Sự việc Cục Hải quan Quảng Trị ra quyết định tạm đình chỉ công tác 4 cán bộ, nhân viên Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Đakrông, để điều tra việc nhận tiền “bôi trơn” khi làm nhiệm vụ mà báo chí phản ánh khiến dư luận khá bất ngờ.
Bất ngờ là vì theo phản ảnh của người dân đi lại qua cửa khẩu, những tiêu cực này đã diễn ra, lặp đi lặp lại trong thời gian dài, là một loại “luật bất thành văn” tồn tại như mặc định. Hằng năm, cho dù cấp trên tiến hành các đợt kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất cũng không phát hiện ra. Thế mà chỉ bằng vài thao tác nghiệp vụ của phóng viên, hành vi vụ lợi ấy đã bị lật tẩy. Nhiều chuyên gia đặt vấn đề, những dấu hiệu không bình thường ấy tồn tại dưới dạng dư luận nhưng tại sao cơ quan quản lý không chú ý giải quyết? Phải chăng, nơi đây đã trở thành vùng cấm, là “lãnh địa riêng” và là nơi để “chuột”, “sâu” và “mọt” có đất dụng võ!
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) “truy” Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về tình trạng tham nhũng của ngành hải quan tại diễn đàn QH
|
Theo thống kê của ngành chức năng, Việt Nam có 22 cửa khẩu quốc tế đường bộ, 17 đường biển, 8 đường hàng không và 2 đường sắt cùng hàng nghìn đường mòn lối mở giáp danh với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Tại các cửa khẩu, Việt Nam luôn duy trì lực lượng chức năng của nhiều cơ quan cùng phối hợp quản lý. Hằng ngày, lượng người và hàng hóa thông thương qua các cửa khẩu cực lớn. Những dịp chuẩn bị đến tết cổ truyền, lễ hội... thì việc đi lại và lượng hàng hóa thông thương còn nhiều hơn gấp bội.
Do đó, nếu lực lượng chức năng kiểm soát không kỹ, nếu bị mua chuộc hoặc nhận tiền “bôi trơn” thì hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng trốn thuế... sẽ đi vào nội địa và gây ra những hậu quả khôn lường cho xã hội. Hệ lụy nhìn thấy là môi trường kinh doanh bị vẩn đục, bóp chết nền sản xuất, thương mại trong nước. Các chuyên gia từng nhận định, việc lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ số lượng lớn ma túy tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và TP Hồ Chí Minh thời gian vừa qua là biểu hiện của tình trạng quản lý cửa khẩu nơi biên giới lỏng lẻo, vô tình tạo kẽ hở và cơ hội để bọn tội phạm trong nước, nước ngoài lợi dụng và hành động.
Người Việt có câu tục ngữ rằng “thợ may ăn vải thợ vẽ ăn hồ”, nhằm chê trách hành vi bớt xén vốn gần như là thuộc tính của người thợ trong xã hội. Ở giai đoạn hiện nay, khi mà tư duy công nghiệp được đề cao, chúng ta rất cần đến tư duy xây dựng sự trung thực, uy tín và thương hiệu lâu dài. Nếu những người trong cơ quan chức năng thay mặt nhà nước làm những việc quản lý nơi cửa khẩu vì “cái lợi cỏn con”, tư duy theo kiểu “ăn vải, ăn hồ” thì đất nước khó có thể tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thiết nghĩ, đã đến lúc Nhà nước và các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra toàn diện việc thực thi công vụ tại các cửa khẩu để không còn những biểu hiện và hành vi “ăn chặn” tiền mồ hôi nước mắt của người dân giống như sự việc đã phát hiện tại cửa khẩu quốc tế La Lay.
Quá trình xử lý cần dân chủ, minh bạch, khách quan và nghiêm minh thì mới mong mang lại hiệu quả thiết thực. Nếu còn tư tưởng “giơ cao đánh khẽ” và “né trách nhiệm” thì tiêu cực trong cơ quan công quyền như trên khó lòng hy vọng mất đi trong ngày một ngày hai.