Vụ thử hạt nhân vào ngày 6/1/2016 và vụ phóng tên lửa tầm xa vào ngày 7/2 của Triều Tiên đã làm nổi bật mối đe dọa đang gia tăng từ chế độ độc đoán bị bao vây này. Có những ước tính khác nhau về việc Triều Tiên đã thúc đẩy xa như thế nào các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của mình, và quan trọng nhất, liệu nước này có làm chủ công nghệ đưa các đầu đạn hạt nhân vào các tên lửa đạn đạo hay không. Cho dù Triều Tiên vẫn chưa kết hợp được với nhau một khả năng như vậy, nước này có thể đạt được nó trong vài năm, gây ra một mối đe dọa trực tiếp đối với các nước láng giềng ở Đông Bắc Á và cuối cùng là đối với chính đất Mỹ.
Trong đối phó với thách thức Triều Tiên, hai bên tham gia được nhìn nhận rộng rãi là mang tính then chốt là Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh và Washington không còn nghi ngờ gì nữa là những bên tham gia nhiều ảnh hưởng nhất ở Đông Bắc Á và đặc biệt là liên quan đến Triều Tiên. Tuy nhiên, sẽ sai lầm nếu bỏ qua những bên tham gia khác, đặc biệt là Nga. Bài viết này lập luận rằng Nga, cho dù được một số người miêu tả là “bên tham gia bị lãng quên” trong “vở kịch” Triều Tiên, có cả những lợi ích quan trọng trên bán đảo này và cả các khả năng để theo đuổi chúng.
Bài viết bắt đầu bằng xem xét lại vắn tắt lịch sử của sự can dự của Nga với Triều Tiên. Nó tiếp tục nhấn mạnh cách tiếp cận của Nga đối với các vấn đề Triều Tiên đã thay đổi như thế nào trong những năm gần đây như một kết quả của cuộc khủng hoảng Ukraine và sự đối đầu của Moskva với phương Tây. Ttìm hiểu việc Nga ngày càng chiều theo những lợi ích của Trung Quốc ở Đông Á có thể dẫn đến việc Moskva liên kết chặt chẽ với Bắc Kinh về vấn đề Bán đảo Triều Tiên như thế nào. Những kịch bản có thể có về hành xử của Nga đối với Triều Tiên đang được phác họa.
Nga và Triều Tiên: Sự hồi sinh một liên minh cũ?
Suốt kể từ nửa sau thế kỷ 19, sau khi giành được những gì hiện nay là phần lãnh thổ phía Nam của vùng Viễn Đông Nga, Nga là một bên tham gia chính trong các vấn đề Bán đảo Triều Tiên. Cuộc cạnh tranh về Triều Tiên là một trong những lý do chính giải thích tại sao đế chế Nga và Nhật Bản đã tiến hành chiến tranh vào năm 1904. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô là lực lượng trọng yếu đằng sau sự nổi lên của Triều Tiên, chính thức được biết đến dưới cái tên Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Kể từ khi Bán đảo Triều Tiên chia cắt thành hai thực thể chính trị thù địch, Moskva đã công nhận Bắc Triều Tiên là nhà nước Triều Tiên hợp pháp duy nhất và duy trì liên minh với nó trong khi đối xử với Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) chỉ như “một vùng lãnh thổ” và “con rối” của Mỹ chứ không phải một nhà nước có chủ quyền.
Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1999 và sự nổi lên của Chính quyền Boris Yeltsin của Moskva, chính quyền đã công khai tuyên bố những nguyên tắc dân chủ tự do và xem Nga là đối tác gần gũi của phương Tây, giáng một cú mạnh vào mối quan hệ Nga-Triều Tiên. Trong nửa đầu những năm 1990, nước Nga dân chủ mới về cơ bản đã từ bỏ liên minh lâu đời của mình là Triều Tiên và chuyển ưu tiên sang Hàn Quốc. Các mối quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự giữa Nga và Triều Tiên đã suy giảm thậm chí gần bằng 0. Moskva xem Triều Tiên là một nhà nước chuyên chế độc tài cùng khổ không có tương lai. Nhiều nhà quyết sách ở Moskva cho rằng Triều Tiên gần như sụp đổ và đã không phản đối việc sáp nhập Triều Tiên của Hàn Quốc theo những điều kiện của Hàn Quốc. Một yếu tố làm tăng thêm sự không thân thiện của Kremlin đối với Triều Tiên là thực tế Bình Nhưỡng đã duy trì các mối quan hệ tích cực với phe đối lập cộng sản chống lại chế độ Yeltsin.
Cho tới giữa những năm 1990, các chính sách của Moskva về các vấn đề Bán đảo Triều Tiên đã liên kết với – hay chính xác hơn là đi theo – những chính sách của Seoul, Washington và Tokyo. Việc này là do một vài yếu tố, như mong muốn của Nga hoạt động trên vũ đài quốc tế phù hợp với phương Tây, nỗi bận tâm của Nga với nhiều cuộc khủng hoảng trong nước, và những hy vọng gặt hái được những lợi ích vật chất từ Hàn Quốc dưới hình thức những khoản vay ưu đãi, sự đầu tư và công nghệ.
Trong cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 1993-1994, Nga gần như là người quan sát thụ động, đứng về phía Mỹ một cách hiệu quả và thậm chí ủng hộ việc Mỹ đe dọa áp đặt những sự trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên. Trong năm 1995, Moskva đã chính thức thông báo cho Bình Nhưỡng rằng Hiệp ước liên minh 1961 cam kết Liên Xô sẽ bảo vệ Triều Tiên đã lỗi thời và cần được thay thế bằng một hiệp ước khác mà không bao gồm điều khoản bảo vệ lẫn nhau.
Tuy nhiên, trong nửa sau những năm 1990, ở Moskva có những mối quan ngại ngày càng gia tăng về sự nghiêng hẳn về phía Seoul thay vì Bình Nhưỡng chỉ làm xói mòn địa vị của Nga ở Đông Bắc Á mà không mang lại cho nước này bất cứ một lợi ích thực chất nào. Moskva trở nên khó chịu với thực tế là nhóm 4 bên bao gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc nổi lên như cơ chế chủ đạo để giải quyết các vấn đề bán đảo Triều Tiên – với Nga đã bị gạt ra. Moskva cũng cảm thấy Seoul đã cho thấy ít quan tâm đến Nga sau khi nước này giảm bớt các mối quan hệ với Triều Tiên. Bộ trưởng Ngoại giao mới của Nga, Evgeny Primakov, người vào năm 1996 đã thay thế Andrei Kozyrev thân phương Tây, đã có những nỗ lực sửa chữa chính sách này với mục đích chỉnh đốn các mối quan hệ với Bình Nhưỡng và tăng vị thế Nga trong các vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, sự kiểm soát của Nga vẫn quá yếu để tạo ra bất cứ tác động đáng chú ý nào lên sự cân bằng chiến lược của bán đảo này.
Với việc ông Vladimir Putin lên cầm quyền vào năm 2000 và Nga phục hồi từ tình trạng hỗn loạn vào những năm 1990, Moskva đã có nhiều nguồn lực hơn – và nhiều ý chí chính trị hơn – để theo đuổi các chính sách đối ngoại chủ động và độc lập. Ngoài ra, vào cuối những năm 1990, sự bất đồng quan điểm về một số vấn đề then chốt giữa Nga và phương Tây đã trở nên rõ ràng. Nga hiện nay cảm thấy ít có nghĩa vụ phải chiều theo phương Tây – và Seoul – về các vấn đề Bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, những dự đoán về sự sụp đổ ngay trước mắt của chế độ Triều Tiên đã chứng tỏ là sai. Đối với Moskva, điều trở nên rõ ràng là không phải số phận định sẵn cho Triều Tiên tất yếu sẽ sụp đổ và nước này thực sự có thể tiếp tục trong một thời gian tương đối dài. Hơn nữa, với tình hình kinh tế ở Nga đang cải thiện nhanh chóng, Moskva không còn cần đến sự hào phóng của Hàn Quốc, đặc biệt là xem xét thực tế đáng thất vọng rằng những hy vọng về những sự đầu tư lớn của Hàn Quốc đã không trở thành hiện thực trong những năm 1990.
Moskva đã nhận thấy một cơ hội để tăng cường ảnh hưởng và uy tín quốc tế của Nga bằng việc lại tự đưa mình vào chính trị Bán đảo Triều Tiên thông qua phục hồi những mối liên kết với Triều Tiên. Chính quyền Putin đã đánh giá – một cách chính xác – rằng tạo dựng lại những mối quan hệ với Bình Nhưỡng, trong khi duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Seoul, sẽ lại khiến Nga trở thành một bên tham gia không thể bỏ qua ở Đông Bắc Á. Chính sách mới đã tự bộc lộ trong các chuyến thăm cấp cao nhất. Ông Putin đã đến Bình Nhưỡng trong năm 2000, trở thành nhà lãnh đạo Nga đầu tiên đến thăm Triều Tiên, trong khi Kim Jong-il đã đến Nga vào các năm 2001, 2002, và 2011. Vào năm 2003, Nga cũng đã trở thành thành viên sáng lập của cuộc đàm phán 6 bên, nghe nói theo yêu cầu của Bình Nhưỡng, do đó thể chế hóa và hợp pháp hóa vai trò của Moskva trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong giai đoạn đó, Nga cẩn trọng theo đuổi sự cân bằng trong mối quan hệ chính trị với Seoul và Bình Nhưỡng. Thừa nhận những quan ngại của Seoul về sự phát triển các vũ khí hạt nhân và đạn đạo của Triều Tiên và không tán thành những tuyên bố và hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, Moskva đồng thời đã chỉ ra sự cần thiết phải bảo vệ những lợi ích an ninh “chính đáng” của Triều Tiên. Nga đã ủng hộ những sự trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này, song Moskva cùng với Bắc Kinh đã làm việc để làm giảm tác động của những sự trừng phạt đó và phản đối những biện pháp mạnh mẽ hơn được Mỹ và Nhật Bản ủng hộ.
Cuộc khủng hoảng Ukraine, đã bắt đầu diễn ra vào năm 2013 và đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2014, làm thay đổi sâu sắc chính sách đối ngoại của Nga. Cuộc cạnh tranh với Mỹ cho đến nay đã dịu bớt do một lượng đáng kể sự can dự và hợp tác song phương đã biến thành sự thù địch gay gắt. Việc này có những ảnh hưởng lớn đối với các cách tiếp cận của Nga với Bán đảo Triều Tiên, có thể thấy được trong sự cải thiện nhanh chóng các mối quan hệ Nga-Triều Tiên.
Trong 2 năm 2014 và 2015, các mối quan hệ Nga-Triều Tiên đã phát triển mạnh về cường độ. Có dồn dập những cuộc trao đổi cấp cao, với Nga trở thành một nước thường xuyên được các quan chức cấp cao Triều Tiên đến thăm nhất. Kể từ tháng 2/2014, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Kim Yong-nam, Bộ trưởng Ngoại thương Lee Ren-Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Lee Soo-Yong, đặc phái viên của Kim Jong-un, Choe Ryong Hae, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao, Choi Thae Baek, và các nhà lãnh đạo cấp cao khác đã đến Nga. Nga đáp lại bằng việc cử nhiều đoàn đại biểu đến Bình Nhưỡng. Mặc dù chuyến thăm được mong đợi của nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, Kim Jong-un, đến Moskva nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức đã không diễn ra (Bình Nhưỡng thay vào đó được đại diện bởi Kim Yong-Nam, nhân vật số 2 trong cấp bậc nhà nước Triều Tiên), việc này không làm chậm lại đà phát triển của mối quan hệ Nga-Triều, với năm 2015 được cho là năm tình hữu nghị giữa Nga và Triều Tiên.
Vào tháng 11/2015, Moskva và Bình Nhưỡng đã ký một thỏa thuận về “ngăn chặn hành động quân sự nguy hiểm”. Thỏa thuận này, được ký kết ở cấp tổng tham mưu trưởng giữa hai nước, là một dấu hiệu cho thấy những tiếp xúc quân sự gia tăng giữa Nga và Triều Tiên. Vào tháng 2/2016, Moskva và Bình Nhưỡng đã ký kết một hiệp định về chuyển giao những người nhập cư bất hợp pháp, mà sẽ tạo thuận lợi cho việc trục xuất những kẻ trốn khỏi Triều Tiên trở về nước họ. Văn bản nhạy cảm này được ký kết chỉ vài tuần sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và vài ngày trước vụ phóng tên lửa tầm xa đã được lên kế hoạch, cho thấy rằng thậm chí trong những tình huống xấu, Nga vẫn kiên trì theo đuổi sự hợp tác chính trị với chế độ Bình Nhưỡng.
Trên mặt trận kinh tế cũng có nhiều tiến triển đáng kể. Vấn đề nợ Nga của Triều Tiên (kế thừa từ thời Xôviết) cuối cùng đã được giải quyết vào tháng 5/2014, với việc Nga đồng ý xóa bỏ 90% trong số nợ trị giá 11 tỷ USD. Để thúc đẩy thương mại song phương, Hội đồng doanh nghiệp Nga-Triều đã được thành lập, trong khi Triều Tiên đồng ý nới lỏng những hạn chế thị thực cho các doanh nhân người Nga và tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của họ ở Triều Tiên. Nga và Triều Tiên đã lập ra các bước để sử dụng đồng ruble trong những giao dịch thương mại của họ.
Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại song phương, việc chuyển sang đồng ruble có thể giúp làm giảm sự tổn hại của Triều Tiên trước những sự trừng phạt tài chính của Mỹ mà nhằm đến những giao dịch bằng đồng USD. Đã đạt được những thỏa thuận mang tính thăm dò về những dự án quy mô lớn. Dự án lớn nhất trong số chúng có tên là “Pobeda” (Chiến thắng) kêu gọi Nga đưa ra những khoản đầu tư đáng kể, tổng cộng 25 tỷ USD trong 20 năm, vào ngành công nghiệp mỏ và cơ sở hạ tầng công nghiệp của Triều Tiên để đổi lấy có đặc quyền tiếp cận nguồn khoáng sản dồi dào của Triều Tiên. Các cuộc đàm phán đang diễn ra về việc cho thuê các vùng đất nông nghiệp rộng lớn ở Viễn Đông Nga để người Triều Tiên trồng trọt.
Những tiến triển này và những tiến triển khác cho thấy rằng các mối quan hệ Nga-Triều hiện nay đang ở điểm cao nhất kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Cả hai nước bị phương Tây tẩy chay và là các mục tiêu trừng phạt, Nga và Triều Tiên hiện nay rõ ràng là cảm thấy đồng cảm với nhau. Đặc biệt là Triều Tiên bày tỏ ủng hộ Nga trong vấn đề Crimea. Đến lượt mình, Moskva bênh vực Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi nước này cùng với Trung Quốc bỏ phiếu chống lại việc đưa vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Moskva có thể cũng muốn sử dụng sự ủng hộ gia tăng dành cho Triều Tiên như ảnh hưởng tăng thêm trong những quan hệ với phương Tây, Seoul và Tokyo, trong khi Triều Tiên cần Nga để giảm sự phụ thuộc quá mức của nước này vào Trung Quốc.
Nga và Trung Quốc: Đổi Triều Tiên lấy Ukraine?
Moskva luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm kiếm “các giải pháp chính trị và ngoại giao hòa bình” đối với vấn đề Triều Tiên. Trong thực tế, việc này có nghĩa là bảo tồn những thực trạng địa chính trị hiện nay và duy trì Triều Tiên như một thực thể có chủ quyền. Tuy nhiên, cho tới gần đây cam kết của Moskva đối với Bình Nhưỡng không phải không có những dè dặt nghiêm trọng. Dường như có khả năng Moskva tại thời điểm nào đó sẽ đánh giá việc duy trì chế độ Triều Tiên không đáng tin không nằm trong những lợi ích của nước này, dẫn đến việc Nga chấp nhận việc tái thống nhất Triều Tiên nhanh chóng, cho dù việc này nên được thực hiện như việc Hàn Quốc “hấp thụ” Triều Tiên.
Ngay cả nếu quân đội Mỹ được đóng quân ở phía Bắc Bán đảo Triều Tiên sau khi tái thống nhất, họ sẽ quan ngại về Trung Quốc nhiều hơn là về Nga, nếu chỉ bởi vì Trung Quốc chia sẻ một đường biên giới với Triều Tiên dài hơn nhiều (biên giới của Trung Quốc với Triều Tiên dài 1.416 km trong khi đường biên giới của Nga với nước này chỉ dài 19 km). Không như Bắc Kinh, Kremlin không lo lắng quá nhiều về viễn cảnh Triều Tiên biến mất trên bản đồ chính trị do Bình Nhưỡng đóng vai trò là một vùng đệm bảo vệ cho Trung Quốc chứ không phải cho Nga.
Người ta cũng phải tính đến những thành quả kinh tế mà Nga ở vị thế tốt để có thể đạt được do kết quả của việc tái thống nhất hai miền Triều Tiên. Những dự án lớn bị ngừng lại do xung đột bên trong Triều Tiên, như đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Triều Tiên và kết nối các tuyến đường sắt Triều Tiên với tuyến đường sắt xuyên Siberia của Nga, sẽ đạt được sự tiến bộ nếu vấn đề Triều Tiên cuối cùng được giải quyết. Tổng quát hơn, Triều Tiên về cơ bản là một vùng đất hoang kinh tế, với hầu như không có các cơ hội thương mại cho vùng Viễn Đông Nga láng giềng. Làm cho mọi việc tồi tệ hơn, Triều Tiên chia cắt Nga khỏi “nguồn phát” của nền kinh tế Hàn Quốc. Việc tái thống nhất Triều Tiên sẽ mang lại cho Viễn Đông Nga quyền tiếp cận trực tiếp với một thị trường thống nhất gồm 75 triệu dân có nhu cầu cao về các hàng hóa Nga.
Moskva đã và vẫn không hài lòng với tiến bộ đều đặn của Triều Tiên trong việc phát triển các đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo cả vì những lý do nguyên tắc, Nga là một trong những nước bảo trợ cho cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), lẫn vì những mối quan ngại về an ninh. Những tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng gây ra những nguy cơ ngay lập tức về tính an toàn và an ninh đối với Viễn Đông Nga và trong dài hạn hơn, có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á, một kịch bản Nga không hề mong muốn.
Tầm nhìn địa chính trị ưa thích của Nga đối với Đông Bắc Á là một tầm nhìn về cán cân sức mạnh đa cực dựa trên các nguyên tắc – một sự hòa hợp sức mạnh trong đó Moskva là một trong các bên tham gia, với đàm phán 6 bên giống một nguyên mẫu mang tính thể chế có thể có cho một dàn xếp như vậy. Trước cuộc khủng hoảng Ukraine, một Triều Tiên thống nhất, với sự phụ thuộc về an ninh vào Mỹ giảm bớt và nhiều ảnh hưởng hơn đối với Bắc Kinh và Tokyo, được nhiều người ở Moskva xem là công cụ để thiết lập sự cân bằng sức mạnh ở Đông Bắc Á mà sẽ chống lại sự thống trị của bất cứ một bên tham gia đơn lẻ nào, dù là Mỹ hay Trung Quốc. Điều đó đã tạo ra thêm một lý do cho lợi ích tiềm tàng của Nga trong việc tái thống nhất Triều Tiên.
Có lẽ ngay cả một Triều Tiên thống nhất vẫn giữ một hình thức quan hệ an ninh nào đó với Mỹ vẫn có thể chấp nhận được với Moskva, chừng nào các mối quan hệ của Nga với Washington phần nào có thể chịu đựng được – như cách chúng có trong những năm 2000. Việc này tương phản với lập trường của Trung Quốc: Bắc Kinh rõ ràng là muốn để hai miền Triều Tiên chia cắt chứ không muốn thấy một đất nước thống nhất, mạnh mẽ và có thể ủng hộ Mỹ trên biên giới Trung Quốc, trừ khi một Triều Tiên thống nhất tự xem mình là một phần trong phạm vi ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc, một triển vọng rất không có khả năng xảy ra.
Cuộc xung đột đang căng thẳng thêm của Nga với phương Tây đã lên đến đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng Ukraine đã thay đổi tính toán của Moskva. Trước hết, tình trạng hỗn loạn ở Ukraine đã làm xao lãng sự chú ý và các nguồn lực của Nga khỏi Đông Á, bao gồm cả Bán đảo Triều Tiên. Thứ hai, chủ nghĩa bài Mỹ mạnh mẽ đã lan sang cả chính sách đối ngoại của Nga, khiến các đối thủ của Washington trở thành bạn bè của Moskva và hủy hoại các mối quan hệ của Nga với các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản. Thứ ba, và có thể quan trọng nhất, sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga vào Trung Quốc khiến Nga trở nên dễ chấp nhận những lợi ích của Bắc Kinh ở châu Á-Thái Bình Dương hơn.
Chắc chắn châu Á-Thái Bình Dương, và đặc biệt là Bán đảo Triều Tiên, quan trọng với Moskva ở nhiều khía cạnh nhưng tầm quan trọng của khu vực này không thể được so sánh với những lợi ích của Nga ở Ukraine và các khu vực hậu Xôviết khác – những nơi Nga sẵn sàng chiến đấu vì chúng. Đồng thời, Trung Quốc có những lợi ích cơ bản ở Bán đảo Triều Tiên và nhìn nhận Đông Âu là một mối quan ngại ngoại biên. Việc này khiến cho tạo dựng một kiểu thỏa thuận địa chính trị giữa Moskva và Bắc Kinh trở nên có khả năng xảy ra và lôgích, với việc Nga tỏ sự tôn trọng Bắc Kinh trong các vấn đề Đông Á để đổi lấy sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc, hay ít nhất là sự trung lập rộng lượng, trong cuộc đối đầu của Kremlin với phương Tây do Mỹ lãnh đạo về vấn đề Ukraine.
Một dấu hiệu cho thấy sự cộng tác chiến lược đang gia tăng của Nga với Trung Quốc về vấn đề Bán đảo Triều Tiên là sự đồng phản đối của hai nước trước sự triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trong tương lai ở Hàn Quốc. Vào tháng 4/2015, Nga và Trung Quốc đã tổ chức vòng đối thoại về an ninh song phương đầu tiên ở Đông Bắc Á mà THAAD là một trong những vấn đề chính nằm trong chương trình nghị sự.
Người ta có thể mong đợi rằng Moskva và Bắc Kinh sẽ ngày càng phối hợp quan điểm của họ về các vấn đề an ninh ở Đông Bắc Á và bán đảo Triều Tiên, bao gồm việc làm thay về mặt ngoại giao cho chế độ Triều Tiên. Việc này sẽ làm sống lại sự chia rẽ Đông Bắc Á trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh thành bộ 3 Mỹ-Nhật-Hàn đối đầu với trục Trung-Nga-Triều.
Tầm quan trọng thực sự của sự hợp tác Trung-Nga về vấn đề Bán đảo Triều Tiên có thể được bộc lộ trong trường hợp Triều Tiên sụp đổ. Mặc dù sự sụp đổ của chế độ Triều Tiên hiện nay chắc chắn là không ở ngay gần kề, tình hình ở Triều Tiên về cơ bản là không thể dự đoán được. Chế độ này có thể tiếp tục tồn tại trong 50 năm nữa, song gần như có khả năng nước này sẽ bắt đầu sụp đổ vào ngày mai. Hai bên tham gia có phần rủi ro cao nhất trong sự kiện Triều Tiên sụp đổ hiển nhiên là Hàn Quốc và Trung Quốc. Họ sẽ tìm cách kiểm soát quá trình sụp đổ của chế độ này và định hình kết quả của nó để đảm bảo những lợi ích của họ ở phía Bắc Bán đảo này.
Cho dù Trung Quốc có một ảnh hưởng lớn lên Triều Tiên, nước này cần có sự hỗ trợ của Nga, nếu và khi Triều Tiên bắt đầu sụp đổ. Ngoài Trung Quốc và Hàn Quốc, Nga là nước duy nhất gần cạnh Triều Tiên. Hơn nữa, không như Khu phi quân sự (DMZ), biên giới của Nga với Triều Tiên không bị quân sự hóa nặng nề. Việc này có thể khiến cho việc Nga cùng với Trung Quốc dễ dàng can thiệp vào Triều Tiên hơn. Kinh nghiệm dày dặn của Nga trong việc thực hiện các chiến dịch quân sự và chiến tranh đa hình thái trong những năm gần đây – từ Chechnya đến Crimea – sẽ chắc chắn là một tài sản phụ dành cho Trung Quốc, nước đã không thử thách lực lượng vũ trang của mình kể từ năm 1979 (khi nước này tiến hành cuộc tiến công chống Việt Nam). Sự can thiệp táo bạo của ông Putin ở Syria đã nhấn mạnh sự sẵn sàng – và khả năng - ngày càng tăng của Nga thực hiện những canh bạc quân sự ở nước ngoài. Cuối cùng song không kém phần quan trọng, sự ủng hộ về ngoại giao của Nga với tư cách là một nước lớn chủ yếu và thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ mang lại cho sự can thiệp tính pháp lý quốc tế nhiều hơn, cho phép Bắc Kinh tránh được sự cô lập.
Những hành động phối hợp hợp nhanh của Trung Quốc và Nga sẽ đảm bảo rằng kết quả của một tình huống bất ngờ của Triều Tiên sẽ phù hợp với những lợi ích địa chính trị của họ. Bắc Kinh sẽ nhằm mục đích bình ổn Triều Tiên và thiết lập một chế độ mới trung thành với Trung Quốc trong khi ngăn chặn việc Hàn Quốc liên minh với Mỹ “hấp thu” Triều Tiên. Nga sẽ ủng hộ ván bài của Bắc Kinh, đặc biệt là nếu Trung Quốc cho phép Moskva duy trì mức độ ảnh hưởng nào đó đối với Triều Tiên. Nếu Trung Quốc và Nga hành động theo sát gót nhau trong một cuộc khủng hoảng Triều Tiên, cơ hội cho Seoul đạt được sự tái thống nhất với Triều Tiên theo những điều kiện của họ giảm xuống gần bằng không.
Lực đòn bẩy Nga -Triều Tiên
Quan điểm thường thấy là ảnh hưởng của Nga đối với Triều Tiên phần lớn đều là về chính trị, được xác nhận dựa trên tư cách thành viên thường trực của Nga trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và sự tham gia của nước này trong các cuộc đàm phán 6 bên. Điều thường bị bỏ qua là thực tế Nga duy trì một loạt mối liên hệ thương mại và các mối liên hệ khác với Triều Tiên. Cùng với nhau, chúng tạo ra một ảnh hưởng đáng kể mà Nga có thể thể hiện đối với Triều Tiên, khi và nếu nước này lựa chọn làm như vậy. Có thể nói, trong các nước láng giềng của Triều Tiên, Nga hiện nay đứng thứ hai, sau Trung Quốc, về khả năng tiềm tàng gây ra vết đau kinh tế nhức nhối cho chế độ Triều Tiên. Việc này đã trở nên đặc biệt đúng trong những năm gần đây sau khi Nhật Bản và Hàn Quốc gần như ngừng tất cả các mối quan hệ kinh tế với Triều Tiên.
Thương mại. Vào năm 2014, thương mại của Nga với Triều Tiên tổng cộng trị giá 92 triệu USD, với xuất khẩu của Nga chiếm 90% doanh thu. Nga là đối tác lớn thứ 3 của Triều Tiên về hàng nhập khẩu. Ở một mức độ lớn, việc này phản ánh thực tế là Triều Tiên phải cung cấp phần lớn các nguyên liệu thô, như than đá và quặng sắt, mà bản thân Nga đang có quá nhiều.
Những mặt hàng hàng đầu Nga bán cho Triều Tiên là dầu lửa và nhiên liệu, các phương tiện vận chuyển và ngũ cốc. Hơn nữa, theo Bộ trưởng Phát triển miền Viễn Đông Alexander Galushka, khoảng 1/3 xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên (xấp xỉ 900 triệu USD) thực tế được tạo nên từ các hàng hóa có xuất xứ Nga. Ông đã không nói cụ thể hàng hóa xuất xứ Nga nào mà Trung Quốc tái xuất sang Triều Tiên, song đây gần như là dầu lửa. Galushka cho rằng sự can dự của “các nước thứ ba” trong thương mại Nga-Triều nên được giảm thiểu để giảm giá thành và tăng chất lượng hàng hóa trong giao dịch thương mại.
Lao động Triều Tiên. Sự mất cân bằng trong thương mại hàng hóa, trong đó Nga có thặng dư quá lớn, được xuất khẩu lao động Triều Tiên sang Nga bù đắp phần nào. Việc đưa lao động ra nước ngoài là nguồn tiền tệ mạnh quan trọng đối với chế độ Triều Tiên. Chính phủ Triều Tiên lấy ít nhất 50% những gì người lao động nước họ kiếm được ở nước ngoài. Các công nhân Triều Tiên lần đầu tiên đã đến vùng Viễn Đông Nga (khi đó là Liên Xô) vào cuối những năm 1940 theo những hiệp định liên chính phủ. Từ lâu đã có một sự bổ sung tự nhiên giữa sự thiếu hụt liên tục nhân lực của Viễn Đông Nga và lao động dư thừa của Triều Tiên. Từ năm này qua năm khác, có xấp xỉ 20-26 nghìn người di cư Triều Tiên ở Nga, phần lớn trong số họ ký hợp đồng người lao động nước ngoài. Theo một số ước tính, Nga là nước nhận lao động hợp đồng người Triều Tiên lớn nhất trên thế giới. Những người lao động từ Triều Tiên phần lớn là đàn ông, liên quan đến ngành xây dựng, nông nghiệp và nghề mộc.
Hầu hết các công nhân Triều Tiên đến Nga theo một hợp đồng với một công ty của Nga, làm việc như công nhân chính thức của họ. Tuy nhiên, cuối cùng họ thường làm việc trên thị trường lao động tự do. Chẳng hạn, ở Vladivostok, phần lớn người Triều Tiên tìm kiếm việc làm trong ngành xây dựng, sửa chữa các căn hộ và nhà ở, …v.v. Họ được tổ chức theo các nhóm do “các trưởng nhóm” dẫn dắt. Các trưởng nhóm là những người đã sống ở Nga trong một thời gian tương đối dài, có thể nói tiếng Nga và quen với thị trường địa phương. Những nhóm này chịu trách nhiệm tìm kiếm nhân công của họ. Trên thực thế, họ hành động như thể các “đại lý” thị trường tự do – tìm kiếm việc làm và cung cấp các dịch vụ của họ, mà họ thường quảng cáo trên các phương tiện đại chúng địa phương.
Ở Vladivostok, các đội xây dựng và sửa chữa của Triều Tiên có khả năng cạnh tranh cao, đưa ra thỏa hiệp có chất lượng-giá cả rất thu hút. Người ta có thể thường thấy các nhóm lớn người Triều Tiên ở sân bay Vldivostok lên những chuyến bay của hãng Air Koryo để quay trở lại Bình Nhưỡng. Phần lớn trong số họ mang rất nhiều hành lý, cho thấy họ mang những hàng hóa thương mại từ Nga – những mặt hàng được bán lại ở Triều Tiên, do đó là nguồn thương mại Nga-Triều không chính thức khác.
Những người di cư Triều Tiên được xem là tôn trọng luật pháp và không gây ra nhiều rắc rối cho các nhà cầm quyền ở Viễn Đông Nga. Trở lại những năm 1990, có vài vụ người Triều Tiên làm tiền giả và buôn ma túy, nhưng vấn đề này không còn tồn tại nữa.
Một yếu tố đặc biệt về sự hiện diện của Triều Tiên ở Nga là các nhà hàng. Có những nhà hàng Triều Tiên ở Vladivostok, Khabarovsk và Moskva. Chúng là một phần trong mạng lưới các nhà hàng toàn cầu do nhà nước kiểm soát của Triều Tiên, không chỉ kiếm tiền cho chính phủ ở Bình Nhưỡng mà rõ ràng còn phục vụ như những điểm hoạt động tình báo.
Đầu tư. Phần lớn đầu tư trực tiếp của Nga vào Triều Tiên có liên quan đến dự án Khasan-Rajin. Hãng Đường sắt Nga thuộc sở hữu nhà nước đã chi khoảng 300 triệu USD để nâng cấp đường sắt xuyên biên giới dài 54 km từ Khasan của Nga đến cảng Rajin của Triều Tiên. Việc làm này đi cùng với việc hiện đại hóa các cơ sở cảng Rajin, nơi Nga có được một hợp đồng thuê dài hạn một trong những bến tàu này. Để thực hiện dự án này, một công ty liên doanh có tên Rasonkontrans đã được thành lập, với Nga giữ 70% cổ phần và Triều Tiên giữ 30%. Ngoài tổ hợp công nghiệp Kaesong do Hàn Quốc tài trợ, liên doanh Khasan-Rajin rất có thể là đầu tư nước ngoài lớn nhất duy nhất ở Triều Tiên.
Đường sắt được nâng cấp, đã đi vào hoạt động trong năm 2013, cho phép sử dụng cảng Rajin để vận chuyển hàng từ Nga đi qua tuyến xuyên Siberia đến các nước châu Á-Thái Bình Dương. Cho đến nay, các hàng hóa đi qua tuyến đường Khasan-Rajin chủ yếu được đưa đến Trung Quốc. Trong năm 2014-2015, đã có 3 chuyến vận chuyển đường biển thành công than đá Siberia qua Rajin đến Pohang của Hàn Quốc, làm xuất hiện những hy vọng rằng tuyến đường này cuối cùng có thể được sử dụng như một dự án kinh doanh liên Triều nữa. Nga xem dự án Khasan-Rajin là giai đoạn đầu trong đại kế hoạch kết nối đường sắt chính xuyên Siberia của Nga với đường sắt xuyên Triều Tiên trong tương lai.
Tài chính. Nga là một trong ít nước có các thể chế tài chính thực hiện những giao dịch thường xuyên với Triều Tiên. Đây chủ yếu là các ngân hàng tư nhân có trụ ở Viễn Đông Nga. Đáng chú ý, trong năm 2007, Dalcombank đặt tại Khabarovsk của Viễn Đông Nga đã trở thành ngân hàng duy nhất trên thế giới đồng ý thực hiện một công việc tế nhị là trung chuyển đến Triều Tiên các tài sản của chế độ Kim trị giá 25 triệu USD trước đây bị đóng băng trong ngân hàng Banco Delta Asia đặt tại Macao do những sự trừng phạt tài chính của Mỹ.
Nghề cá. Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nga là một nguồn đánh bắt cá quan trọng đối với Triều Tiên. Các tàu cá của Triều Tiên, phần lớn là bắt mực, hoạt động ở các lãnh hải của Nga tuân thủ các thỏa thuận liên chính phủ giữa Nga và Triều Tiên, mà quy định chủng loài và số lượng được đánh bắt. Ngoài đánh bắt cá hợp pháp, có những vụ Triều Tiên đánh bắt trộm ở các vùng biển của Nga lặp đi lặp lại, cho dù các nhà chức trách Nga nhìn chung không muốn đưa những vụ việc này ra công khai.
Máy bay. Phi đội của Hãng hàng không Air Koryo mang quốc kỳ Triều Tiên bao gồm các máy bay do Nga chế tạo – những chiếc Tupolev, Ilyushin, và Antonov. Việc này có nghĩa là phụ thuộc vào những phụ tùng thay thế và một số dịch vụ bảo dưỡng nhập khẩu từ Nga. Lực lượng không quân Triều Tiên cũng vận hành một số lượng lớn các máy bay do Liên Xô và Nga chế tạo, dù phần lớn trong số chúng không được cất cánh do thiếu nhiên liệu và dịch vụ bảo dưỡng tồi tệ.
Những mối liên kết giao thông vận tải trên bộ. Ngoài Trung Quốc, Nga là nước duy nhất duy trì giao thông liên lạc bằng đường bộ với Triều Tiên. Nga và Triều Tiên được kết nối bởi một cây cầu đường sắt qua sông Tumangan. Ngoài mối liên kết đường sắt hiện nay, hai nước gần đây đã quyết định xây dựng một cây cầu ô tô, mặc dù vẫn chưa rõ khi nào thì việc xây dựng sẽ thực sự bắt đầu. Vladivostok của Nga nằm trong số ít sân bay thực hiện các dịch vụ bay được lên kế hoạch thường xuyên đến Bình Nhưỡng (tất cả các sân bay khác có dịch vụ bay được lên kế hoạch cả năm đến Triều Tiên là Bắc Kinh, Thẩm Dương và Thượng Hải của Trung Quốc). Những mối liên kết trên bộ và trên không thường xuyên khiến Nga trở thành một cửa ngõ không thể thiếu được đối với Triều Tiên. Nếu Nga cắt bớt hoặc chấm dứt vận hành những tuyến đường này, Triều Tiên sẽ chỉ dựa được vào những lựa chọn Trung Quốc.
Giáo dục. Nga là một trong rất ít nước mà Triều Tiên gửi các sinh viên của nước này đến, cho dù số lượng sinh viên là tương đối hạn chế. Tại các trường đại học của Nga, họ phần lớn học chuyên ngành tiếng Nga, kỹ sư và khoa học.
Nga và 3 kịch bản vói Triều Tiên
Do những lợi ích lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên và ảnh hưởng đáng kể của Nga, nước này sẽ đóng một vai trò tích cực trong kịch bản đang diễn ra tập trung vào Triều Tiên. Câu hỏi là nước này sẽ có kiểu vai trò nào. Rất có thể, hành vi của Nga sẽ hướng tới một trong 3 kịch bản sau:
Kịch bản 1: Nga cản trở những nỗ lực quốc tế đối phó với Triều Tiên. Kịch bản này có thể xảy ra nếu các mối quan hệ của Nga với Mỹ thậm chí trở nên tồi tệ hơn bây giờ, với việc cả hai nước bước vào một phiên bản mới của một cuộc Chiến tranh Lạnh gay gắt. Để trừng phạt phương Tây, thay vì tham gia những nỗ lực do Mỹ lãnh đạo nhằm kiềm chế chế độ Kim, Moskva sẽ kéo dài sợi dây cứu đắm cho Bình Nhưỡng mà giảm bớt áp lực quốc tế. Ở mức cao nhất, Nga thậm chí có thể bắt đầu lại việc chuyển giao vũ khí cho Triều Tiên, việc làm mà Bình Nhưỡng từ lâu đã tìm kiếm từ phía Moskva.
Một số yếu tố trong kịch bản này, dù cho trong những kiểu ít cực đoan hơn, cũng có thể trở thành hiện thực nếu Nga cảm thấy nước này đang bị gạt sang lề hay bị tảng lờ như một bên tham gia chính trên Bán đảo Triều Tiên. Hãy xem xét việc Nga miễn cưỡng tán thành ngay lập tức nghị quyết dự thảo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt những sự trừng phạt cứng rắn lên Triều Tiên mà đã được Mỹ và Trung Quốc đàm phán song phương vào cuối tháng 2/2016.
Moskva đã bày tỏ không hài lòng trước thực tế là những lợi ích của Nga không được tính đến và trì hoãn việc thông qua nghị quyết này. Nga đã đảm bảo một sự nhượng bộ quan trọng trong phiên bản cuối cùng của nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua vào ngày 2/3, nhờ đó than đá có nguồn gốc bên ngoài Triều Tiên (từ Nga và Mông Cổ) và được vận chuyển để xuất khẩu thông qua cảng Rajin của Triều Tiên nằm ngoài lệnh cấm buôn bán than đá nói chung. Việc này sẽ đảm bảo hoạt động tiếp tục của liên doanh đường sắt Khasan-Rajin do Nga kiểm soát.
Kịch bản 2: Nga ở vào địa vị phụ thuộc Trung Quốc. Do việc gần như là liên minh với Bắc Kinh, Moskva có thể làm theo những lợi ích của Trung Quốc liên quan đến Triều Tiên để đổi lấy sự công nhận của Trung Quốc về những lợi ích sống còn của Nga ở Ukraine và những nơi khác trong không gian hậu Xôviết. Điều đó có nghĩa là Nga hầu như sẽ đi theo đường hướng của Trung Quốc về Bán đảo Triều Tiên.
Nếu Trung Quốc thông qua một lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên, như vụ nghị quyết trừng phạt gần đây nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thì Nga cũng sẽ tham gia cơ chế trưng phạt này. Tuy nhiên, hoàn toàn không chắc chắn là Trung Quốc thực sự cam kết thực thi những sự trừng phạt này. Bắc Kinh về cơ bản bị Washington ép buộc ủng hộ những sự trừng phạt nghiêm khắc đối với Triều Tiên. Để có được sự nhất trí của Trung Quốc, Mỹ đã sử dụng việc đe dọa áp dụng “những sự trừng phạt thứ yếu” đối với các công ty Trung Quốc có quan hệ kinh doanh với Triều Tiên cũng như sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đến Hàn Quốc, điều mà Bắc Kinh tuyên bố có thể làm hại đến an ninh của Trung Quốc.
Nói tóm lại, câu hỏi lớn là liệu Trung Quốc có sẽ trung thành thực hiện thỏa thuận trừng phạt mà nước này đã phải ký kết dưới áp lực căng thẳng từ đối thủ chiến lược chính của mình không. Và như nhiều nhà quan sát lưu ý, ghi nhận của Trung Quốc về việc tuân thủ những vòng trừng phạt của Liên hợp quốc trước đây chống lại Triều Tiên không hẳn có sức thuyết phục. Do đó, nếu Trung Quốc giả bộ ủng hộ những sự trừng phạt mới, song trên thực tế lại không làm như vậy, Nga sẽ cho thấy một cách cư xử tương tự. Nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mang lại nhiều không gian tùy ý để nới lỏng những trừng phạt, bao gồm ngôn ngữ cho phép có những giao dịch với Triều Tiên nếu chúng được thực hiện vì các mục đích “nhân đạo” hay “sinh kế”.
Như đã thảo luận ở trên, hệ quả lớn nhất của sự hợp tác Trung-Nga về bán đảo Triều Tiên có thể là sự can thiệp chung của họ trong trường hợp chế độ Kim có thể sụp đổ. Sự tham gia của Nga trong một sự can thiệp như vậy lúc này có thể không phải không có khả năng khi mà Nga đã chứng tỏ, với Crimea và Syria, sự thích thú của nước này muốn có những động thái quân sự táo bạo ở nước ngoài.
Kịch bản 3: Nga hành xử như thể một bên tham gia xây dựng và độc lập. Không còn nghi ngờ gì nữa, Moskva tiếp tục dành ưu tiên cao cho việc duy trì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên cũng như bảo vệ cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu. Đó là lý do tại sao rất có khả năng Nga sẽ sẵn sàng có những đóng góp đáng kể vào những nỗ lực quốc tế kiềm chế Triều Tiên, sử dụng ảnh hưởng chính trị và kinh tế mà nước này có được với Bình Nhưỡng, cho dù Nga sẽ vẫn có thể không ủng hộ những sự trừng phạt hết sức cứng rắn có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng.
Nga sẽ hành xử như một bên tham gia độc lập hợp tác với Washington, Bắc Kinh, Tokyo và Seoul chừng nào các mục tiêu của những nước này tương đồng với các mục tiêu của Moskva – tức là ngăn chặn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và bảo vệ chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, Nga sẽ tạm bằng lòng nếu Triều Tiên đóng băng các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, coi việc giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn là một mục tiêu dài hạn. Đàm phán 6 bên vẫn là kiểu ngoại giao ưa thích của Moskva trong việc đối phó với Triều Tiên.
Cho dù những lợi ích của Nga và của Mỹ trong các vấn đề Triều Tiên không giống nhau, chúng chồng chéo lên nhau đủ để đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ của họ. Như đại diện Bộ Ngoại giao về chính sách Triều Tiên Sung Kim đề cập vào tháng 1/2015: “Sự liên kết của Mỹ và Nga dựa trên mục tiêu cốt lõi của sự phi hạt nhân hóa vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Ông tiếp tục tuyên bố: “Nga sẽ vẫn là bên tham gia quan trọng trong ngoại giao với Triều Tiên của chúng ta”. Điều đó nói lên rằng việc Moskva sẵn sàng hợp tác với Mỹ về các vấn đề Bán đảo Triều Tiên sẽ có mối liên hệ trực tiếp với điều kiện chung của mối quan hệ Nga-Mỹ: Nếu hai nước vẫn căng thẳng, hay trở nên bất đồng hơn, Nga sẽ bị kích thích gây cản trở cho những chính sách Triều Tiên của Washington./.
* Bài viết của tác giả Artyom Lukin là Phó Giám đốc phục trách nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Khu vực và Quốc tế, Đại học Liên bang Viễn Đông, Nga. Bài đăng trên trang Viện nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ.