Cơ quan tình báo quốc phòng của Lầu Năm Góc đã công bố một bản đánh giá mới về sức mạnh quân sự của Nga, và theo bản báo cáo này Nga đang phục hồi năng lực quân đội như thời Chiến tranh lạnh. Lầu Năm Góc cũng kết luận rằng quân đội Nga hiện nay được xây dựng trên nền tảng kế thừa từ quân đội Liên Xô trước đây nhưng đã hiện đại hóa cả về năng lực thực tế lẫn học thuyết dẫn đường.
"Quân đội Nga đã xây dựng dựa trên học thuyết quân sự, cấu trúc và khả năng của Liên Xô cũ, và mặc dù vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nền tảng của Liên Xô trước đây nhưng Nga đã hiện đại hóa chiến lược, học thuyết cũng như các chiến thuật quân sự để có thể sử dụng các các vũ khí bất đối xứng như tấn công không gian mạng và các hoạt động tấn công phi trực tiếp", báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay.
Những năm sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, quân đội Nga đã bị suy yếu nghiêm trọng. Trong khi Liên Xô từ bỏ việc sử dụng vũ khí hạt nhân trước, nước Nga mới lại phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân để bù đắp cho sự yếu kém về vũ khí thông thường của quân đội nước này. Tuy nhiên, Nga đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào hạt nhân khi nước này tái xây dựng lực lượng quy ước và tích lũy thêm nhiều loại vũ khí dẫn đường chính xác hiện đại.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết: "Một trong những rào cản lớn nhất của Nga kể từ khi Liên Xô tan rã là nhu cầu phải phụ thuộc nặng nề vào lực lượng hạt nhân để ngăn chặn xâm lược, điều này khiến Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên".
"Nga đã xây dựng năng lực của lực lượng thông thường, đồng thời hiện đại hóa lực lượng hạt nhân để tạo ra một quân đội cân bằng hơn. Mátxcơva đã nhấn mạnh việc phát triển vũ khí tấn công chính xác thông thường và mới đây, nước này đã thử nghiệm các vũ khí mới trong điều kiện chiến đấu ở Syria, cung cấp cả khả năng phi hạt nhân tiên tiến để tạo ảnh hưởng trên chiến trường".
Lầu Năm Góc cho rằng về lâu dài, Nga khát khao trở lại làm một cường quốc như thời đế chế Nga trước kia và thời Liên Xô.
"Mong muốn của Nga là trở thành một nhà lãnh đạo trong một thế giới đa cực và lấy lại được vị thế cường quốc thời Sa hoàng và thời Liên Xô. Điều này đòi hỏi một quân đội có khả năng ngăn chặn sự xâm lược của nước ngoài, chống lại các xung đột từ khủng hoảng khu vực đến chiến tranh hạt nhân, khả năng triển khai sức mạnh và quân đội trong nếu cần thiết để can thiệp vào các cuộc xung đột trên phạm vi toàn cầu", báo cáo nhận định.
"Mặc dù nền kinh tế Nga đang khủng hoảng và điều này sẽ ảnh hưởng đến chương trình hiện đại hóa quân đội của Nga, tuy nhiên Nga vẫn đang nhanh chóng triển khai một lực lượng hiện đại, có thể thách thức đối thủ và hỗ trợ tham vọng “cường quốc” của Nga".
Để đạt được tham vọng đó, Nga đang tái xây dựng quân đội. "Mục tiêu lâu dài của Mátxcơva là xây dựng một quân đội sẵn sàng tiến hành các cuộc xung đột từ chiến tranh khu vực tới một cuộc xung đột chiến lược có thể dẫn tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân", Lầu Năm Góc cảnh báo.