Những thông tin mới tiết lộ gần đây cho thấy Iran và Nga đã tìm cách thiết lập quan hệ sâu hơn với Taliban, điều này đã lôi kéo sự chú ý của phương Tây. Việc Iran dính líu tới Taliban không có gì là mới mẻ, nhưng sự liên quan của Nga lại đến vào thời điểm nguy hiểm đối với Mỹ và cuộc chiến tranh dai dẳng ở Afghanistan.
Ngoài Pakistan, nước bảo trợ truyền thống của Taliban, Washington cũng đặc biệt quan tâm về tính chính danh mà Taliban đang đạt được từ các nước trong khu vực, đó sẽ là một thảm họa đối với sự hiện diện của Mỹ.
Mặc dù có thỏa thuận hạt nhân với Tehran, nhiều người Iran vẫn nghĩ rằng khó có thể tin Mỹ sẽ thực hiện nghĩa vụ trong thỏa thuận này. Sự nghi ngờ này xuất hiện sau khi ông Trump đắc cử tổng thống và sau buổi nói chuyện của những tuyên bố diều hâu của ông trong chiến dịch tranh cử về hiệp ước này.
Ông Trump đã luôn miệng nói rằng ông không sớm thì muộn cũng sẽ chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Iran. Điều đó đã khiến Tehran phải suy nghĩ và tìm kiếm các kế hoạch dự phòng. Trước sự can thiệp của Mỹ vào Iraq và hiện nay là Syria, Tehran cảm thấy bị bao vây và đe dọa bởi chính quyền sắp tới của Mỹ.
Theo Diplomat, sự khó lường của ông Trump đang buộc Tehran phải tìm đến một cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn đối với Taliban. Khi người đứng đầu lực lượng Taliban, Mullah Mansour, bị giết trong một trận không kích của Mỹ, khi ông ta đang trên đường từ Iran tới Pakistan.
Iran hiện nay đã tăng cường quan hệ với Taliban. Tehran từng giấu giếm những chuyến viếng thăm của nhóm phiến quân này, nhưng giờ đây Iran đã công khai mời các lãnh đạo Taliban đến một hội nghị Hồi giáo và gọi họ là những nhà lãnh đạo “ôn hòa”.
Mặt khác, Nga lại quay trở lại thời kỳ Chiến tranh lạnh, chỉ có điều vai trò đã đảo ngược. Mỹ đang hiện diện ở Afghanistan và Matxcơva muốn đóng vai trò làm người giải phóng nước này khỏi sự chiếm đóng của nước ngoài. Điện Kremlin đã nhìn thấy cơ hội để phá hoại Mỹ tại Afghanistan theo cách mà Washington chia rẽ Liên Xô khoảng ba thập kỷ trước đây.
Matxcơva hiện nay muốn khai thác sự mất an ninh để chống lại Mỹ. Một khảo sát của Quỹ châu Á (Asia Foundation) chỉ ra rằng 66% người dân Afghanistan hiện nay đang bi quan về đường lối của đất nước, và tình trạng mất an ninh được coi là nhân tố chính của sự bị quan đó.
Trong khi liên kết với Taliban, Matxcơva cũng nhìn thấy một cơ hội khác để vỗ về Islamabad và đưa Pakistan vào trong vòng quan hệ của Nga, khi quan hệ Islamabad-Washington đã xuống cấp. Pakistan từ lâu đã hậu thuẫn cho các nhân tố phi nhà nước ở Afghanistan và Taliban đã trở thành ví dụ nổi bật của Pakistan kể từ khi mới thành lập. Trước việc Tehran, Islamabad và Matxcơva đang tập hợp lại để gây ảnh hưởng ở Afghanistan, chính quyền ông Trump sẽ phải tăng cường trong cuộc chiến chống lại phe nổi loạn để đảm bảo tương lai của Afghanistan sẽ không bị ảnh hưởng từ bên ngoài và bảo toàn lợi ích quốc gia của Mỹ
Theo Diplomat, Matxcơva muốn giành được lợi ích những thành quả của Taliban và thổi phồng chúng hơn thực tế để thuyết phục thế giới rằng những nỗ lực của Mỹ là không bình thường và do đó Washington nên giảm sự hiện diện của mình tại đây. Trước tình hình Trung Đông đang sụp đổ và Liên minh châu Âu đang trải qua biến động chính trị chưa từng có, tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhìn thấy cơ hội trả thù cuộc Chiến tranh lạnh và buộc Mỹ phải nhục nhã rút lui.
Taliban nhận thấy họ đang rơi vào tình trạng mông lung. Lực lượng này thực tế bị chia rẽ và các nguồn tài chính lại quá hỗn độn. Khoảng cách giữa các thành viên thế hệ già và thế hệ trẻ đang lớn dần. Những chiến binh già dễ bị xuôi theo những cuộc đàm phán hòa bình và họ vẫn mang tầm nhìn và quá khứ của người sáng lập dù không thành công. Nhưng thế hệ chiến binh trẻ lại không dễ bị lay động và họ muốn được trả giá cao hơn. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo lực lượng này cũng đã bị suy yếu nặng nề sau cái chết của thủ lĩnh Mansour và sự uy hiếp của mạng lưới Haqqani, một nhóm phiến quân còn tàn nhẫn hơn được cho là do cơ quan tình báo Pakistan kiểm soát chặt chẽ.
Những khác biệt giữa Islamabad, Tehran và Matxcơva với Washington sẽ khiến Afghanistan trở thành chiến trường. Thách thức đối với chính quyền ông Trump là phải giữ được mối quan hệ mong manh của Mỹ với Islamabad và Matxcơva và cân bằng các chính sách táo bạo của Tehran trong khu vực. Bằng cách ép nội các mới theo đường lối cứng rắn đối với Tehran, ông Trump đang thách thức sự lo lắng của Iran và theo đó Tehran đang chuẩn bị hướng tới một vai trò chủ động và mạnh tay hơn ở Afghanistan để bảo vệ vốn liếng của mình.
Diplomat đánh giá, kẻ thù của Iran không phải là chính phủ Afghanistan (mặc dù Tehran vẫn muốn kiểm soát quân sự đối với Kabul) mà chính là Washington. Với Taliban, Iran có thể chia rẽ và gây xao nhãng các lực lượng Mỹ thay vì chuyển sự chú ý về phía Tehran.
Trong khi đó, Islamabad không muốn trực tiếp đối đầu với Washington nhưng mục tiêu chính của họ là luôn luôn kiểm soát được Afganistan. Còn Matxcơva, theo Diplomat, thì lại tập trung vào việc hủy hoại các thành quả của Mỹ - có thể là ở Afghanistan hay Syria hoặc rộng hơn ở Trung Đông. Ông Trump và những người hoạch định chính sách của Mỹ sẽ rất khó khăn để tìm ra cách giữ cho Afghanistan khỏi sự kiềm tỏa của Matxcơva, Tehran và Islamabad, trong khi vẫn đảm bảo an toàn và bảo vệ lợi ích của Mỹ.