Ngã ngửa vì hoá đơn tiền điện tăng gấp... 8 lần

Hoá đơn tiền điện đã tăng phổ biến từ 2-3 lần, thậm chí tăng lên gấp 8 lần trong tháng vừa qua tuy nhiên lý giải từ EVN Hà Nội tiếp tục là lý do thời tiết nắng nóng, lượng tiêu thụ điện lớn.
Hoá đơn điện tăng từ hơn 300.000 đồng lên hơn 2,5 triệu đồng.
Hoá đơn điện tăng từ hơn 300.000 đồng lên hơn 2,5 triệu đồng.

Tiền điện tăng vọt

Tình trạng tiền điện tăng vọt trong thời gian vừa qua khiến nhiều người dân bất bình và nghi ngờ cách tính toán mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang áp dụng và cách ghi chỉ số công tơ điện EVN Hà Nội thực hiện.

Nhiều trường hợp phản ánh với BizLIVE hoá đơn tiền điện tăng ở mức phổ biến từ 2-3 lần so với tháng trước, cá biệt có trường hợp tăng gấp 5-8 lần.

Anh Vũ Lương (Khương Đình, Thanh Xuân) cho biết, trong khi hoá đơn tiền điện tháng 4, tháng 5 phổ biến ở mức khoảng 400 kWh, tương đương từ 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng nhưng hoá đơn tiền điện nhận được trong ngày hôm qua (22/6) đã tăng vọt lên mức tiêu thụ 875 kWh, tương đương hơn 2,2 triệu đồng.

Điểm đáng lưu ý, trong hoá đơn mà gia đình anh mới nhận không ghi chỉ số đầu kỳ. Tuy nhiên, với chỉ số cuối kỳ và tổng điện năng tiêu thụ, chỉ số đầu kỳ tháng 6 trùng khớp với chỉ số cuối kỳ trong hoá đơn tháng 5.

Anh Lương đã chia sẻ bức ảnh chụp hoá đơn tiền điện trong 3 tháng liên tiếp đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook và nhận được nhiều phản hồi chia sẻ, đồng cảm vì họ cũng đang trong tình trạng hoá đơn tiền điện tăng vọt tương tự.  

Theo anh Lương, tiền điện tăng gấp đôi tháng trước trong khi các thiết bị điện vẫn được sử dụng tương đương. "Theo hoá đơn, mỗi ngày gia đình tôi đã sử dụng 29 số điện, mặc dù mùa đông dùng máy sưởi, bình nóng lạnh công suất lớn và liên tục nhưng chưa bao giờ số điện tăng cao bất thường như vậy", anh Lương nói.

 Hoá đơn tiền điện tăng gấp đôi là mức tăng tương đối phổ biến. Ảnh chụp được anh Lương chia sẻ trên mạng xã hội

Tương tự, chị Nguyễn Thị Huệ (Minh Khai, Hai Bà Trưng) cũng chia sẻ, hoá đơn tiền điện chị phải thanh toán cho nửa cuối tháng 5 và nửa đầu tháng 6 lên đến hơn 900.000 đồng, gấp đôi so với kỳ sử dụng trước đó trong khi việc sử dụng điện trong gia đình gần như không thay đổi.

Hiện trong gia đình chị Huệ, thiết bị tốn điện năng nhất là 2 chiếc điều hoà song do phải đi làm cả ngày nên điều hoà chỉ được sử dụng từ khoảng 22 giờ cho đến 6 giờ sáng hôm sau, và việc sử dụng điều hoà như vậy lặp lại từ các tháng trước đó, không chỉ trong đợt nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vừa rồi.

Một khách hàng khác của EVN Hà Nội tại Hà Đông thậm chí có hoá đơn tăng chóng mặt, gấp 8 lần so với tháng trước đó.

Cụ thể, trong hoá đơn thanh toán điện mới nhận, gia đình chị phải thanh toán đến hơn 2,5 triệu đồng cho 974 kWh, tương đương mỗi ngày sử dụng hơn 32 số điện, trung bình mỗi giờ sử dụng hơn 1,3 số điện trong khi tháng trước đó chỉ có 188 kWh, tương đương hơn 338.000 đồng.

Theo chia sẻ của chị, diện tích căn hộ khoảng 60m2, lắp đặt 2 chiếc điều hoà, sử dụng 1 số các thiết bị như tủ lạnh, máy giặt, ti vi, bóng đèn... 2 vợ chồng đi làm cả ngày chỉ tối ở nhà trong khi mùa đông sử dụng các thiết bị bình nóng lạnh, điều hoà nóng chỉ số điện cũng không tăng vọt như tháng vừa rồi.

EVN Hà Nội lại đổ lỗi do thời tiết

Trước tình trạng hoá đơn tiền điện tăng đột biến, BizLIVE đã trao đổi với đại diện EVN Hà Nội, vị đại diện này đưa ra một loạt số liệu vận hành và hệ thống đo đếm từ xa đồng thời đưa ra nguyên nhân dẫn dến mức độ sử dụng điện của khách hàng tăng cao đột biết.

Cụ thể, EVN Hà Nội cho rằng, nắng nóng kéo dài liên tục từ đầu tháng 5/2015 đến tháng 6/2015 nên nhu cầu làm mát tăng cao. Từ đầu tháng 5/2015 đến nay, nhiệt độ tại thành phố Hà Nội tăng cao từ 33oC đến 40oC, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời so với trong nhà cao, máy phải làm việc hết công suất nên điện năng sẽ rất cao, không có ngắt nghỉ.

Ngoài ra, EVN Hà Nội cũng đưa vào đây thông số tỷ lệ bê tông hoá cao dẫn đến độ hấp thụ nhiệt cao, làm không khí nóng đến tận đêm vẫn duy trì ở mức 30oC và do các cháu học sinh nghỉ hè nên các gia đình sử dụng điều hoà cả ban ngày và ban đêm.

Hầu hết các lý do vừa kể trên đã từng được EVN Hà Nội lý giải khi tình trạng hoá đơn điện tăng vọt đã diễn ra trong cùng kỳ năm ngoái.

Và thời điểm này năm ngoái, ngành điện đã phải kỷ luật một số nhân viên ghi số điện sai hoặc dùng "thủ thuật" ghi hoá đơn tháng trước ít số kWh còn lại được cộng dồn vào hoá đơn tháng sau và với cách tính luỹ kế, người dùng âm thầm bị "móc túi" mà chỉ đến khi con số tăng quá mạnh mới đặt nghi vấn.  

Theo Bizlive