Chiến dịch quân sự của Nga chung quy là một cơ hội thực sự để đánh giá năng lực tác chiến mới của Nga, trong đòn đánh tên lửa hành trình từ chiến hạm, cải thiện năng lực hậu cần và các đơn vị tinh nhuệ. Và cũng qua đó, nhận ra đâu là những điểm yếu của Nga.
“Điều đó giống như trong một trận bóng đá. Nếu như bạn đang đấu với đội tuyển Đức, sau đó bạn phải quan sát xem Đức thi đấu thế nào, đúng không? Đó là việc tự nhiên phải làm thôi”, Janis Berzins, giám đốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và an ninh thuộc Học viện Quốc phòng quốc gia Latvia, một thành viên NATO sát biển giới Nga nói.
Không một chuyên gia nào mong đợi Nga hay NATO sớm lao vào một cuộc chiến quy ước. Nhưng với việc can thiệp hạn chế vào hai cuộc xung đột tại Ukraine và Syria trong vòng hai năm qua, tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho thấy quân đội Nga ngày càng hiệu quả, cũng như sự ưa thích của ông khi dùng sức mạnh để đạt được các mục tiêu địa chính trị lớn hơn.
“Họ đã thể hiện rằng họ đủ thông minh để dấn vào và thoát ra, cũng như họ biết rõ cách thức dùng các chiến dich quân sự đó để hậu thuẫn cho các mục tiêu ngoại giao như thế nào”, Evelyn Farkas, chuyên gia thuộc Hội đồng Allantic và từng là trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách quốc phòng về Nga, Ukraine và Âu-Á cho tới năm ngoái nhận xét.
Không phải luôn luôn như vậy. Vào năm 2008, khi Nga mất ít nhất 4 chiến đấu cơ trước hệ thống phòng không của Georgia trong cuộc chiến 5 ngày ngắn ngủi đã bị phương Tây xem là một thất bại và chứng tỏ quân đội Nga với hầu hết là lính nghĩa vụ chỉ là một mớ hỗn độn, cồng kềnh yếu kém.
Khi tướng James Stavridis trở thành tư lệnh NATO năm 2009, khối quân sự này thậm chí còn không thèm xây dựng kế hoạch đề phòng Nga. Ông Stavridis phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2015: “Chúng tôi đã không có lấy một kế hoạch xếp xó nhằm ngăn chặn Nga. Chúng tôi đã không soạn thảo nó sau khi bức tường sụp đổ (ý nói bức tường Berlin). Giai đoạn này đã chấm dứt”, đô đốc Stavridis nói.
Hiện nay, NATO đã liên tục tổ chức các cuộc tập trận và xem xét triển khai quân ở các nước thành viên khu vực Baltics, Ba Lan và Đông Âu, thừa nhận lo ngại ngày càng tăng trong các nước láng giềng Nga về khả năng về một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga, sử dụng các nguồn lực mới, phi quy ước.
“Niềm tin từng tồn tại trong năm 1990 rằng không có khả năng xung đột quân sự tại châu Âu với Nga, và niềm tin này đã biến mất bởi những chiến dịch gần đây. Hiện nay cần thiết phải có kế hoạch phòng vệ, trong khi trước đây thì không”, Igor Sutyagin, chuyên gia về quân sự Nga tại Luân Đôn phát biểu.
Cuộc chiến với Georgia đã giúp Nga khởi động một chương trình cải tổ và hiện đại hóa quân đội rộng lớn mà nhà phân tích quân sự Gustav Gressel thuộc Hội đồng châu Âu về đối ngoại xem là một “cuộc cách mạng quân sự thầm lặng”. Theo ông Gressel, quan trọng hơn việc sản xuất các vũ khí thiết bị quân sự mới, là tính chuyển nghiệp và hiệu quả của quân đội Nga ngày càng tăng lên thông qua việc huấn luyện tốt hơn và cải cách bộ máy hành chính.
Chẳng hạn, việc cấu trúc lại quân đội tập trung vào các đơn vị mới, tính cơ động cao và trinh sát độc lập. Những cải tổ này đã được thể hiện trong chiến dịch Nga sáp nhập Crimea, khi nhưng binh sĩ bề ngoài không được xác định nhưng được huấn luyện tốt khiến các nhà quan sát phương Tây kinh ngạc.
Trái lại, chiến dịch quân sự tại Syria lại liên quan đến việc điều động một lực lượng viễn chinh với các chiến đấu cơ nâng cấp và hiện đại đã chứng tỏ tính hiệu quả khiến NATO và Mỹ choáng váng. Nga đã sử dụng các thiết bị tác chiến điện tử tinh vi, thể hiện năng lực tác chiến điện tử ngày càng mạnh. Moscow cũng triển khai các thiết bị này tại vùng lãnh thổ Kaliningrad trong lòng châu Âu, kẹp giữa Ba Lan và Lithualia. Hơn nữa Kaliningrad được dùng như căn cứ để Nga triển khai hệ thống phòng không S-400 tối tân. Tương tự hệ thống Nga đã triển khai tại Syria và có thể thiết lập một vùng cấm bay được gọi là “chống tiếp cận”.
Nga đã phát động đòn tấn công bằng tên lửa hành trình tầm xa Kalibr từ Biển Đen, cho thấy một mối đe dọa tiềm tàng khác, có thể tấn công các mục tiêu tại châu Âu đòi hỏi một số dạng thức phòng không độ cao thấp để đáp trả. Các tên lửa loại này cũng đặt các phi công Nga trước nguy cơ trên không phận NATO trong trường hợp nổ ra xung đột không mong muốn, Sutyagin nói.
Tuy nhiên quân đội Nga cũng bộc lộ các dấu hệu về một số hạn chế, đặc biệt là thiếu vũ khí chính xác sử dụng tại Syria. Trong các videoa do bộ quốc phòng Nga công bố và trên truyền hình Syria, không quân phụ thuộc nhiều và các loại “bom ngu”, chỉ ra rằng do nguồn cung bị thiếu hụt hoặc do gặp khó khăn về hệ thống chỉ thị mục tiêu.
Nga cũng bị cáo buộc gây tổn thất phụ, tạo dòng người ti nạn mới từ Syria tràn sang châu Âu khiến tướng Philip M. Breedlove, tư lệnh NATO gọi đó là chiêu “vũ khí hóa người nhập cư”.
Tuy nhiên, tiết lộ ấn tượng nhất là việc chiến dịch triển khai quân sự tại Syria cho thấy bằng chứng cải thiện trong khâu kế hoạch hậu cần của Nga. Các nguồn tiếp tế từ lâu được coi là một yếu điểm của quân đội Nga nay có vẻ trong điều kiện rất tốt.
“Khi nó bắt đầu, có sự thống nhất tuyệt đối ở Washington rằng người Nga sẽ không thể giữ nhịp độ tác chiến. Họ đã chứng tỏ chúng ta hoàn toàn sai lầm”, Mark Galeotti, chuyên gia về an ninh Nga và là giáo sư về đối ngoại toàn cầu tại Đại học New York thừa nhận.
Xem xét các cuộc tập trận gần đây, ít nhất một cuộc có tiềm năng được Nga sử dụng năng lực quân sự mới có thể biến thành một chiến dịch chống khủng bố tại Trung Á hoặc tại Afghanistan, Galeotti nhận định. Nga cùng với các thành viên trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự chống lại một cuộc xâm chiếm của một lực lượng tương tự IS vào Tajikistan, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ giáp Afghanistan.
Song đơn giản nhất là các cuộc can thiệp đầu tiên của Nga ở nước ngoài thời gian gần đây đã chứng tỏ rằng Moscow có thể tiếp tục làm như vậy, một yếu tố mà NATO và phương Tây buộc phải có kế hoạch đối phó, Washington Post kết luận.