Hiệp ước trên – có hiệu lực từ năm 2002, phủ sóng trên 34 quốc gia và được thiết kế nhằm xây dựng lòng tin giữa các bên ký kết – cho phép các nước thành viên thực hiện các chuyến bay do thám không mang vũ khí nhằm thu thập thông tin về hoạt động quân sự của các bên còn lại.
Nga và Mỹ - hai siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới – đã sử dụng hiệp ước này để theo dõi các hoạt động của nhau. Tuy nhiên, trong tháng trước, các nhà lập pháp cấp cao thuộc đảng Dân chủ của Mỹ nói họ tin rằng Tổng thống Donald Trump sẽ sớm rút Washington khỏi hiệp ước này.
Hãng RIA hôm 7/11 dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Nga nói rằng, việc Washington rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở sẽ gây ra một đòn giáng mạnh tới an ninh toàn cầu, nhưng thêm rằng Moscow đã sẵn có trong tay biện pháp đáp trả nếu viễn cảnh đó xảy ra.
“Đương nhiên. Chúng tôi đã sẵn sàng mọi thứ. Các bạn sẽ sớm biết thôi” – ông Vladimir Ermakov, người đứng đầu Cơ quan kiểm soát vũ trang và không phổ biến hạt nhân, thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói với RIA.
Việc Mỹ rút khỏi một hiệp ước như Bầu trời Mở sẽ tiếp tục làm xói mòn cấu trúc kiểm soát vũ trang toàn cầu, vốn đang chịu sức ép ghê gớm kể từ hồi tháng 8 năm nay, thời điểm mà Mỹ rút khỏi một hiệp ước kiểm soát vũ trang hạt nhân quan trọng khác.
Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn đang được Nga và Mỹ duy trì, New START, sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021. Moscow đã cảnh báo rằng sẽ không có đủ thời gian để hai bên đàm phán về một thỏa thuận thay thế cho New START.
Theo Reuters