luật "Bảo vệ an ninh Mỹ khỏi những hành động công kích của Kremlin" vào ngay đầu tháng 8 vừa qua. Nếu được phê chuẩn, "đạo luật đến từ địa ngục" này sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt "mạnh mẽ nhất từng được áp dụng". Chúng sẽ bao gồm cả việc cấm các ngân hàng của Nga hoạt động tại Mỹ cũng như ngăn chặn đầu tư của Mỹ vào các công ty năng lượng thuộc chính phủ Nga.
Sự bế tắc và kết cục
Theo Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nếu các biện pháp của Quốc hội Mỹ có hiệu lực sẽ được coi là "một tuyên bố chiến tranh về kinh tế" mà Nga sẽ phải đáp trả bằng "kinh tế, chính trị hay các biện pháp khác nếu cần thiết". Để ngăn chặn sự cô lập về kinh tế ngày càng tăng, Nga đã có những biện pháp phòng ngừa.
Ngân hàng trung ương Nga đã bán tháo phần lớn trái phiếu chính phủ Mỹ và tăng lượng dự trữ vàng để giảm phụ thuộc vào đồng USD. Biện pháp tái cơ cấu quỹ lương hưu mới được giới thiệu gần đây và luật thuế giá trị gia tăng mới hy vọng sẽ có hiệu lực vào năm tới sẽ đảm bảo mạnh mẽ doanh thu ngân sách và giúp Nga tăng khả năng chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, biện pháp phòng vệ về tài chính này có cái giá của nó là sự không hài lòng của công chúng đối với tổng thống Putin.
Nga đã có những biện pháp đối phó và phòng ngừa các lệnh trừng phạt của Mỹ.
|
Với những bước đi phòng ngừa và chống lại các lệnh trừng phạt, chỉ có biện pháp cực đoan nhất là trừng phạt nợ nước ngoài của Nga hay đánh vào xuất khẩu dầu khí mới có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Nga. Nhưng Washington sẽ không dùng nước đi này bởi nó có thể gây thiệt hại song song với kinh tế Mỹ.
Nga là nhà xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới với các khách hàng bao gồm rất nhiều đồng minh lãnh đạo châu Âu của Washington. Loại bỏ Nga khỏi thị trường sẽ kéo theo một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Và lệnh trừng phạt với toàn bộ số nợ nước ngoài của Nga (trị giá 486 tỷ USD) cũng gây ra thiệt hại cho các nhà đầu tư mà hầu hết đều ở tại Mỹ.
Vì thế, không có một giải pháp khả thi nào để giải quyết vấn đề. Nga sẽ không muốn điều chỉnh lại những chính sách ngoại giao cùng với việc Mỹ cũng không muốn khởi động một cuộc chiến kinh tế toàn diện. Có nghĩa là sự đối đầu cổ điển này sẽ khó có thể giải quyết một sớm một chiều.