Khi ông Putin tiến hành cuộc xung đột Ukraine, một rào cản kỹ thuật số đã xuất hiện giữa Nga và thế giới. Những động thái trừng phạt từ các bên đã phá vỡ mạng lưới internet mở của Nga.
TikTok và Netflix đang tạm ngừng dịch vụ của họ tại quốc gia này. Facebook đã bị chặn. Twitter đã bị chặn một phần và YouTube cũng đã chặn những quảng cáo tại quốc gia này. Apple, Samsung, Microsoft, Oracle, Cisco và những công ty khác dừng hoạt động tại Nga. Ngay cả các trò chơi điện tử trực tuyến như Minecraft cũng không còn nữa.
Các hành động này đã biến Nga thành một quốc gia kỹ thuật số kín kẽ giống như Trung Quốc và Iran, những quốc gia kiểm soát chặt chẽ internet và kiểm duyệt các trang web nước ngoài. Mạng lưới Internet của Trung Quốc và phương Tây đã trở nên gần như hoàn toàn tách biệt trong những năm qua. Tại Iran, các nhà chức trách đã ngắt internet để tránh cổ vũ các cuộc biểu tình.
Brian Fishman, một thành viên cấp cao tại New America think tank và cựu Giám đốc chính sách chống khủng bố tại Facebook, cho biết: “Tầm nhìn về một mạng internet miễn phí và cởi mở chạy trên toàn thế giới không còn thực sự tồn tại nữa. Bây giờ mạng internet là cục bộ. Nó có những điểm nóng, nghẹt thở”.
Internet chỉ là một phần trong sự cô lập ngày càng tăng của Nga kể từ khi nước này xung đột với Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Theo đó, Nga đã bị cắt phần lớn khỏi hệ thống tài chính trên thế giới, các hãng hàng không nước ngoài sẽ không bay trong không phận của Nga.
Trong nhiều năm, các quan chức tại Nga đã tăng cường chiến dịch kiểm duyệt tại nhà và cố gắng tiến tới cái được gọi là “internet có chủ quyền”.
Việc các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt nhằm cô lập mạng lưới internet của Nga cũng đem lại một số lợi ích cho chính phủ nước này. Bởi điều này cho phép điện Kremlin kiểm soát hơn nữa những bất đồng chính kiến và thông tin không tuân theo đường lối của chính phủ. Theo luật kiểm duyệt được thông qua vào tuần trước, người sử dụng Internet có nguy cơ phải ngồi tù 15 năm nếu công bố “thông tin sai lệch” về cuộc chiến ở Ukraine.
Alp Toker, giám đốc NetBlocks, một tổ chức chuyên theo dõi kiểm duyệt internet ở London, cho biết: “Điều này sẽ giống như những năm 1980 bởi toàn bộ thông tin đột nhiên nằm trong tay của chính phủ".
Aleksei Pivovarov, người đã nghỉ việc trên đài truyền hình nhà nước gần một thập kỷ trước, cho biết anh đã "phát tài" khi bắt đầu sản xuất các chương trình tin tức và phát chúng trên YouTube. Gần ba triệu người đăng ký kênh YouTube của Aleksei Pivovarov. Đây là kênh anh ấy và một số người khác cung cấp các tin tức không có trên phương tiện truyền thông nhà nước.
“Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng sự nghiệp nhà báo của tôi đã kết thúc trước sự kiểm duyệt ngày càng tăng của chính phủ” anh nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Trước khi đến với YouTube, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng điều đó là có thể”.
Được biết, YouTube tuần trước đã chặn tất cả các tài khoản Nga kiếm tiền từ video của họ và cấm các kênh truyền hình nhà nước của Nga chiếu trên khắp châu Âu. Các chuyên gia dự đoán YouTube có thể là một trong những mục tiêu tiếp theo bị các cơ quan quản lý Nga chặn khỏi quốc gia này.
Không giống như Trung Quốc, nơi các công ty internet, công nghệ trong nước đã phát triển thành những gã khổng lồ trong hơn một thập kỷ qua thì ngành công nghiệp công nghệ tại Nga lại không thực sự phát triển.
Vì vậy, khi Nga bị cô lập về internet và công nghệ, họ có thể gặp phải hàng loạt vấn đề. Ngoài khả năng tiếp cận thông tin độc lập thì độ tin cậy của mạng internet, mạng viễn thông, cũng như tính khả dụng của phần mềm và dịch vụ cơ bản được sử dụng bởi các doanh nghiệp và chính phủ đều sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Hiện tại, các công ty viễn thông của Nga điều hành mạng điện thoại di động đã không còn quyền truy cập vào các thiết bị và dịch vụ mới từ các doanh nghiệp lớn như Nokia, Ericsson và Cisco. Những nỗ lực của các công ty Nga nhằm phát triển bộ vi xử lý mới cũng bị đình trệ sau khi TSMC - nhà sản xuất chất bán dẫn thiết yếu lớn nhất thế giới, tạm dừng việc chuyến hàng đến nước này. Yandex, công ty internet lớn nhất của Nga, với công cụ tìm kiếm được sử dụng phổ biến nhất (hơn cả Google) tại quốc gia này, đã cảnh báo rằng họ có thể vỡ nợ vì khủng hoảng.
Aliaksandr Herasmenka, nhà nghiên cứu tại chương trình dân chủ và công nghệ của Đại học Oxford, cho biết: “Toàn bộ thị trường CNTT, phần cứng và phần mềm mà Nga đang bị tổn hại nghiêm trọng".
Chính phủ Ukraine cũng đã gây áp lực buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet phải cắt quyền truy cập ở Nga. Các quan chức từ Ukraine đã yêu cầu ICANN, tổ chức phi lợi nhuận giám sát các miền internet, tạm dừng miền internet “.ru” của Nga. Tuy nhiên, tổ chức phi lợi nhuận đã từ chối những yêu cầu này.
Một số người dùng Internet của Nga dường như đang tìm cách giải quyết các hạn chế này từ chính phủ. Được biết, nhu cầu về VPN, công nghệ cho phép mọi người truy cập các trang web bị chặn bằng cách che vị trí của họ, đã tăng hơn 600% kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.
Theo The New York Times