Nga điều tên lửa khủng tới Syria, Mỹ và NATO la làng

Việc đưa các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến SA-22 tới Syria khiến phương Tây lo ngại vì IS và các nhóm dân quân đối lập không hề có máy bay.  Hệ thống này đã có mặt tại Syria từ năm 2013. Tuy nhiên, giới ngoại giao phương Tây nói các hệ thống tên lửa mới tiên tiến hơn nhiều.
Hệ thống tên lửa Pantsir-S1 cho Syria được cho là cực mạnh
Hệ thống tên lửa Pantsir-S1 cho Syria được cho là cực mạnh

Nga vừa kêu gọi hợp tác quân sự với Mỹ để tránh “những sự cố ngoài ý muốn” tại Syria, khi thực hiện các cuộc diễn tập quân sự ngoài khơi Syria, trong khi giới chức Mỹ tin rằng Mátxcơva đang xây dựng lực lượng nhằm bảo vệ tổng thống Bashar Assad.

Mỹ đang sử dụng không phận Syria để dẫn dắt chiến dịch không kích chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Sự hiện diện ngày càng tăng của Nga tại Syria làm nổi lên viễn cảnh đối đầu Chiến tranh lạnh giữa đôi bên trên chiến trường. Cả Mátxcơva và Washington đều tuyên bố IS đang chiếm đóng một khu vực lãnh thổ rộng lớn tại Syria và Iraq là kẻ thù của mình. Tuy nhiên Nga ủng hộ chính quyền của ông Assad, trong khi Mỹ nói rằng sự có mặt của ông khiến tình hình tồi tệ thêm.

Những ngày gần đây, giới chức Mỹ cáo buộc Nga đang tăng cường vũ khí trang bị và lực lượng tới Syria. Tổng thống Mỹ Obama cho biết sẽ không thay đổi chiến lược chống IS, bao gồm các kế hoạch của Mỹ lãnh đạo liên quân quốc tế không kích vào Syria. Trong báo cáo mới nhất, hai quan chức phương Tây và một nguồn tin Nga nói rằng Mátxcơva đã gửi các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến SA-22 tới Syria. Hệ thống tên lửa này được điều khiển bởi người Nga hơn là binh sĩ Syria, giới chức phương Tây cho biết.

Việc đưa các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến SA-22 tới Syria khiến phương Tây lo ngại vì IS và các nhóm dân quân đối lập không hề có máy bay. Một nguồn tin Nga nói rằng đây không phải lần đầu Nga chuyển giao Pantsir-S1 cho Syria. Hệ thống này đã có mặt ở nước này từ năm 2013. Tuy nhiên, giới ngoại giao phương Tây nói các hệ thống tên lửa mới tiên tiến hơn nhiều.

Các quan chức Mỹ ở Washington còn cho biết, khoảng 200 lính thủy Nga hiện đang đóng tại một sân bay gần thành phố Latakia của Syria, một thành trì của ông Assad và số lượng binh sĩ Nga đã tăng lên những ngày gần đây. Một quan chức đánh giá phần lớn các lực lượng trên liên quan tới việc chuẩn bị sân bay cho việc sử dụng sắp tới. Các nguồn tin Lebanon cũng cho biết ít nhất một số lính Nga hiện đang tham chiến trong các chiến dịch hậu thuẫn lực lượng của ông Assad. Nhưng Nga bác bỏ thông tin trên.

Ông Obama cho rằng Nga nên sử dụng biện pháp ngoại giao hơn là vũ lực để ngăn chặn ảnh hưởng của IS. Tổng thống Mỹ nhận xét IS gây ra đe dọa lớn đối với Nga hơn với Mỹ do Nga có số dân theo Hồi giáo đông hơn. Trong cuộc họp báo tại Mátxcơva, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Nga đang gửi trang thiết bị giúp ông Assad chiến đấu chống IS. Quân nhân Nga có mặt tại Syria chỉ để lắp ráp trang thiết bị và dạy các binh sĩ Syria cách thức vận hành các vũ khí này.

Theo ông Lavrov, các cuộc tập trận hải quân của Nga ở phía đông Địa Trung Hải đã được lên kế hoạch từ lâu và phù hợp với luật pháp quốc tế. Một biên đội 5 chiến hạm Nga được trang bị tên lửa dẫn đường có kế hoạch thao diễn ngoài khơi Syria. “Họ huấn luyện sử dụng pháo và hệ thống phòng không chống trả tập kích đường không và bảo vệ bờ biển”, nguồn tin cho biết. Nga đã thông báo nhiều vòng diễn tập hải quân, bắn thử rocket trên biển Syria trong thời gian từ 8/9 tới 7/10.

Ông Lavrov chỉ trích Washington về việc cắt kênh liên lạc quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO sau cuộc khủng hoảng Ukraine hồi năm ngoái. “Những cuộc tiếp xúc như vậy rất quan trọng để tránh những sự cố ngoài ý muốn. Chúng tôi luôn mong muốn quân đội trao đổi với nhau một cách chuyên nghiệp”, ông Lavrov nói.

Giới chức Mỹ cho biết họ không rõ ý định của Mátxcơva tại Syria là gì. Nga là đồng minh của Syria từ thời Chiến tranh Lạnh, hiện vẫn duy trì căn cứ quân sự duy nhất ở nước ngoài tại Tartus của Syria, và việc bảo vệ căn cứ này là một mục tiêu chiến lược. Mấy tháng gần đây, thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã làm dấy lên viễn cảnh các cường quốc bên ngoài đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến tại Syria, đề xuất một khu vực an toàn gần biên giới nước này.

Nội chiến tại Syria 4 năm qua đã làm 250.000 người chết và khiến một nửa trong số 23 triệu dân Syria phải rời bỏ nhà cửa. Rất nhiều trong số này đã tìm cách chạy sang các nước châu Âu, tạo ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ hiện nay.

Theo QPAN