Israel có ý đồ xóa sổ tiềm lực quân sự Syria
Từ ngày 8 đến ngày 10/12, Israel đã tiến hành khoảng 350 cuộc không kích vào các mục tiêu quân sự của Syria với mục đích nhân cơ hội tình hình lộn xộn tiêu diệt tiềm lực quân sự của đối thủ tiềm tàng này.
Phía Israel cho biết họ đã tiêu diệt được khoảng 80% sức mạnh quân sự của Syria. Điều đáng nói là Israel cũng đã tiến hành các cuộc không kích vào một số sân bay quân sự của Nga ở Syria. Nga trong vài ngày qua đã liên lạc với các thủ lĩnh vũ trang của phe đối lập Syria và dường như muốn tiếp tục ở lại Syria.
Căn cứ hải quân Tartus là một bàn đạp quan trọng để Nga triển khai lực lượng vũ trang tới Syria, toàn bộ Trung Đông và thậm chí cả châu Phi. Tại đây ngoài các tàu của Nga cũng có các tàu của hải quân Syria.
Independent, CNN và nhiều cơ quan truyền thông khác của phương Tây đưa tin, tối 10/12, Không quân Israel đã tiêu diệt hạm đội Syria cùng một số tàu hải quân Nga đậu ở cảng quân sự Tartus ở Syria do không thể rút lui kịp thời.
Hải quân Syria có quy mô tương đối nhỏ với khoảng 4.000 quân vào năm 2023. Trước khi chính phủ Assad sụp đổ, hải quân Syria sở hữu 16 tàu cao tốc tên lửa lớp OSA-2. Hạm đội của Syria còn có 6 tàu quét mìn do Liên Xô chế tạo, 16 tàu tuần tra, ba tàu đổ bộ lớp Polnocny với lượng giãn nước 834 tấn, một tàu huấn luyện 3.500 tấn, 18 trực thăng Mi-14 và 6 chiếc Ka-28, cùng một số tên lửa diệt hạm P-800, P-5, P-15M/P-22 và Noor.
Đài truyền hình Al-Hadath thuộc sở hữu của Arab Saudi cũng đã phát sóng đoạn video cho thấy cảng hải quân Tartus trong tình trạng hỗn loạn sau cuộc tấn công, cho thấy đống đổ nát đầy khói của một số tàu hải quân trông giống như tàu tên lửa lớp OSA-2.
Ngày 8/12, nhiều cơ quan truyền thông trong đó có Al Jazeera đưa tin sau khi lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad mất quyền kiểm soát Damascus, lực lượng đối lập tiếp tục tiến rất nhanh ở các tỉnh Latakia, Hama và Tartus; lực lượng quân sự của Nga tại Syria đã quyết định rút các tàu chiến khỏi căn cứ hải quân ở Tartus Syria.
Quân đội Nga ở Syria bị vạ lây
Ngày 8/12, các phóng viên đã chụp được hình ảnh một tàu chở hàng tên là "Kỹ sư Trubin" và tàu khu trục "Đô đốc Grigorovich" của Hạm đội Biển Đen của Nga rời khỏi cảng quân sự Tartus và đi về phía Địa Trung Hải.
Ngoài ra, Nga cũng gấp rút vận chuyển vũ khí và thiết bị quân sự còn lại ở Syria về nước bằng các máy bay vận tải quân sự có trụ sở tại Căn cứ Không quân Khmeimim. Những chiếc tàu Nga bị Israel ném bom vào tối ngày 10/12 có lẽ là trang bị mà quân Nga chưa kịp rút lui.
Theo tin trên các báo, trong các ngày 9 và 10/12, Israel cũng thực hiện các cuộc không kích vào một số sân bay quân sự của Nga ở Syria.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố các cuộc không kích vào các căn cứ quân sự ở nước láng giềng Syria là cần thiết để ngăn chặn việc sử dụng những vũ khí này chống lại Israel sau khi ông Assad bỏ trốn.
Hai nguồn tin an ninh Syria nói với các phóng viên rằng các máy bay Israel đã ném bom ít nhất ba căn cứ không quân lớn của Syria, nơi có hàng chục máy bay trực thăng và máy bay phản lực trú đậu.
Các nguồn tin cho biết Căn cứ không quân Qamishli ở đông bắc Syria, căn cứ Sinshal ở vùng nông thôn Homs và sân bay Akrba ở phía tây nam thủ đô Damascus đều bị tấn công. Tất cả máy bay của quân đội Bashar al-Assad và máy bay quân sự của quân đội Nga chưa rời đi đậu tại các căn cứ không quân này đều bị phá hủy.
Việc ông Bashar al-Assad trốn thoát khỏi Syria chắc hẳn đã nằm ngoài dự đoán của Nga. Do sự việc xảy ra bất ngờ và việc sắp xếp rút lui không tốt, quân đội Nga có lẽ chỉ mang đi được một số trang thiết bị quan trọng hơn. Có nhiều doanh trại quân đội và căn cứ quân sự của Nga ở Syria, trong đó có quân cảng Tartus, vẫn còn một số trang thiết bị chưa được mang đi.
Israel tận dụng tình hình hỗn loạn
Hãng tin Nga RIA Novosti ngày 9/12 đưa tin Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cùng ngày hôm đó cho biết Nga đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết và có thể liên lạc với các thủ lĩnh lực lượng vũ trang đối lập Syria nhằm đảm bảo an toàn cho các căn cứ quân sự của Nga ở Syria. Việc duy trì sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria sẽ trở thành chủ đề của "cuộc đối thoại nghiêm túc" giữa Nga và chính quyền mới ở Syria trong tương lai.
Tuy nhiên, khi Syria đang ở trong "giai đoạn chuyển tiếp cực kỳ bất ổn", phe đối lập không còn thời gian để ý đến những yêu cầu này của Nga, và phía Israel tất nhiên ít có khả năng bỏ lỡ cơ hội hiếm có để tận dụng tình hình hỗn loạn này loại bỏ những mối đe dọa tiềm tàng.
Một số tài sản quân sự không kịp rút đi đã bị Israel phá hủy. Đây là điều người Israel muốn Nga phải nhận vì đã hỗ trợ các tổ chức dân quân Iran, Syria, Hezbollah, Hamas, Houthi ở Trung Đông đối đầu với họ trong nhiều năm qua.
Theo Tân Hoa Xã, vào tháng 9/2015, theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Không quân Nga đã đóng quân tại Căn cứ Không quân Hmeimim ở Syria để giúp quân đội của ông Assad tấn công lực lượng đối lập ở Syria. Tháng 12/2017, Nga tuyên bố rút quân khỏi Syria, nhưng một số binh sĩ vẫn tiếp tục đóng quân tại Căn cứ không quân Hmeimim ở tỉnh Latakia của Syria và Căn cứ hải quân Tartus ở tỉnh Tartus.
Căn cứ hải quân Tartus của Syria nằm cách thủ đô Damascus 160 km về phía tây bắc. Theo luật pháp Nga, đây là cơ sở hải quân duy nhất nằm ngoài nước Nga và cũng là bàn đạp quan trọng để Nga triển khai lực lượng vũ trang tới Syria, toàn bộ Trung Đông và thậm chí cả châu Phi.
Lãnh đạo lâm thời Syria cam kết tái thiết đất nước trong bối cảnh cạn tiền
Thứ trưởng Ngoại giao Nga tiết lộ đã đưa ông Assad theo "cách an toàn nhất" đến Moscow
Các lực lượng được Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ký thỏa thuận ngừng bắn ở Syria
Theo QQnews