Nga giúp Trung Quốc “nhẹ gánh” ở Biển Đông?

Khi Nhật Bản dồn lực lượng xuống phía Nam để đối phó với việc Trung Quốc hung hăng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, thì ngày 25/3, bộ Quốc Phòng Nga đã tiết lộ kế hoạch bố trí tên lửa hiện đại và xây dựng một căn cứ tại quần đảo Kuril đang có tranh chấp với Nhật Bản.
Quần đảo Kurin
Quần đảo Kurin

Theo Sputnik ngày 27/3, công đoạn khảo sát thăm dò  nền đáy căn cứ  tương lai sẽ bắt đầu ngay trong tháng tới. "Trong tháng 4, các thủy thủ Hạm đội Thái Bình Dương sẽ thực hiện cuộc hành quân thám hiểm ba tháng ở các đảo của chuỗi đảo Kuril Lớn. Mục tiêu chính là  khám phá mọi khả năng của căn cứ triển vọng dành cho Hạm đội Thái Bình Dương",  Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết.

Công trình xây dựng chủ thể quân sự, theo ước tính sơ bộ, sẽ mất 2-3 năm. Nhiều khả năng là địa điểm xây dựng căn cứ mới được lựa chọn sẽ ở trên hòn đảo lớn nhất của chuỗi Kuril - đảo Shumshu.

Quần đảo Kuril sẽ được bảo vệ bởi tổ hợp hệ thống tên lửa loại Bal-E và Bastion, cũng như các phương tiện không người lái Eleron-3. Theo dự kiến, toàn bộ những thiết bị quân sự này cũng được bố trí trên dãy đảo chính.

Động thái của Moscow được cho là sẽ buộc Tokyo quan tâm trở lại với mặt trận phía Bắc, qua đó giảm bớt nguồn lực giành cho phía Nam, nhất là khu vực Biển Đông, nơi mà Nhật Bản không có lợi ích trực tiếp. Trung Quốc được cho là sẽ hưởng lợi nhờ động thái của Nga.

Theo truyền thông Nga, chiến lược này bao gồm hai vế, vế thứ nhất là triển khai các hệ thống tên lửa phòng thủ ven biển Bal và Bastion trên các đảo Kuril. Bastion là một hệ thống phòng thủ lưu động, bao gồm hai tên lửa chống hạm, tầm bắn 300km, trong lúc tên lửa chống hạm Bal cũng có tầm bắn tương tự. Hệ thống chống hạm này sẽ tăng cường cho hệ thống tên lửa phòng không Tor đã được triển khai vào năm ngoái. Bên cạnh đó, các máy bay không người lái thế hệ mới Eleron-3 cũng sẽ được đưa đến quần đảo Kuril.

Vế thứ hai của chiến lược này là dự án thiết lập một căn cứ Hải quân cho Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga tại vùng quần đảo Kuril. Tàu của Hạm Đội này sẽ đến khu vực này ngay vào tháng 4 tới để nghiên cứu khả thi trong vòng ba tháng.

Tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Kuril là một cái gai luôn khuấy động quan hệ Nga-Nhật. Vào năm 1945, sau khi Nhật Bản bị thua trong cuộc Đệ Nhị Thế Chiến, Liên Xô đã chiếm lấy 4 hòn đảo Etorofu, Kunashiri, Shikotan và nhóm đảo nhỏ Habomai thuộc quần đảo Kuril.

Nhật đã đòi lại, nhưng trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô luôn bác bỏ không công nhận là hai bên có tranh chấp lãnh thổ. Phải chờ đến năm 1993, nhân chuyến công du Tokyo của tổng thống Nga thời đó là Boris Eltsine thì vấn đề tranh chấp mới được chính thức thừa nhận.

Cho dù vậy, hai bên vẫn không giải quyết được hồ sơ Kuril, và chính vì vậy mà cho đến nay, giữa Nga và Nhật vẫn chưa chính thức có hòa ước kết thúc chiến tranh.

Có những lúc quan hệ Nga-Nhật có dấu hiệu được cải thiện khiến giới quan sát cho là vấn đề tranh chấp Kuril sẽ được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên từ sau khi Nga can thiệp vào Ukraine và bị phương Tây trừng phạt, Nhật Bản cũng đã phải đi theo các đồng minh, khiến cho quan hệ giữa Tokyo và Moscow tương đối căng thẳng trở lại.

Cho dù vậy, Nhật Bản không còn xem Nga là mối đe dọa quân sự ở phía Bắc, cho nên đã dần dần chuyển hướng chiến lược, chú ý nhiều hơn đến phía Nam, nơi Tokyo phải đối phó với thái độ càng lúc càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.

Chiến lược mới của Nhật Bản là còn can thiệp vào Biển Đông, đặc biệt là giúp đỡ các nước Đông Nam Á đang bị Trung Quốc chèn ép trên biển. Sự can thiệp của Nhật Bản được xem là một yếu tố mà Bắc Kinh cũng phải quan tâm nhất định.

Vấn đề đặt ra hiện nay là với động thái của Nga tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực nằm ở miền Bắc nước Nhật, liệu Tokyo có thể tiếp tục đà chuyển hướng chiến lược, đã bắt đầu từ những năm gần đây hay không?

Trong thời gian tới đây, với chuyến công du Nga của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự trù vào tháng Năm, người ta sẽ rõ thêm. Tuy nhiên động thái của Nga tại vùng Kuril được cho là sẽ buộc Nhật Bản phải chú ý, do đó vấn đề lưu tâm đến Biển Đông có thể bị giảm sút.