Nga “báo thù” vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 thế nào?

Một số chuyên gia nhận định, rất có thể sự kiện bắn rơi máy bay Su-24 sẽ trở thành lý do để Nga triển khai các hệ thống phòng không ghê gớm như S-300 hoặc hệ thống S-400 tại Syria vốn là nỗi khiếp sợ của phương Tây, để lập ô phòng không bảo vệ lực lượng Nga tại Syria.
Máy bay Su-24 của Nga bốc cháy sau khi trúng tên lửa (ảnh cắt từ clip)
Máy bay Su-24 của Nga bốc cháy sau khi trúng tên lửa (ảnh cắt từ clip)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố đáp trả vụ Thổ Nhĩ Kỳ vô cớ bắn hạ máy bay Nga và xem đây là hành động “đâm lén sau lưng” của Ankara. Nga cũng cảnh báo những hậu quả nghiêm trong trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ…

Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập đại sứ Nga, Bộ Quốc phòng Nga cũng lập tức triệu tập tùy viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga tới để phản đối về vụ bắn hạ máy bay Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hủy chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ đã được lên lịch trước để bàn thảo về cuộc khủng hoảng Syria.

Sputnik News cho biết Nga sẽ triển khai các hệ thống tác chiến điện tử tại Syria để bảo vệ các phi công và ngăn ngừa những sự việc tương tự vụ bắn rơi Su-24 ngày 23/11. Các hệ thống này bao gồm các hệ thống mặt đất và các thiết bị triển khai trên máy bay đặc biệt, thiếu tướng Evgeny Buzhinsky cho biết.

“Liên quan tác động có thể của sự cố này tới các phát triển xa hơn trong chiến dịch tại Syria, tôi nghĩ ngay từ bây giờ, các phi công của chúng ta sẽ tập trung hơn và nếu như người Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phạm một hành động như vậy, Nga sẽ đưa thiết bị tác chiến điện tử và các thiết bị chiến tranh khác, kể cả máy bay đặc biệt với các thiết bị đặc biệt trên khoang nhằm bảo vệ các phi công của chúng ta tránh khỏi đòn tấn công tên lửa”, tướng Buzhinsky nói.

Tướng Buzhinsky cũng nói thêm rằng các thiết bị kiểm soát, bao gồm hệ thống radar bay và những thiết bị khác sẽ cho phép Nga xác minh chính xác địa điểm và máy bay bị bắn hạ ra sao.

Rất có thể Nga sẽ có lý do để triển khai hệ thống tên lửa khét tiếng S-300 hoặc S-400 tại Syria
Rất có thể Nga sẽ có lý do để triển khai hệ thống tên lửa khét tiếng S-300 hoặc S-400 tại Syria

Trên thực tế, quan hệ Nga-Thổ đã âm ỉ căng thẳng từ lâu.Từ khi chiến tranh Syria bùng nổ hồi bốn năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện rõ quan điểm ủng hộ các nhóm nổi dậy chống Tổng thống Assad. Ankara chỉ trích dữ dội chiến dịch không kích của Nga ở Syria chỉ hỗ trợ quân đội của ông Assad chứ không hề chống IS như tuyên bố của Điện Kremlin. Ankara cũng lo ngại việc Nga can thiệp quân sự vào Syria có thể khiến thêm nhiều người tị nạn Syria chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Trả lời phỏng vấn trang tin Trend, tướng về hưu Armagan Kuloglu của lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định bằng hành động bắn rơi máy bay Nga, chính quyền Ankara thể hiện “ý chí chính trị” và quyết tâm ngăn chặn nước ngoài xâm phạm không phận.

“Thổ Nhĩ Kỳ không cần biết quốc gia nào xâm phạm không phận chúng tôi” - tướng Kuloglu khẳng định. Ông nhấn mạnh trước khi máy bay Nga bị bắn hạ, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần cảnh báo cho phi công Nga là máy bay đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Tướng Kuloglu không loại trừ khả năng một cuộc khủng hoảng chính trị giữa hai nước sẽ nổ ra. “Nhưng do tầm quan trọng của quan hệ chính trị và kinh tế song phương, cuộc khủng hoảng này sẽ không kéo dài” - ông nhận định.

CNN dẫn lời chuyên gia Sajjan Gohel thuộc Tổ chức Asia-Pacific Foundation mô tả vụ bắn máy bay là “sự leo thang vô cùng nghiêm trọng”. Ông cho rằng đây là tình huống “bất khả kháng” vì trước đó căng thẳng hai nước liên tục leo thang và Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần cảnh báo Nga về việc vi phạm không phận.

Ngày 24/11, một máy bay cường kích Su-24 của Nga đã bị tên lửa không đối không của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tại Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi thực hiện các đòn tấn công chính xác vào các nhóm khủng bố ở phía bắc Syria.

Không khí ở Nga rất sôi sục sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngang nhiên bắn hạ máy bay cường kích vốn chuyên nhiệm vụ tấn công mặt đất, không thể đối phó với máy bay tiêm kích chuyên làm nhiệm vụ không chiến như F-16. Có người còn thống kê lại những trận chiến trong lịch sử giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, trong đó phần thắng nghiêng về phía Nga nhiều hơn và kêu gọi trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số chuyên gia nhận định, rất có thể sự kiện bắn rơi máy bay Su-24 sẽ trở thành lý do để Nga triển khai các hệ thống phòng không ghê gớm như S-300 hoặc hệ thống S-400 vốn là nỗi khiếp sợ của phương Tây. Nếu quả thật như vậy, Nga sẽ thiết lập một “vùng cấm bay” đối với các máy bay của Mỹ và NATO trên không phận Syria.

Theo QPAN