Các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI đã khẳng định xu hướng vững chắc gia tăng vai trò và tầm quan trọng của các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ trong giải quyết không chỉ một khối lượng lớn các nhiệm vụ chiến đấu, mà còn trong việc giành được những mục tiêu chính trị-quân sự cuối cùng của đối kháng vũ trang. Không quân đã trở thành một trong những phương tiện chính có khả năng tấn công trên suốt chiều sâu chiến trường hay lãnh thổ của các quốc gia đối địch.
Có lẽ ít ai có thể nghi ngờ việc bên nào có mạnh hơn về các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ (và sử dụng chúng hiệu quả hơn trong chiến đấu) sẽ áp đặt được các điều kiện chiến thắng và hòa bình.
Kinh nghiệm của các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI cho thấy, bảo đảm phòng không tin cậy cho quân đội, các mục tiêu nhà nước trọng yếu có tầm quan trọng của một yếu tố chiến lược có ảnh hưởng to lớn đến kết quả cuối cùng của chiến tranh và xung đột.
Trạng thái của bộ đội (các lực lượng) phòng không phụ thuộc trực tiếp vào số lượng và chất lượng của các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ đối phương, các hệ thống vũ khí mà đối phương sử dụng. Bước nhảy vọt trong phát triển các các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ, cũng như sự gia tăng liên tục vai trò của chúng trong việc đạt được các mục tiêu chính trị-quân sự đã dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của các lực lượng và phương tiện phòng không, hoàn thiện các phương pháp tác chiến của chúng, làm thay đổi cơ cấu, tổ chức, biên chế, và nói chung là dẫn đến việc gia tăng tầm quan trọng trong hệ thống phòng không của bất kỳ quốc gia nào.
Như ta đã biết, để bảo đảm phòng không cho các lực lượng và các mục tiêu của nhà nước, người ta xây dựng hệ thống phòng không, bao gồm trong đó các phân hệ có liên quan lẫn nhau là các phân hệ trinh sát và thông báo; không quân tiêm kích; pháo-tên lửa phòng không; chỉ huy, cũng như bảo đảm mọi mặt. Nói cho cùng, thì cả hiệu quả của phòng không cũng đều phụ thuộc vào chất ượng hoạt động của mỗi phân hệ, khả năng của bộ chỉ huy tập hợp thành một thể duy nhất tất cả những thành tố nêu trên.
Các binh đoàn và đơn vị phòng không, các cố vấn và chuyên gia quân sự Liên Xô đã trực tiếp tham gia nhiều cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang khi xây dựng hệ thống phòng không, xây dựng, hoàn thiện và sử dụng chiến đấu các cụm lực lượng phòng không của các quốc gia tham chiến cho đến đầu thập niên 1990 (Triều Tiên, Việt Nam, Iraq, Ai Cập...).
Kinh nghiệm các cuộc chiến tranh cục bộ những thập kỷ cuối thế kỷ XX đã cho thấy rằng, hiệu quả phòng không cần có chỉ đạt được ở các quân đội có mặt các cố vấn và chuyên gia quân sự Liên Xô.
Trong trường hợp ngược lại, thì ngay cả khi có ưu thế về số lượng phương tiện phòng không, phần thắng vẫn thuộc về không quân của bên đối địch. Tuy nhiên, khi xây dựng bố trí các cụm lực lượng phòng không và sử dụng chúng trong chiến đấu đã xuất hiện những sai lầm và thất bại lớn mà nguyên nhân chủ yếu không chỉ là trình độ huấn luyện kém của binh sĩ bản địa, mà cả việc thiếu vắng kinh nghiệm chiến đấu, còn trong nhiều trường hợp là sự thiếu hiểu biết của các chuyên gia quân sự Liên Xô mà trong đa số các trường hợp đều chỉ cứng nhắc bám theo các kiến thức lý thuyết.
Trong tình huống chiến đấu, sách giáo khoa không thể cho những câu trả lời đúng để giải quyết các nhiệm vụ phát sinh, còn kinh nghiệm chiến đấu được tổng kết và phổ biến thì hoàn toàn không có. Buộc phải làm việc theo phương pháp thử và chấp nhận sai sót. Tuy nhiên về mặt này, trong đa số các trường hợp, thì tính chủ động và sáng kiến của các chuyên gia quân sự Liên Xô lại hạn chế.
Hiện nay, người ta đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú trong sử dụng không quân và bộ đội phòng không tác chiến trong chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang. Nhưng liệu kinh nghiệm đó có được tính đến trong huấn luyện chiến đấu của quân đội Nga không? Đáng tiếc là chưa đủ.
Ở trên đã nói đến các khó khăn mà các chuyên gia quân sự Liên Xô đã vượt qua khi giúp đỡ xây dựng và sử dụng tác chiến các cụm lực lượng phòng không. Khó khăn chủ yếu là không có kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn. Hiện nay kinh nghiệm đã có. Nhưng kinh nghiệm đó đáng tiếc lại không được phổ biến xa hơn Học viện Quân sự Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, Học viện Phòng không-vũ trụ mang tên G.K. Zhukov, Học viện quân sự Phòng không lục quân và các cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Nga.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm này chứng tỏ sự gia tăng vai trò của phòng không khách quan đòi hỏi nâng cao hiệu quả của nó trong đối kháng với các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ của đối phương. Tuy nhiên, số và chất lượng vũ khí trang bị phòng không của các nước tham gia xung đột quân sự, trình độ sẵn sàng chiến đấu của các binh đoàn, đơn vị và phân đội phòng không, công tác huấn luyện binh sĩ thường là không đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.
Kết quả là hiệu quả phòng không bị thấp hơn yêu cầu. Mặc dù các khả năng chiến đấu tiềm năng của bộ đội phòng không trong hàng loạt cuộc chiến tranh cục bộ đã là khá cao, nhưng vị trí đứng đầu về gây tổn thất cho bên đối phương đã và vẫn đang thuộc về các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ. Sử dụng các hình thức và phương thức sử dụng tác chiến khác nhau, các loại vũ khí khác nhau, không quân bên đối địch đã hoàn thành gần như đầy đủ các nhiệm vụ được giao cho nó.
Chặn đứng hay làm suy giảm tối đa tác động của không quân địch, bảo vệ tin cậy các lực lượng và mục tiêu của ta trước các cuộc tấn công đường không chỉ có thể làm được bằng cách tăng cường cả về chất và số lượng các lực lượng và phương tiện phòng không, hoàn thiện cơ cấu tổ chức các lực lượng và hệ thống chỉ huy các lực lượng đó. Tuy nhiên, các nhiệm vụ này là bất khả thi đối với đa số các quốc gia yếu về kinh tế phải đối mặt với chiến tranh.
Ảnh hưởng trực tiếp tới công tác tổ chức phòng không là đủ loại điều kiện chính trị-quân sự, địa-vật lý và kinh tế. Tuy nhiên, trong tất cả các cuộc xung đột quân sự, khi xây dựng hệ thống phòng không bảo đảm hiệu quả cần có, người ta đã căn cứ vào các nguyên tắc chung sau đây:
- sự thống nhất ý đồ xây dựng, bố trí hệ thống phòng không có xét đến lực lượng không quân đối địch, các mục tiêu, quy mô và tính chất hành động của chúng, cũng như các đặc tính của các mục tiêu và lãnh thổ đất nước cần bảo vệ, cơ cấu thành phần chiến đấu, trạng thái và sự sẵn sàng của các lực lượng ta;
- sử dụng tổ hợp tất cả các lực lượng và phương tiện phòng không căn cứ vào các khả năng chiến đấu của chúng;
- tập trung các nỗ lực vào bảo vệ các mục tiêu trọng yếu của tiềm lực kinh tế-quân sự của đất nước và các cụm lực lượng;
- việc kịp thời phát hiện kẻ địch trên không và bảo đảm thông tin cần thiết về chúng cho các sở chỉ huy và điều khiển tất cả các cấp;
- tổ chức chỉ huy trình độ cao;
- cơ động rộng rãi các lực lượng và phương tiện phòng không;
- trang bị các phương tiện hiện đại đối phó với các phương tiện tiến công đường không-vũ trụ của đối phương, bảo đảm sự phối hợp giữa các thành phần cấu thành của hệ thống phòng không;
- tiến hành các biện pháp ngụy trang chiến thuật, cũng như nâng cao khả năng chống nhiễu và khả năng sống còn.
Về mặt tổ chức, lực lượng phòng không của các nước tham gia chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang không được xây dựng như một quân chủng độc lập của quân đội. Phòng không hoặc là nằm trong thành phần của không quân (Việt Nam, Libya, Nam Tư), hay lục quân (Ai Cập, Syria...).
Nòng cốt của bộ đội phòng không là không quân tiêm kích, pháo phòng không, bộ đội tên lửa phòng không, bộ đội radar, cũng như các hệ thống chỉ huy quân đội và điều khiển vũ khí không tự động hóa và tự động hóa.
Phương tiện cơ động nhất của phòng không là không quân tiêm kích. Đến giữa thập niên 1950, không quân tiêm kích vẫn được trang bị các tiêm kích piston và phản lực có tốc độ dưới âm. Từ cuối thập niên 1950, không quân tiêm kích phòng không bắt đầu nhận được các tiêm kích đánh chặn siêu âm trang bị pháo và tên lửa.
Lực lượng pháo phòng không được trang bị các loại pháo 30, 37, 57, 85 và 100 mm, pháo hai nòng 23 mm. Trong các cuộc chiến tranh ở Cận Đông (1967 và 1973), người ta còn sử dụng các loại pháo tự hành hai nòng 57 mm và bốn nòng 23 mm.
Năm 1965, Việt Nam đã sử dụng vũ khí phòng không mới là tên lửa phòng không có điều khiển. Ngay trong trận đánh đầu tiên, chúng đã bắn rơi 3 máy bay F-4 Phantom của Mỹ. Cần lưu ý rằng, các hệ thống tên lửa phòng không được nhận vào trang bị thay cho pháo phòng không chỉ bổ sung cho các nỗ lực của không quân tiêm kích. Sau đó, vai trò của chúng đã tăng mạnh.
Trong các cuộc chiến tranh cục bộ ở Việt Nam và Cận Đông (1973 và 1982), cùng với pháo phòng không, tên lửa phòng không chiếm gần 90% tổng số máy bay tiêu diệt được. Dần dần, bộ đội tên lửa phòng không đã trở thành nòng cốt của hệ thống phòng không của các quốc gia (có lẽ là ngoại trừ Mỹ với không quân tiêm kích vẫn là chủ lực của phòng không).
Kinh nghiệm cho thấy, các nhiệm vụ của bộ đội phòng không trong các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang là: bảo vệ các trung tâm, khu vực và cơ sở chính trị-hành chính và kinh tế chống các cuộc tiến công đường không của đối phương; bảo vệ các tuyến giao thông hậu phương và quân đội trước tác động của không quân đối phương; bảo vệ các cụm quân ta trên chiến trường và trong chiều sâu chiến dịch, trong các khu vực hình thành và tập trung lực lượng dự bị chống không quân địch tấn công và trinh sát; ngăn chặ không quân địch tấn công các sân bay, căn cứ hải quân, hải cảng, sở chỉ huy, trung tâm điều khiển.
Mỗi một nhiệm vụ trong các nhiệm vụ tổ hợp nêu trên hàm chứa hàng loạt các nhiệm vụ riêng mà việc giải quyết chúng thường diễn ra trong khuông khổ các loại hình tác chiến khác nhau. Ví dụ, bảo vệ các trung tâm, khu vực và cơ sở chính trị-hành chính và kinh tế của đất nước chống các cuộc tiến công đường không của đối phương có thể là nhiệm vụ độc lập của các cụm lực lượng phòng không mục tiêu chuyên trách, hay được thực hiện trong khuô khổ các hành động của một cụm lực lượng phòng không khu vực (khu vực-mục tiêu). Việc thực hiện nhiệm vụ này đã được tiến hành với sự phối hợp của bộ đội phòng không lục quân và các lực lượng phòng không hạm đội.
Các hình thức chính sử dụng bộ đội phòng không là các hoạt động tác chiến chung hay độc lập nhằm phá vỡ các chiến dịch đường không của đối phương.
Về nội dung, phòng không trong các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang thực tế là đến cuối thập kỷ 1980 vẫn là chống máy bay. Nội dung của phòng không vẫn không thay đổi kể cả sau khi bắt đầu sử dụng tên lửa đất đối đất hay không đối đất. Đó là vì các nước bị tấn công không có khả năng kỹ thuật để phát triển hay mua sắm các phương tiện phòng không đắt tiền và tinh vi. Bởi vậy, việc tác chiến với tên lửa hành trình và đường đạn vẫn đã được tiến hành bằng cùng những phương tiện dùng để đối phó với máy bay có người lái và máy bay không người lái.
Năm 1991, khi lực lượng liên quân đa quốc gia tiến hành chiến dịch Bão táp sa mạc (Operation Desert Storm) chống Iraq, trong hệ thống phòng không Saudi Arabia và Israel đã sử dụng thành công hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ để chống các tên lửa chiến dịch-chiến thuật Scud do Liên Xô sản xuất phóng đi từ lãnh thổ Iraq. Điều đó cho thấy rằng, cùng với phòng không chống máy bay thì phòng thủ chống tên lửa cũng đã bắt đầu xuất hiện. Nhưng chỉ có các quốc gia phát triển về kinh tế mới có thể xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của không quân đối với bất kỳ bên tấn công nào cũng là tấn công các trung tâm chính trị-hành chính và kinh tế nhằm phá vỡ việc điều hành đất nước và lực lượng vũ trang, loại khỏi vòng chiến các xí nghiệp công nghiệp, các đầu mối giao thông lớn, các nhà máy điện và công trình thủy lợi, các đài phát thanh-truyền hình và làm mất tinh thần dân thường. Do đó, nhiệm vụ phòng không tin cậy cho các cơ sở này là nhiệm vụ chính của bộ đội phòng không.
Kinh nghiệm tác chiến của bộ đội phòng không nên bắt đầu xem xét từ cuộc chiến của Mỹ chống Việt Nam.
(còn tiếp)
Theo VND