Tỉnh Idlib, pháo đài cuối cùng mà phe đối lập kiểm soát tại Syria hiện gần như bị cô lập. Số phận của tỉnh này đã được định trước, nó sẽ bị chế độ Syria kiểm soát trong 1 hoặc 2 năm tới. Nhưng bản chất của sự sụp đổ này, dù nó có thể sẽ bị tràn ngập trong bạo lực khiến những người tị nạn và những tay Hồi giáo cực đoan lan rộng trong khu vực hay các lãnh đạo của nó có thể đàm phán một cách hòa bình để tái nhập vào Syria vẫn còn chưa chắc chắn. Kết cục của nó phải dựa phần lớn vào sự ảnh hưởng qua lại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước có ảnh hưởng lớn nhất tại Idlib.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có động cơ để hợp tác nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho Idlib. Người Nga hiểu rằng một cuộc tấn công của chính phủ tại Idlib có thể kéo dài thêm cuộc chiến và kéo dài thêm thời gian cam kết của họ với chế độ của tổng thống Syria Bashar al-Assad. Người Thổ Nhĩ Kỳ không muốn rủi ro có thêm một dòng người tị nạn lớn đổ vào nước mình, điều có thể gây đe dọa tới khả năng thực thi ảnh hưởng tại bắc Syria và hủy hoại chính sách hồi hương cho hàng triệu người tị nạn vốn đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib, Syria.
|
Hai nước đều nhận ra rằng họ cần có nhau. Nga cần Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết phe đối lập và Thổ Nhĩ Kỳ cần Nga để yên tâm về tổng thống Assad. Chỉ có Nga, thông qua sự kiểm soát không lực của chính phủ Syria có thể ngăn cản chế độ của ông Assad không tấn công Idlib. Và chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, đã huấn luyện và trang bị rất nhiều nhóm dân quân đối lập tại Idlib có thể khiến các nhóm này đàm phán cùng với chính phủ Syria và khiến các nhóm này hạ vũ khí để ủng hộ một thỏa thuận hòa bình mà 2 bên cùng đồng ý.
Nhưng những động cơ thúc đẩy trên chưa chắc đã tạo ra một vận mệnh tốt cho Idlib. Trong trường hợp cuộc nội chiến Syria, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng rất hạn chế để kiểm soát các lực lượng của mình tại Syria. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có rất nhiều lợi ích khi thành công tại Syria vì thế cả các nhóm nổi dậy cũng như chế độ của ông Assad đều tin tưởng rằng các đồng minh lớn sẽ không bỏ rơi mình. Hơn nữa, cả chế độ chính phủ Syria cũng như các nhóm nổi dậy đều đang chiến đấu cho sự sống còn của mình. Họ thường không đáp lại những áp lực lớn hay những đe dọa từ những đồng minh thân cận nhất khi họ cảm thấy sự thỏa hiệp sẽ đưa tương lai của họ vào rủi ro.
Mỹ đối mặt với một vấn đề rất khác. Là siêu cường quyền lực nhất tại Syria và có chiến lược linh hoạt nhưng Mỹ lại ít dính líu tới Idlib như Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này cũng có lợi ích khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được một thỏa thuận tại trên vùng đất đầy bạo lực và là nơi giải thoát cho các nhóm có liên hệ với al-Qaeda. Nhưng Idlib không quá quan trọng với Mỹ.
Cảnh đổ nát tại Idlib.
|
Dưới đây là dự đoán kết quả có thể xảy ra với những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga để đạt được một thỏa thuận về việc giải quyết câu hỏi về Idlib và kiểm soát các thân chủ của họ. Sau đó, là gợi ý một chiến lược mà Mỹ cần theo đuổi tại Idlib để thực thi mục tiêu nhỏ nhất là kết thúc nơi trú ẩn an toàn của al-Qaeda tại đây. Chiến lược cho Mỹ được đưa ra rất nhỏ. Nó không tìm cách để hạ bệ chế độ tổng thống Assad hay duy trì Idlib trong tay những nhóm đối lập ôn hòa. Ngược lại, nó nhìn nhận lợi ích sâu sắc của các nước khác đang dính líu tới cuộc nội chiến Syria và Mỹ cần tập trung vào những mục tiêu hẹp và có khả năng thành công nhất.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cần lẫn nhau
Sự hợp tác giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ là một hiện tượng mới tương đối kỳ lạ trong cuộc nội chiến Syria. Việc Moscow bước chân vào cuộc chiến Syria khi Thổ Nhĩ Kỳ đang có quyền lực đỉnh cao tại vùng tây bắc Syria là một sự đối đầu trực tiếp với thành công của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc phối hợp với Mỹ thất bại, các nhóm nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng cùng các thành phần mang yếu tố cấp tiến đã chiếm quyền kiểm soát tỉnh Idlib và đe dọa sẽ tiến vào Latakia cùng các vùng khác.
Cuộc tấn công nhanh chóng của phe đối lập đã thúc đẩy Nga phải có hành động ngăn chặn sự leo thang. Từ đầu khi triển khai quân, người Nga đã tập trung vào việc không kích vào những nơi ẩn náu của quân nổi dậy trong khu vực biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Để thực hiện việc đó, máy bay Nga đã ngăn máy bay Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra dọc biên giới để ngăn chặn việc không kích ở vùng biên giới. Tháng 11.2015, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả bằng cách bắn hạ một chiếc Su-24 của Nga.
Hình ảnh chiếc Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi.
|
Để trả đũa, không quân Nga đã tấn công những tuyến đường tiếp tế của Thổ Nhĩ Kỳ tới Aleppo, báo hiệu trước một cuộc tấn công nhằm chiếm hoàn toàn quyền kiểm soát thành phố này vào cuối năm 2016. Một phần của cuộc tấn công là việc Nga đầu tiên đã làm việc với dân quân người Kurd Syria để gây áp lực với các đội quân ủy nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như những đường tiếp tế từ (và tới) Aleppo. Song song với việc trên, Moscow thực thi các lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ, làm gián đoạn xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Nga để trừng phạt các doanh nhân có visa di chuyển miễn phí cho công tác thương mại và làm mất đi mảng du lịch đang sinh lời của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chỉ đứng chung hàng tại Syria sau khi cả hai bên nhận ra là mình đều không ưa chiến lược của Mỹ tại đây. Cuộc tấn công do Mỹ chỉ đạo để chiếm Manbij vào đầu năm 2016 đã vượt qua lằn ranh đỏ của Thổ Nhĩ Kỳ khi lực lượng người Kurd tại Syria tới được phía tây sông Euphrates. Những quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ nỗi sợ Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd PYD sẽ củng cố quyền cai trị dọc vùng phía bắc Syria. Dân quân của PYD là nhóm YPG là nhánh Syria của Đảng Lao động người Kurd PKK - một nhóm nổi dậy hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984.
Lực lượng YPG tại Syria.
|
YPG lãnh đạo Lực lượng dân chủ Syria SDF nắm quyền kiểm soát Manbij với sự hỗ trợ của Mỹ vào giữa tháng 8.2016. Điều này thúc giục một cuộc can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào các khu vực của SDF tại phía bắc Syria. Trong cả hai trường hợp, biến cố khai mào cho cuộc can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đều xuất phát từ những quan ngại về sự mở rộng lãnh thổ của người Kurd và sự củng cố quyền kiểm soát của các nhóm có liên hệ với PYD. Thổ Nhĩ Kỳ quay sang với Nga để nhận sự ủng hộ về mặt chính trị và tìm kiếm sự đồng thuận để quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể hiện diện tại bắc Syria.
Moscow chấp nhận và chậm rãi gỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng có giá của riêng mình. Nga đã tranh thủ Thổ Nhĩ Kỳ để tạo ra một loạt các vùng giảm xung đột, được thiết kế để cho phép chế độ Syria thực hiện các cuộc tấn công và buộc quân nổi dậy phải đầu hàng. Quân đội Syria có lợi ích trong việc sử dụng vùng giảm xung đột để đóng băng các cuộc tấn công ở một vài mặt trận để tích lũy sức mạnh và nguồn lực, loại trừ các khu vực trú ẩn của phe đối lập.
Một phần của chiến lược này là Nga và quân chính phủ Syria sử dụng các vùng lãnh thổ do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát như một "đầm lầy dành cho quân nổi dậy", dân số từ những vùng do quân nổi dậy kiểm soát sẽ được chuyển đi và tái định cư sau một chiến dịch lớn. Việc di chuyển những người đàn ông ở độ tuổi nhập ngũ và gia đình của họ với vùng đất do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát hoặc có ảnh hưởng tại Syria là yếu tố chính cho chiến lược của Nga để giảm leo thang xung đột và ép buộc những nhóm nổi dậy nhỏ phải đầu hàng và chịu quyền kiểm soát của chế độ Syria. Về thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Nga có thể khôi phục quyền kiểm soát của chế độ tổng thống Assad trên khắp Syria.
Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ được Nga cho phép thực hiện các chiến dịch chống lại kẻ thù người Kurd của mình và cuối cùng tạo ra sự ổn định ở một mức độ nào đó tại phía bắc Syria. Sự ổn định hiện tại ở phía bắc Syria cho phép Ankara đảo ngược dòng người tị nạn và đảm bảo những người tị nạn sẽ rời Thổ Nhĩ Kỳ để quay về Syria.
Thành trì thánh chiến Idlib sẽ ra sao?
Ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hợp tác tại Syria, các đội quân ủy nhiệm của hai nước vẫn đối chọi với nhau. Idlib là địa điểm cho trận chiến cuối cùng của họ. Vùng đất chịu ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ là dấu tích cuối cùng của phe đối lập với chính phủ Syria và thường là địa điểm cho quân nổi dậy rời đi tới các vùng khác của Syria.
Tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tìm ra cách để tránh vấn đề Idlib và đạt được một hiện trạng thiếu bền vững tại tỉnh này. Sự hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib cũng đã có tác dụng. Một cuộc tấn công của chế độ Syria được hỗ trợ bởi không lực của Nga có thể sẽ đẫm máu và kéo dài cuộc chiến, do đó kéo dài sự tham dự trực tiếp của Moscow vào trong cuộc nội chiến. Với Thổ Nhĩ Kỳ, bất cứ cuộc leo thang bạo lực đột ngột nào cũng gây rủi ro tạo nên một cuộc di tản lớn và đẩy nhiều người tị nạn hơn vào đất nước mình.
Tháng 9.2015, Nga đưa quân sang giúp chính phủ Syria bảo vệ chế độ.
|
Cách tiếp cận của hai nước giúp duy trì một mức độ ổn định nhưng chưa giải quyết được những vấn đề chính của cuộc chiến. Với Moscow, cuộc xung đột nội bộ Syria là cuộc chơi quyền lực địa chính trị nhắm vào việc ngăn chặn thêm một vụ thay đổi chế độ do phương Tây chống lưng tại Trung Đông. Còn với ông Assad cuộc chiến là vì quân nổi dậy có thể sẽ tìm cách lật đổ và giết hại ông cùng gia đình.
Theo đó, ngay cả khi Moscow và Damascus có thể chia sẻ cùng một lợi ích khi ngăn chặn sự sụp đổ của chế độ Syria, hai bên cũng rất khác nhau trong quan điểm thỏa hiệp hòa bình. Nga có thể nghĩ tới việc đạt được một hiệp định. Còn chế độ của ông Assad có thể muốn một chiến dịch quét sạch các vùng quân nổi dậy - cách tiếp cận này có thể coi quân nổi dậy là một đạo quân thường trực mà không phải là một nhóm dân số có thể quy hồi thông qua việc cung cấp các dịch vụ và an ninh. Vì thế, có thể lãnh đạo phe đối lập sẽ không bao giờ chấp nhận điều này vì với họ nó đồng nghĩa với việc bị tiêu diệt.
Kể từ khi hòa giải vào năm 2016, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã cai quản các đội quân ủy nhiệm thông qua đàm phán, hoán đổi các dân số theo tôn giáo khác nhau. Idlib đã trở thành một khu vực của dân quân để thuận tiện cho việc di tản. Với lý do như vậy, chế độ Syria chắc chắn đang hướng sự chú ý vào những nhóm quân nổi dậy cuối cùng tại Idlib mà nếu có thời gian để tái khởi sẽ đe dọa tới quyền lực của ông Assad. Mâu thuẫn xuất hiện ở đây là giữa lời hứa của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ và việc Moscow đang đứng chung hàng với ông Assad. Điều này cho thấy các bên cần phải rất thận trọng trong cuộc tấn công sắp tới tại Idlib.
Lực lượng SDF do Mỹ chống lưng.
|
Đặc biệt, người Nga sẽ muốn lực lượng của chính phủ Syria thực hiện một chiến dịch tấn công bắt đầu từ vùng nông thôn Jisr Al-Shughur và những khu vực tại Latakia gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Cách tiếp cận từng bước này cho phép Moscow giữ Thổ Nhĩ Kỳ trong những đàm phán song phương và gia tăng áp lực với Ankarra đồng thời tạo áp lực cho phe đối lập với chính phủ Syria phải đầu hàng. Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện quân sự với số lượng nhỏ tại 12 điểm quan sát xung quanh Idlib để củng cố thỏa thuận đạt được giữa Ankara với Moscow (và Tehran) nhằm giảm leo thang.
Tuy nhiên, những điểm quan sát này không được phòng thủ một cách vững chãi và có thể dễ dàng vượt qua. Chúng tồn tại do thỏa thuận chung giữa Moscow (cùng chế độ Syria) với các nhóm quân địa phương bao gồm cả Hay’at Tahrir al-Sham (HTS) - một nhóm có liên hệ với al-Qaeda hay ngay cả nhóm cực đoan hơn như Huras al Din. Khi cuộc tấn công Idlib bắt đầu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chọn giữa việc bảo vệ những tiền đồn nhỏ bé này hoặc rút lui. Hiện tại, Ankara đang có lợi ích thúc đẩy việc phòng thủ các tiền đồn nhỏ này khỏi các mối đe dọa bất đối xứng nhưng cũng đang chuẩn bị từ bỏ chúng nếu những thỏa thuận với Moscow bị phá vỡ.
Nhóm Hay’at Tahrir al-Sham có liên hệ với al-Qaeda.
|
Chính phủ Syria có thể đợi ít nhất là một thời gian. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng để sử dụng áp lực từ chế độ Syria với Idlib nhằm khiến cho các nhóm quân địa phương chống lại HTS hay các nhóm có liên hệ với al-Qaeda khác và để cho các nhóm này chấp nhận ý tưởng có một giải pháp đàm phán và sự quay lại của chế độ tổng thống Assad. Đây sẽ là một thách thức. Nòng cốt lãnh đạo của HTS xác định nhóm này chống lại sự cai trị của chế độ Syria. HTS cũng có một lượng dân quân lớn tinh nhuệ đã kiểm soát phía bắc Syria kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu.
Với chiến lược chiến tranh rộng hơn của ông Assad, sự hiện diện của HTS và Huras al Din là cả cơ hội và thách thức. Một mặt, ông Assad có thể coi đây là cuộc chiến chống khủng bố và sử dụng các nhóm có liên hệ với al-Qaeda làm bằng chứng cho điều này. Tuy nhiên, để kết thúc chiến tranh, chế độ Syria cũng có lợi ích khai thác những yếu tố không thể hòa hợp giữa các nhóm thuộc phe đối lập và những ai có thể chấp nhận việc chế độ Syria quay lại cai trị họ.
Có thể kết luận, HTS sẽ không thể hòa giải và cần trực tiếp nhắm tới bằng quân đội. Với những nhóm có thể hòa giải, có thể kêu gọi họ gia nhập đội quân của chế độ hoặc một nhóm dân quân là đồng minh của Nga chiến đấu bên cạnh quân đội của ông Assad. Nga đã tranh thủ sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ để thay đổi các nhóm nổi dậy tại Idlib, sử dụng lực lượng địa phương để phân loại những nhóm có thể hòa giải và không thể hòa giải và sau đó dùng quân địa phương chống lại mối đe dọa chung.
Như vậy, về mặt ngắn hạn, mỗi bên sẽ có lợi thế trong một cuộc can thiệp hạn chế tại Idlib. Với Nga và chế độ Syria, cuộc tấn công sẽ đồng thời gia tăng áp lực với HTS và Thổ Nhĩ Kỳ. Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, một cuộc tấn công nhỏ có thể thực thi và chuẩn bị để ngăn dòng người di tản lớn dọc biên giới. Mỗi bên trong cuộc xung đột có thể sử dụng một cuộc xung đột hạn chế ở ngoại vi Idlib để đàm phán với một loạt các đồng minh và kẻ địch về kết quả cuối cùng cho tỉnh này. Nguy hiểm riêng với Thổ Nhĩ Kỳ nếu những nỗ lực khiến phe đối lập nhượng bộ với chính phủ Syria và Moscow thất bại, một sự leo thang lớn tại Idlib là không tránh khỏi.
Mỹ và số phận Idlib
Cuối cùng, số phận của Idlib phần lớn phụ thuộc vào những nỗ lực đồng thời của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán với những đạo quân ủy nhiệm của mình. Ở mức độ song phương, hai nước có động cơ để tiếp tục đàm phán, tránh một cuộc tấn công lớn và tìm cách để có được một thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, kết quả này chắc chắn sẽ đối chọi với cả chế độ Syria và phe chống chính phủ. Kết quả 2 mức độ có thể khiến người Mỹ nghĩ về những lựa chọn riêng của mình tại Syria.
Tất nhiên, Mỹ đang có những mối quan hệ phức tạp riêng cần xử lý. Washington không phải là không có lựa chọn nhưng ảnh hưởng của Mỹ lại gắn liền với lực lượng vô chính phủ SDF, nhóm dân quân mạnh mẽ được chỉ huy bởi người Kurd tại Syria. SDF là kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại chia sẻ mục tiêu tiêu diệt IS với Mỹ.
Nhóm sĩ quan Mỹ tại Syria.
|
Thách thức hiện tại là xử lý sự hiện diện quân sự của Mỹ và biến thắng lợi trong cuộc chiến chống IS thành một kết quả tốt nhất có thể với lợi ích của Mỹ. Mỹ cần phải từ bỏ nỗ lực đạt được một "chiến thắng toàn diện" và xây dựng một chiến lược xung quanh những lợi ích hẹp hơn. Một chính sách bao gồm những kết quả không thể đạt được như việc kết liễu ảnh hưởng của Iran tại Syria hay sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ tổng thống Assad chắc chắn sẽ thất bại.
Thay vào đó, WTR khuyên Mỹ nên "chơi vừa sức của mình". Là một bên tham chiến độc lập, không liên quan tới vấn đề Idlib hay phải xử lý liên minh nổi dậy bướng bỉnh, Mỹ có một vị trí tốt để tận dụng lợi thế trong mọi kết quả có thể xảy ra tại Idlib. Để làm điều đó, Mỹ cần nhận thức được những lợi ích và thách thức sắp tới mà những đối thủ của mình tại Syria phải đối mặt, sau đó có những bước đi để đưa ra một chính sách dựa trên những gì các bên tác động qua lại với nhau sẽ định hình những kết quả tại Idlib.
Để kết thúc các cuộc nổi dậy, chế độ của tổng thống Assad phải tái thiết lập kiểm soát các đường biên giới. Damascus đang được lợi lớn từ sự đỡ đầu và những bảo đảm an ninh của Nga. Tuy nhiên, hai bên chưa phải là những đồng minh hoàn hảo. Thiếu một thỏa thuận thiết thực giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong đó giải quyết những quan ngại cốt lõi về an ninh của chính phủ Syria, Damascus có thể khiến Moscow phải hành động sớm với một cách tiếp cận bạo lực để giải quyết vấn đề Idlib. Một cuộc tấn công do Nga chống lưng có thể tạo áp lực lên các nhóm có quan hệ với al-Qaeda như Mỹ mong muốn nhưng sẽ khiến hàng nghìn người phải di tản và gây ra nhiều tổn thất.
Việc Mỹ phải thừa nhận chiến thắng của chế độ Syria là kết quả không mong muốn. Nhưng tại thời điểm này của cuộc chiến, rõ ràng chính phủ Syria có thể và sẽ có những bước đi cần thiết để tận dụng lợi thế và xác định những mối đe dọa đến sự tồn tại của mình. Là một phe tham chiến độc lập, phần lớn do quan ngại về IS và al-Qaeda, Mỹ có thể linh hoạt, hiểu động cơ của các bên tại Idlib. Với Mỹ, kết quả tốt nhất có thể đạt được dựa vào những bên tham gia độc lập khác đảo ngược tình thế và tạo nên áp lực nhiều hơn với các nhóm Hồi giáo cực đoan hiện đang hoạt động an toàn trong lòng Syria, đồng thời tránh một thảm họa nhân đạo khác.